Luật quy định mống mắt là một trong những thông tin của công dân được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu căn cước và việc thu thập được thực hiện với thiết bị chuyên dụng.
Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt nhằm làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân và hỗ trợ khi không thu nhận được vân tay của công dân làm thẻ căn cước.
Ngày 8/5, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an tổ chức triển lãm xác thực sinh trắc học và cung cấp một số thông tin về quá trình thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học để làm thẻ căn cước.
Theo Cục C06, Luật Căn cước được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Một nội dung đáng chú ý của Luật Căn cước đó là việc thu thập thông tin sinh trắc học như ADN, mống mắt, giọng nói.
Thông tin sinh trắc học mống mắt được quy định tại điểm b khoản 1, Điều 23 Luật Căn cước nêu rõ: "Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước".
Như vậy, quy trình thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.
Cũng theo Cục C06, thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt nhằm làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân và hỗ trợ khi không thu nhận được vân tay của một người (trong trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...)
Người dân đã bày tỏ sự đồng thuận và ủng hộ đối với quy định mới này.
Về dữ liệu mống mắt, cơ quan này khẳng định, loại dữ liệu này của mỗi con người có tính chính xác rất cao, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay, nhất là khi người dân thực hiện các giao dịch điện tử.
"Dữ liệu về mống mắt sử dụng cho các thiết bị thông minh được trang bị camera, tránh những trường hợp giả mạo khuôn mặt để thực hiện xác thực cho các giao dịch điện tử", Cục C06 nhấn mạnh.
Như vậy cùng với những thông tin quan trọng như thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay - thì mống mắt là thông tin bắt buộc mà người dân cần phải cung cấp khi đi làm thẻ căn cước mới.
Người từ đủ 6 tuổi trở lên mới phải thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước. Mặt khác, theo khoản 3 Điều 14 Luật Căn cước 2023, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi không bắt buộc phải làm thẻ căn cước nếu không có nhu cầu.
Bộ Công an cũng cho biết, việc cập nhập mống mắt của công dân vào Cơ sở dữ liệu Căn cước sẽ được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất về an toàn thông tin.
Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề không bị lộ, lọt dữ liệu.
Về việc thu thập mống mắt để bổ sung cho thẻ căn cước công dân, Điều 46 Luật Căn cước 2023 nêu rõ, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước 1/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Thẻ căn cước công dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết 30/6/2024.
Như vậy, thẻ căn cước công dân vẫn được sử dụng bình thường nếu thời hạn trên thẻ vẫn còn mà không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung cho thẻ này. Chỉ khi người dân có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước thì mới bắt buộc phải thu thập mống mắt.
Mống mắt - là bộ phận bao gồm các đường vân rất phức tạp tạo thành một cấu trúc riêng biệt. Vì vậy, mống mắt của mỗi người là duy nhất.
Theo các nghiên cứu khoa học, mống mắt mỗi người được hình thành từ khoảng 10 tháng tuổi, bộ phận này sẽ không có sự thay đổi nhiều theo thời gian, trừ trường hợp như gặp chấn thương ở mắt.
Chính nhờ những yếu tố này, mống mắt có thể xác định danh tính của một cá nhân cụ thể. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã sử dụng mống mắt để đưa vào cơ sở căn cước quản lý công dân.
Luật Căn cước 2023 đã quy định mống mắt là thông tin sinh trắc học bắt buộc phải thu thập. Thông tin này sẽ được Bộ Công an cập nhập lưu trữ vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Nhận dạng mống mắt được sử dụng như một trong những phương pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học cần thiết để cấp số định danh cá nhân là duy nhất. Thậm chí có thể xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước. |