Vô tư xả rác ra nơi công cộng, kể cả rác độc hại
Sự ồn ào quanh chiếc khẩu trang bắt đầu khi người ta găm hàng, tăng giá vì nhu cầu tăng vọt trong mùa dịch Covid-19. Nhiều cửa hàng thuốc đã bị phạt nặng thì tăng giá khẩu trang y tế. Song, một chuyện buồn lo khác liên quan đến khẩu trang là người ta vứt bừa bãi sau khi sử dụng.
Chuyện người Việt vô tư xả rác ra nơi công cộng không mới, nhưng nhiều người nghĩ rằng, loại khẩu trang y tế là rác đặc biệt; nếu nó không gây độc hại trên thực tế, thì nó cũng gây cảm giác bất an. Do vậy, hi vọng người sử dụng ý tứ hơn. Ấy thế mà mấy hôm nay, chúng ta bắt gặp loại khẩu trang y tế đã qua sử dụng vứt bừa bãi khắp nơi: Trên đường phố, ở bến xe bến tàu, ở chợ, trong sân trường, trong thang máy...
Nếu chúng ta không có chế tài phạt những người vứt khẩu trang lung tung thì chẳng bao lâu nữa khắp nơi đầy rác khẩu trang. Đơn giản là hiện nay các cơ sở sản xuất khẩu trang kháng khuẩn đang chạy hết công suất, vì vậy, việc thiếu khẩu trang sẽ được giải quyết. Vấn đề là dùng khẩu trang y tế đúng cách là dùng một lần rồi vứt đi. Không khó để tưởng tượng ra lượng rác khẩu trang y tế khổng lồ sẽ thành những bãi rác lớn ở khắp nơi nếu người sử dụng thiếu ý thức.

Rác khẩu trang vất bừa bãi có thể trở thành nguồn dịch bệnh. Ảnh KT
Cần có chế tài phạt những người vứt khẩu trang qua sử dụng ở nơi công cộng
Cho đến nay, chúng ta chưa có quy định phạt những người xả rác ở nơi công cộng, chỉ nhắc nhở về ý thức mà thôi. Nhưng câu khẩu hiệu “Giữ gìn vệ sinh chung” hầu như không có tác dụng. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã khác. Đừng quên là ngày 01/02/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công bố dịch viêm phổi Vũ Hán.
Như vậy, theo luật định, hiện nay chúng ta đang sống trong điều kiện phải áp dụng nhiều biện pháp để phòng dịch. Dựa vào điều này, chính quyền địa phương có thể ban hành những quy định xử phạt những người vi phạm, trong đó có việc vất bừa bãi khẩu trang đã qua sử dụng. Làm được điều này, trước mắt chúng ta hạn chế được nỗi buồn, lo về rác khẩu trang; tiếp theo, chúng ta ít nhiều yên tâm vì không thấy rác độc hại vương vãi ở khắp mọi nơi; và cuối cùng, chúng ta hi vọng là người Việt hình thành thói quen không xả rác ra những nơi công cộng.
Dịch Covid-19 đang gây đình trệ nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Dù chưa tính toán, chưa thống kê nhưng chúng ta biết là sẽ thiệt hại lớn. Tuy nhiên, cũng có thể tìm kiếm đôi chút kết quả tích cực trong khi đối phó với dịch Covid-19. Đó là tạo cho con người tính tự giác thực hiện những việc có lợi cho cảnh quan môi trường, thuận tiện cho hoạt động giao thông. Đấy là “nguyên tắc” tìm cái may trong cái rủi.
Nghè Nghệ/GĐTE