Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Các tỷ phú trên thế giới sở hữu nhiều tài sản hơn 4,6 tỷ người

2.153 tỷ phú trên thế giới sở hữu nhiều tài sản hơn 4,6 tỷ người, tương đương 60 phần trăm dân số thế giới, theo báo cáo mới đây của tổ chức Oxfam trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ ngày 20/1.

Bất bình đẳng toàn cầu đang lan rộng và ăn sâu bám rễ một cách nghiêm trọng. Số lượng tỷ phú đã tăng gấp đôi trong thập kỷ vừa qua. Ông Amitabh Behar, Giám đốc Điều hành của Oxfam Ấn Độ, đại diện của Oxfam tại Davos phát biểu: "Khoảng cách giữa giàu và nghèo không thể được giải quyết nếu không tính tới các chính sách nhằm xóa bỏ bất bình đẳng, và đang có quá ít chính phủ cam kết với các chính sách này".

Các tỷ phú trên thế giới sở hữu nhiều tài sản hơn 4,6 tỷ người - Ảnh 1.

Khoảng cách giàu nghèo.

Báo cáo " Ngừng thờ ờ" của Oxfam mới đây chỉ ra nền kinh tế bất bình đẳng giới của chúng ta đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng bất bình đẳng như thế nào – nó tiếp tay cho giới thượng lưu giàu có chiếm hữu một lượng tài sản không ngừng tăng lên với cái giá phải trả là tổn thất của những người dân bình thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái nghèo:

22 người đàn ông giàu nhất thế giới có nhiều của cải hơn tất cả phụ nữ châu Phi cộng lại.

Mỗi ngày, phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu làm 12,5 tỷ tiếng đồng hồ cho các công việc chăm sóc không được trả lương- đóng góp ít nhất 10,8 nghìn tỷ đô la Mỹ một năm cho nền kinh tế thế giới, hơn gấp 3 lần giá trị của ngành công nghiệp kỹ thuật toàn cầu.

Chỉ thu thêm 0,5% thuế tài sản của 1% người giàu nhất thế giới trong vòng 10 năm tới, chúng ta sẽ có đủ nguồn đầu tư cần thiết để tạo ra 117 triệu công việc chăm sóc trong giáo dục, y tế và chăm sóc người già.

"Nền kinh tế đang rạn vỡ của chúng ta đang làm đầy túi các tỷ phú cùng các doanh nghiệp lớn bằng cái giá phải trả là sự tổn thất của những người dân bình thường. Cũng không lạ khi người ta bắt đầu đặt câu hỏi rằng liệu các tỷ phú thậm chí có nên tồn tại hay không," ông Behar cho biết.

"Phụ nữ và trẻ em gái nằm trong nhóm được hưởng lợi ít nhất từ hệ thống kinh tế hiện nay. Họ dành hàng tỷ giờ đồng hồ để nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc cho người già và trẻ em. Những công việc chăm sóc không lương này chính là "động cơ ẩn" giữ cho bánh xe nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội vận hành trơn tru bởi phụ nữ, những người thường có rất ít thời gian dành cho việc học, kiếm tiền đủ cho một cuộc sống tử tế, hay có tiếng nói trong việc xây dựng xã hội, và do đó họ là những người bị mắc kẹt ở tận đáy nền kinh tế," ông Behar nói thêm.

Phụ nữ đang đảm nhiệm hơn 3 phần 4 tổng lượng công việc chăm sóc không lương. Họ thường phải cắt giảm giờ làm hoặc bỏ việc vì bị quá tải bởi công việc chăm sóc hàng ngày. Ước tính có 42% phụ nữ trên toàn cầu không thể có việc làm vì phải chịu toàn bộ trách nhiệm chăm sóc, so với chỉ 6% nam giới.

Nữ giới cũng chiếm 2 phần 3 "lực lượng lao động chăm sóc" có lương. Những công việc như người nuôi dạy trẻ, người giúp việc, phụ tá chăm sóc thường bị trả lương thấp, phúc lợi nhỏ giọt, bị ép buộc làm việc với giờ giấc thất thường và tiềm ẩn những tổn thất về thể xác và tinh thần.

Áp lực đặt lên những người chăm sóc, có lương cũng như không lương, sẽ tăng cao trong thập kỷ tới khi dân số thế giới tăng lên và già đi. Ước tính đến năm 2030, thế giới sẽ có 2,3 tỷ người cần được chăm sóc, tăng 200 triệu người so với năm 2015. Biến đổi khí hậu có khả năng khiến cuộc khủng hoảng chăm sóc toàn cầu đang cận kề trở nên trầm trọng hơn. Đến năm 2025, sẽ có đến 2,4 tỷ người sống ở các vùng thiếu nước, phụ nữ và trẻ em gái sẽ phải đi bộ một quãng đường xa hơn nữa để đem nước về.

Báo cáo chỉ ra rằng các chính phủ đang áp thuế quá thấp đối với những cá nhân và doanh nghiệp giàu có nhất và thất thu thuế dẫn đến việc không có đủ ngân sách giúp giảm bớt trách nhiệm chăm sóc đè nặng lên vai phụ nữ và giải quyết vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng.

Trong lúc đó, các chính phủ lại không cấp đủ ngân sách đầu tư cho các dịch vụ công thiết yếu vốn có thể giúp giảm bớt khối lượng việc của phụ nữ và trẻ em gái. Đầu tư trong lĩnh vực nước sạch, vệ sinh, điện, chăm sóc trẻ, y tế có thể giải phóng thời gian cho phụ nữ và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Ví dụ, nếu có được một nguồn cung cấp nước sạch ổn định, phụ nữ ở nhiều nơi tại Zimbabwe tiết kiệm đến 4 giờ lao động một ngày, tương đương với 2 tháng mỗi năm.

"Các chính phủ đã gây ra cuộc khủng hoảng bất bình đẳng này – họ phải hành động ngay lập tức để chấm dứt nó. Họ phải đảm bảo áp mức thuế hợp lý lên các doanh nghiệp và cá nhân giàu có và tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công. Các chính phủ cũng cần ban hành các đạo luật để giảm bớt khối lượng công việc chăm sóc khổng lồ đặt nặng lên vai phụ nữ và đảm bảo rằng những người đang đảm nhận những công việc quan trọng nhất trong xã hội - chăm lo cho cha mẹ, con cái chúng ta và những người yếu thế nhất- được hưởng một mức lương đủ sống. Các chính phủ cần phải coi trọng và ưu tiên công việc chăm sóc như tất cả các nhóm nghề khác để tạo dựng nền kinh tế vì con người (human economies) đem lại lợi ích cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho một thiểu số may mắn," ông Behar nói.

Tin liên quan
Những hành trình đậm hương xuân

Những hành trình đậm hương xuân

(LĐXH) - Dịp Tết Nguyên đán, các địa phương, doanh nghiệp lữ hành thiết kế nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, xây dựng các tour đặc sắc phục vụ...
Làng nghề rèn thời công nghệ

Làng nghề rèn thời công nghệ

(LĐXH) - Nghề rèn truyền thống ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đang khẳng định được vai trò mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giải quyết...