Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cách cha mẹ hỗ trợ trẻ vượt qua khó khăn về tâm lý trong mùa dịch

(Dân sinh) - Niềm vui của trẻ em trong độ tuổi đến trường là hàng ngày được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, được học tập và vui chơi thoải mái. Mùa dịch Covid-19 ập đến, các em buộc phải ở nhà học online, suốt ngày quanh quẩn trong bốn bức tường, làm cho không ít trẻ thích nghi kém gặp khó khăn về tâm lý, bí bách, buồn chán, suy nghĩ lo âu, trầm cảm…

Theo Thạc sĩ Đặng Thị Thanh Tùng, Kỹ thuật viên Tâm lý, Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục, Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, chuyên về trị liệu tâm lý cho trẻ em, có 3 nhóm đối tượng trẻ cần đặc biệt quan tâm trong mùa dịch. Đó là: Nhóm trẻ em gặp khó khăn về mặt tâm lý như: Nhóm lo âu, trầm cảm; nhóm can thiệp chuyên biệt; và trẻ bình thường nhưng hiếu động, hướng ngoại, hoặc ôn nhu, hướng nội cũng đều cần các bậc phụ huynh thấu hiểu và quan tâm kịp thời.

Cách cha mẹ hỗ trợ trẻ vượt qua khó khăn về tâm lý trong mùa dịch - Ảnh 1.

Cha mẹ tạo những trò chơi mang tính sáng tạo sẽ giúp trẻ cảm thấy vui vẻ trong thời gian giãn cách xã hội

Với nhóm trẻ em gặp khó khăn về mặt tâm lý hay lo âu thì mùa dịch với những thông tin diễn biến phức tạp về dịch bệnh (trong đó có cả tin giả), nếu trẻ không được định hướng chính xác từ phía phụ huynh, có thể gây ảnh hưởng lớn đến trẻ. Bởi trẻ có thể sẽ kích hoạt trạng thái lo lắng nguy hiểm, hoang mang và hàng loạt các suy nghĩ tiêu cực vốn có của trẻ trước đó về những lo âu liên quan đến sức khoẻ, sự sống. Trẻ có thể bộc lộ lo lắng qua các hành vi: Bối rối, mất bình tĩnh, mệt mỏi, cáu kỉnh, khó ngủ, mất ngủ, quăng ném đồ dùng, khó chịu với người thân...

Đối với các nhóm trầm cảm, hoặc có khó khăn về cảm xúc khác thì trẻ sẽ nằm lì trong nhà, nhưng nằm nhà quá lâu có thể kích hoạt các suy nghĩ tiêu cực của trẻ. Trẻ thu mình hơn trong thế giới của mình, càng ít chia sẻ, ít cơ hội giao lưu càng làm cho vấn đề của trẻ trở nên khó khăn hơn.

Với các trẻ chuyên biệt như: Chậm phát triển, tự kỷ, bại não... luôn cần được sự hỗ trợ thường xuyên, liên tục không chỉ của gia đình mà còn các nhà chuyên môn. Trong bối cảnh dịch, việc không được can thiệp liên tục ảnh hưởng lớn đến phát triển của trẻ. Trẻ cũng bị thay đổi không gian và phương pháp hỗ trợ sẽ khiến khả năng thích nghi hạn chế,

Trẻ bình thường, hoạt bát hướng ngoại, ưa chỗ đông người, thích chạy nhảy. Khi ở nhà lâu ngày, trẻ bị bó buộc trong không gian hẹp khiến trẻ cảm thấy bức bối, khó chịu khi không thực hiện được các mong muốn của mình. Tâm lý bức bối dẫn đến có nhiều hành vi: Cãi lời cha mẹ, trêu tức em, để gây sự chú ý, có hành vi bực tức, quăng ném khó chịu,...

Phụ huynh phải là người tìm hiểu, nắm bắt được tâm sinh lý của con

Theo thạc sĩ Đặng Thị Thanh Tùng, để giúp đỡ trẻ cùng vượt qua khó khăn giai đoạn mùa dịch thì phụ huynh phải là người tìm hiểu, nắm bắt được tâm sinh lý của con mình thuộc các dạng nào trong các trường hợp nêu trên. Từ đó phụ huynh sẽ có các cách hỗ trợ trẻ hợp lý.

Đối với nhóm lo âu: Cha mẹ cần có những nắm bắt và thấu hiểu những lo lắng cụ thể của trẻ. Cha mẹ dành thời gian ngồi cùng trẻ, chia sẻ với trẻ các lý do tại sao lại phải cách ly trong mùa dịch, chia sẻ các thông tin tích cực có thể có về dịch. Tìm hiểu các liệu pháp: yoga, thiền, các liệu pháp vận động tại chỗ, các bài tập vận động nâng cao sức khoẻ, chăm sóc cơ thể và giấc ngủ cùng trẻ thực hiện và trấn an để trẻ nhận thấy khi có các hoạt động nâng cao sức khoẻ, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch thì các nguy cơ, các lo âu về bệnh tật giảm nhẹ. Tìm hiểu các cách tương tác: Chát với bạn bè, nhóm bạn thông qua các chương trình vui khoẻ bổ ích, luyện tập bổ ích cùng nhau để trẻ có thêm các tương tác tích cực từ bạn bè khác ngoài gia đình. Cho trẻ tham gia các hoạt động giúp đỡ gia đình để trẻ giảm thời gian thừa suy nghĩ tiêu cực và lo âu. Hãy chia sẻ tích cực và động viên trẻ nhiều hơn.

Cách cha mẹ hỗ trợ trẻ vượt qua khó khăn về tâm lý trong mùa dịch - Ảnh 3.

