
Bác sĩ Phạm Xuân Trung. Ảnh: NV
? Gần đây, báo chí cảnh báo nhiều về các bệnh văn phòng, nghe có vẻ vô lí, vì tôi làm công chức Nhà nước suốt chục năm có thấy bị bệnh gì đâu, chỉ có điều thị lực giảm đôi chút, lưng còng đi chút ít. Xin bác sĩ cho tôi biết bệnh văn phòng là gì, mức độ nguy hiểm ra sao? (Nguyễn Nam, 45 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Trả lời:
Ngày nay, làm việc ở cao ốc văn phòng đã trở nên phổ biến và đi kèm theo đó là “Hội chứng bệnh văn phòng” (Sick Building Syndrome - SBS). Dù SBS không nghiêm trọng như nhiều chứng bệnh khác, nhưng đó cũng là vấn đề không thể xem thường.
Hội chứng SBS thực chất là tổng hợp của nhiều loại bệnh khác nhau có nguyên nhân từ những điều kiện làm việc ở văn phòng như: sử dụng máy giữ độ ẩm không khí, thiết bị làm mát; tiếp xúc với bụi; sử dụng màn hình máy tính và sự hiện diện của các hóa chất gây ô nhiễm trong máy móc sử dụng, trong các loại thuốc xịt côn trùng hoặc thuốc tẩy rửa...
Thường gặp nhất là những bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp: phổi, lao phổi, cảm cúm. Trong phòng có từ 10 - 20 người làm việc, chỉ cần một người bị cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, sau đó vài ngày, nhiều nhân viên văn phòng đều có tình trạng tương tự như vậy.
Các bệnh lí về cột sống: Ngồi trước máy tính, mắt dán vào màn hình, tay lúc nào cũng phải rê chuột ở tư thế cứng để điều chỉnh con chuột đi theo ý muốn, tư thế ngồi lúc đó đôi khi đã không còn được để ý, cột sống nghiêng qua nghiêng lại, ngồi không đúng tư thế, từ đó có thể gây ra những bệnh lí về cột sống.
Bên cạnh đó, làm việc ở văn phòng có máy lạnh, không khí rất thoải mái nên thường ngồi im một chỗ, không chịu đi lại, ít vận động, đến giờ nghỉ ngơi, ngồi một chỗ chơi game, nghe nhạc… Từ đó xuất hiện cảm giác mỏi mắt, khô mắt, mỏi cổ, tay chân ê ẩm, nhiều trường hợp có cảm giác tê ở phần tay chân, béo phì phần bụng, đùi, rối loạn mỡ trong máu, huyết áp hơi cao, đái tháo đường.
Ngồi phòng lạnh nhiều cũng gây nên bệnh khô họng, khô da và thỉnh thoảng chảy nước mắt, nước mũi, hoặc làm nghiêm trọng hơn bệnh suyễn vốn có.
? Gần đây, tôi hay bị táo bón, nhưng nguyên nhân không phải do ăn uống vì tôi vẫn uống nước và ăn rau xanh đều đặn. Vậy nguyên nhân có phải là do tôi ngồi làm việc lâu với máy tính, ít đi lại không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Ngọc Anh, Tuần Giáo, Điện Biên)
Trả lời:
Táo bón do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do ruột, do chế độ ăn uống không hợp lí, nhiều đạm, nhiều chất cay nóng, ít chất xơ… Ngồi làm việc lâu bên máy tính, ít đi lại cũng có thể là nguyên nhân gây ra táo bón, nhưng để biết nguyên nhân chính xác, bạn cần đi khám để có hướng điều trị thích hợp.

Ngồi quá lâu một tư thế trước máy tính sẽ gặp các bệnh về xương khớp như thoái hóa đốt sống lưng, cổ. Ảnh minh họa.
? Ngồi làm việc lâu, tôi hay bị đau vai gáy. Vì sao lại có hiện tượng này, có cách nào để phòng tránh đau vai gáy không, thưa bác sĩ? (Trần Tuấn Hùng, Diễn Châu, Nghệ An)
Trả lời:
Đau vai gáy do cúi quá lâu ở một trạng thái tĩnh tại, sai tư thế. Đây là căn bệnh mà dân văn phòng mắc với tỷ lệ cao nhất, quá trình điều trị đòi hỏi phải kiên trì, tốn nhiều thời gian. Cách tốt nhất là anh nên phòng bệnh hơn chữa bệnh: Luôn giữ ấm cổ, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa thích hợp; Bàn để máy vi tính không được cao quá 70cm; Nên xoay người (đặc biệt là cổ) ở nhiều tư thế (sang trái, phải, trước, sau…) sau mỗi tiếng ngồi làm việc.
? Tôi ngồi máy tính cứ 30 phút là mắt nhức mỏi, vậy tôi nhỏ nước muối sinh lý natri clorid có tốt không? (Lê Thị Thúy, Ninh Hiệp, Bắc Ninh)
Trả lời:
Ngồi trước máy vi tính hàng giờ hoặc miệt mài soạn thảo văn bản, giấy tờ… khiến mắt mỏi, khô là lẽ thường. Thậm chí, có người còn đau đầu, chóng mặt, buồn nôn nếu công việc quá căng thẳng.
Có thể khắc phục chứng mỏi mắt của chị bằng cách: Không làm việc quá lâu với màn hình máy tính, sau 30-60 phút làm việc nên hướng mắt nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc nhìn xuống phía dưới để mắt được thư giãn, đỡ mỏi và khô; Để máy tính cách xa tầm mắt ít nhất 70cm; Ánh sáng trong phòng làm việc phải tương đồng với ánh sáng màn hình máy tính.
Sử dụng nước muối sinh lý nhỏ lên mắt chỉ có tác dụng làm sạch, không chữa được chứng nhức mỏi mắt mà phải tra thêm thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
? Tôi biết ngồi làm việc lâu bên máy tính không tốt cho sức khỏe, nhưng vì tính chất công việc đòi hỏi độ chính xác cao nên tôi phải tập trung cao độ. Sau khi tạm xong việc, tôi tưởng như không thể đứng lên được, mắt mờ, hoa mắt, nhức mỏi cổ và toàn thân. Xin bác sĩ cho tôi vài lời khuyên? (Vũ Văn Thuần, Chí Linh, Hải Dương)
Trả lời:
Biết là làm việc lâu sẽ không tốt cho sức khỏe, vậy cách tốt nhất để đẩy lùi bệnh tật là anh phải thay đổi thói quen xấu.
? Ngồi làm việc lâu tôi hay bị tê chân tay, phải làm sao để tình trạng này thuyên giảm? (Phùng Thị Thanh, Sơn Tây, Hà Nội)
Trả lời:
Tư thế ngồi làm việc ngay ngắn, khi điều khiển chuột máy tính, cố gắng không gồng bắp cơ, thoải mái thư giãn, tay và vai không được “treo” lên không trung nhằm giảm áp lực lên các ngón tay; Không nên dùng lực lớn để đánh máy hoặc điều khiển chuột mát; Thường xuyên massage tay và vai bằng chính hai tay của mình mỗi khi được rảnh rỗi.
Minh Anh (thực hiện)/TC GĐ&TE