Trường Cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai gắn kết chặt chẽ đào tạo với doanh nghiệp
Tiền thân là Trường Cao đẳng nghề Đồng Nai, được đổi tên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai từ tháng 10/2017, trong những năm qua, Nhà trường đã luôn nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo gắn với doanh nghiệp, nhằm cung cấp nguồn
nhân lực kỹ thuật chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thông qua việc đổi mới chương trình đào tạo, cải tiến phương pháp giảng dạy tích hợp, nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, sử dụng các phương tiện như máy vi tính, máy chiếu, các học cụ thực tế để minh họa trong giảng dạy, qua đó phát huy tính tích cực của người học.
Đặc biệt, Trường đã gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Đến nay, đơn vị đã có mối quan hệ hợp tác với 170 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp đã tham gia với trường từ khâu biên soạn, góp ý giáo trình, trực tiếp giảng dạy một số môn học, hỗ trợ học viên thực hành và kiểm định tốt nghiệp. Nhờ đó, hơn 90% học viên tốt nghiệp đều có
việc làm ngay, có nhiều nghề như: hàn, cơ khí cắt gọt, may thời trang… không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động. Nhờ tác động tích cực này, năm học 2018 - 2019, Trường đã tuyển mới được tổng số 2.100 học viên, trong đó có trên 800 hệ cao đẳng, gần 1300 hệ trung cấp, vượt 10% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Với định hướng ứng dụng
công nghệ cao, gắn chặt với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, trong thời gian tới, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu nguôn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai tiếp nhận tài trợ thiết bị của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: Minh Tuấn
Trường cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi Đồng Nai tiến tới mô hình đào tạo xanh chất lượng cao
Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi Đồng Nai đã đào tạo trên 100.000
lao động kỹ thuật lành nghề, phục vụ sản xuất tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. Trung bình hằng năm, Nhà trường đào tạo khoảng 2.900 đến 4.000 học viên các hệ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề; tỷ lệ tốt nghiệp đạt trung bình trên 90%, học viên có việc làm sau đào tạo trên 87%...
Với uy tín và năng lực đã được khẳng định, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi Đồng Nai đã trở thành cơ sở GDNN duy nhất được thụ hưởng Dự án “Chương trình cải cách giáo dục kỹ thuật và
đào tạo nghề - Trung tâm giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề xanh chất lượng cao” trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ đào tạo nghề Việt Nam hợp tác với CHLB Đức thông qua tổ chức GIZ. Mục tiêu của Dự án là tăng cường năng lực đào tạo và cơ sở vật chất cho nhằm xây dựng Trường trở thành Trung tâm đào tạo nghề xanh chất lượng cao theo tiêu chuẩn của CHLB Đức; lồng ghép các modul Xanh cho các nghề thuộc lĩnh vực: Cơ giới, Cơ khí, Công nghệ ô tô, Điện - Điện tử, Điện lạnh, Công nghệ thông tin.
Một khóa đào tạo tiếng Anh nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi Đồng Nai.
Thực hiện Dự án này, từ năm 2014 đến nay, được sự hỗ trợ của GIZ và Tổng cục GDNN, Nhà trường đã cử 3 đoàn cán bộ học tập ngắn hạn và đào tạo nghề xanh chuyên sâu cho 11 giáo viên tại Đức, 2 chuyên gia phát triển Đức đã đến Trường hỗ trợ, tư vấn về sắp xếp thiết bị, xưởng thực hành, đào tạo giáo viên, bước đầu theo mô hình “5S” tại trường, thành lập các nhóm chuyên trách, xây dựng kế hoạch và những modul cơ bản về “bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên”. Trường cũng đã từng bước cải tạo cảnh quan, môi trường giáo dục theo hướng “xanh hóa”. Các Chương trình đào tạo nghề cũng được cải tiến theo hướng tiết kiệm thời gian và giảm chi phí nguyên vật liệu thực hành được áp dụng rộng rãi; Các công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo từ thiên nhiên (Điện gió, Pin mặt trời, Khí hóa sinh khối, Biogas…); đồng thời mở thêm các nghề mới như Kỹ thuật viên cho công nghệ năng lượng trong tòa nhà; Đào tạo kỹ thuật viên cơ khí về hệ thống vệ sinh, sưởi ấm và điều hòa không khí trong nhà máy và 18 chương trình đào tạo hiện có sẽ được tích hợp thêm công nghệ xanh theo tiêu chuẩn của CHLB Đức. Giáo viên giảng dạy các nghề đầu tư trong dự án cũng được đào tạo để sử dụng thành thạo thiết bị được mua sắm, bao gồm các nghề thuộc lĩnh vực Điện - Điện tử, công nghệ năng lượng trong tòa nhà, cơ khí về hệ thống vệ sinh, sưởi ấm và điều hòa không khí trong nhà máy.
Mới đây, Nhà trường đã được Tổng cục GDNN và GIZ hỗ trợ tổ chức lễ ra mắt chính thức mô đun cơ bản đầu tiên “Bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả”. Mô đun cơ bản gồm ba chủ đề: sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả; quản lý chất thải và xử lý các chất độc hại đúng cách, thân thiện môi trường. Đây cũng là bước khởi đầu để nhà trường phấn đấu trở thành Trung tâm đào tạo nghề xanh của Việt Nam và khu vực trong tương lai.
Có thể nói, với sự xuất hiện của nhiều mô hình điểm về GDNN như Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi Đồng Nai, Trường Cao đẳng Lilama 2..., tin rằng các trường nghề ở Đồng Nai đang đi đúng hướng trong việc ứng dụng mạnh mẽ thành quả của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tiễn, góp phần cung cấp nguồn lao động có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế xanh và bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
An Nhiên/GĐTE