Giáo dục cho trẻ thói quen tốt như đọc sách, đố chữ để tạo niềm vui trong mùa dịch

Đối với nhóm trầm cảm: Việc kích hoạt hành vi, lôi kéo trẻ tham gia các hoạt động nhóm, tương tác vận động là rất cần thiết. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách xã hội khiến việc này khó khăn hơn. Gia đình phải là chỗ dựa vững chắc, cha mẹ và người thân phải vận động và càng phải tích cực hơn nữa trong việc kéo trẻ ra khỏi phòng riêng. Khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động cùng các thành viên trong gia đình như làm một số việc phụ giúp bố mẹ: giặt và gấp quần áo, lau nhà, nấu cơm, nhặt rau... Hoặc các thành viên cũng lôi kéo, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động: Game vui cùng gia đình, xem tivi cùng gia đình, đi bộ hoặc chạy bộ cùng bố mẹ, anh chị em... Hoặc cùng trẻ tìm hiểu các cách để có thể làm một món ăn mới, yêu thích một bộ môn thể dục hay nghệ thuật nào đó và tham gia cùng trẻ.

Đối với nhóm trẻ chuyên biệt nói chung: Cần có sự đồng hành sát sao hơn. Cha mẹ cần học thêm các lớp học online để có thêm kỹ năng hỗ trợ trẻ. Việc kiên nhẫn, hiểu trẻ dù chưa hỗ trợ được nhiều cũng giúp cha mẹ giảm căng thẳng và hỗ trợ trẻ được thích nghi và luyện tập lại các kỹ năng sẵn có của trẻ cũng là một thành công. Giảm kỳ vọng về việc tiến bộ vượt bậc trong thời gian này, giảm lo lắng và tăng tương tác giúp trẻ học thêm được nhiều hơn các kỹ năng chăm sóc bản thân tại gia đình mà mùa dịch trẻ mới có được trải nghiệm này.

Với nhóm trẻ bình thường nói chung, để trẻ không chán, không cáu gắt, bức bối thì cha mẹ cần vận dụng nhiều hơn: Sự lắng nghe, thấu hiểu trẻ để tìm ra chìa khoá chơi cùng trẻ vượt qua mùa dịch. Cha mẹ có thể giúp trẻ tìm kiếm các khóa học online phù hợp, như lớp tiếng Anh, lớp dạy vẽ, dạy đàn... hoặc cùng trẻ xây dựng một loạt danh sách các hoạt động mà trẻ muốn làm như: Xem tivi, chơi game, thí nghiệm, chơi cùng em, khám phá làm đồ ăn, hay đồ dùng mới. Bên cạnh đó bố mẹ cũng cần tham khảo các trò chơi các hoạt động bổ ích khác nhau để có thể làm cùng con trong mùa dịch. Ví dụ cho trẻ tự thuyết trình cha mẹ ghi hình lại và cùng con xem lại học tập, cho trẻ tự chế tạo một món đồ từ đồ cũ. Và đừng quên khen ngợi, ghi nhận khi trẻ làm tốt.

Những điều phụ huynh cần tránh

Theo tư vấn của thạc sĩ Đặng Thị Thanh Tùng, cha mẹ cần tránh nổi giận và đánh, mắng trẻ khi trẻ không làm theo ý mình, bày bừa đồ đạc... Tránh áp đặt nguyện vọng của cha mẹ, tránh yêu cầu trẻ ngồi yên một chỗ, không hoạt động. Đặc biệt tránh sa vào bẫy tức giận khi trẻ cố tình chọc tức, là trẻ đang gây chú ý, đang có điều gì muốn truyền đạt đến phụ huynh, do đó cha mẹ cần thấu hiểu, lắng nghe và giải toả cùng trẻ.

Sau đây là gợi ý giúp cha mẹ hỗ trợ trẻ vượt qua thời gian khó khăn này:

Trấn an trẻ: Theo dõi sát thông tin, đồng thời cho trẻ biết rằng cha mẹ luôn ở bên và đảm bảo cho con được an toàn. May mắn là cho tới nay, các trẻ bị mắc bệnh Covid-19 thường ở mức độ nhẹ.

Trao quyền cho trẻ: Trẻ có cơ hội được học về giá trị của việc chăm sóc người khác và suy nghĩ về cộng đồng. Hướng dẫn trẻ viết thư cảm ơn đến các nhân viên y tế, ủng hộ các nỗ lực cứu trợ, gọi điện hỏi thăm người thân hoặc đặt mảnh giấy với dòng chữ "con nhớ ông bà" dưới cửa ra vào.

Quản lý cảm xúc của trẻ: Cho trẻ có cơ hội được hỏi, thảo luận về cảm xúc của mình về dịch bệnh và ảnh hưởng dịch bệnh đến chúng. Hướng dẫn trẻ tập thể dục ở nhà, tập kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, suy ngẫm và thiền.

Giáo dục cho trẻ thói quen tốt: Đây là cơ hội dạy trẻ những thói quen tốt như thường xuyên uống nước ấm, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, che miệng khi ho, thực hiện 5K, và hãy giữ cho bầu không khí trong nhà thật trong lành!

Lập thời gian biểu phù hợp: Việc tuân theo thời gian biểu cố định giúp trẻ cảm thấy yên tâm, dễ chịu và tự giác hơn khi ở nhà. Phụ huynh nên giúp trẻ chủ động sắp xếp và quản lý thời gian biểu hợp lý, kết hợp một cách khoa học việc học trực tuyến với những hoạt động vui chơi giải trí bổ ích khác trong sinh hoạt hàng ngày. Đây chính là cơ hội để cả gia đình dành thời gian cho nhau. Làm cho trẻ "bận rộn", chơi trò chơi, đọc sách, xem phim hoặc cùng nhau nấu ăn, tổ chức bữa tiệc nho nhỏ để mọi người luôn ở trạng thái tích cực.