Singapore vốn được biết đến là bậc thầy về phát huy nguồn nhân lực, nhân tài - yếu tố quyết định đưa đảo quốc từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất chỉ trong một thế hệ. Ngày nay, truyền thống quý báu đó tiếp tục được Singapore phát huy triệt để trong công cuộc chuyển đổi số để đất nước thịnh vượng trong thời đại 4.0.
Để nhanh chóng bịt lỗ hổng kỹ năng, Singapore xúc tiến một loạt sáng kiến và chương trình cụ thể với sự tính toán kỹ lưỡng.
Xây dựng Khung kỹ năng
Khung kỹ năng là một cấu phần chính của Bản đồ chuyển đổi công nghiệp để cung cấp thông tin về lộ trình nghề nghiệp, các kỹ năng mới cần thiết và danh sách các chương trình đào tạo nâng cấp kỹ năng. Chẳng hạn, Khung kỹ năng ngành năng lượng cung cấp các thông tin về việc làm và kỹ năng cũng như tương lai của ngành này, như cơ hội việc làm, lộ trình nghề nghiệp, triển vọng việc làm, các kỹ năng mới và hiện thời...
Vì vậy, người lao động sử dụng Khung kỹ năng để xác định các kỹ năng cần phát triển mới hoặc trau dồi ở những ngành công nghiệp hiện tại hay ở các ngành công nghiệp mới mà họ muốn tham gia. Các DN sử dụng Khung để xác định các việc làm mới, trang bị các kỹ năng phù hợp cho người lao động khi chuyển đổi số. Các tổ chức giáo dục và đào tạo sử dụng để thiết kế và cung cấp các chương trình và khóa đào tạo phù hợp…
Đến nay, Singapore đã xây dựng được hơn 30 Khung kỹ năng ở các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, điện tử, dịch vụ tài chính, năng lượng và hóa chất…
Phát động Cuộc vận động kỹ năng tương lai, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng
Singapore phát động một loạt chương trình quy mô để bịt lỗ hổng kỹ năng và nâng cao năng lực số cho số đông dân chúng.
Điển hình là Cuộc vận động kỹ năng tương lai cho người dân (SkillsFuture movement), được triển khai từ năm 2014 nhằm, về kinh tế, tạo nền tảng cho một nền kinh tế tiên tiến với kỹ năng cao, năng suất và đổi mới sáng tạo. Về xã hội, xây dựng và trang bị cho toàn dân, cả già và trẻ, thuộc mọi thành phần, tâm thế, thái độ và kỹ năng làm việc trong môi trường số, tạo cơ hội cho các cá nhân bất kể xuất phát điểm phát huy hết tiềm năng, sở trường của mình…
Singapore đặc biệt chú trọng phát triển nhân lực ngành công nghệ thông tin - truyền thông với việc tập trung vào 3 mặt trận chính. Một là, đào tạo liên tục và chú trọng đào tạo các kỹ năng mới cho nhân lực ngành này, tăng cường đào tạo lãnh đạo chuyển đổi số cho các DN vừa và nhỏ.
Thứ hai, nâng cao và trau dồi kỹ năng cho nhân lực hiện có để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Thứ ba, gia tăng hỗ trợ những người mất việc và những người có nguy cơ cao mất việc.
Đối với những người mất việc do tái cơ cấu, gia tăng các khóa học và chương trình giúp họ phát triển kỹ năng mới để tăng cơ hội có việc làm mới. Cụ thể, Singapore đã triển khai Chương trình xúc tiến kỹ năng công nghệ (TeSA) nhắm vào 3 vấn đề chính.
Một là, phát triển và nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo chuyển đổi số. Hai là, nâng cao kỹ năng cho nhân lực ngành công nghệ thông tin - truyền thông. Ba là, hỗ trợ nhân lực ngoài ngành chuyển sang ngành công nghệ thông tin - truyền thông…
Kết quả: Năm 2018, nhân lực viễn thông chiếm tới 8% trong tổng nhân lực, cao hơn 8 lần Nhật Bản (1%), gấp 2 lần Hàn Quốc trong Bảng xếp hạng năm 2018 của Economist Intelligence Unit. Đây là lý do chính khiến Singapore nhảy từ vị trí thứ 3 năm 2016 lên số 1 năm 2018.
Nhằm tạo cho người lao động có niềm tin vào công nghệ số và có thái độ tích cực, tâm thế sẵn sàng và các kỹ năng nền tảng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ, tận dụng lợi thế của các cơ hội mới trong nền kinh tế tương lai, Singapore triển khai Chương trình kỹ năng tương lai cho nhân lực số.
Chương trình này trang bị cho người lao động từ kỹ năng sử dụng thanh toán điện tử, các nền tảng thương mại điện tử đến phân tích dữ liệu và tự động hóa, học phí của các khóa học này được thanh toán bằng thẻ tín dụng SkillsFuture 500 SGD được cấp cho tất cả người dân từ 25 tuổi trở lên.
Hỗ trợ tài chính và tư vấn
Nhằm khích lệ các cá nhân học tập suốt đời để có kỹ năng phù hợp với yêu cầu của công việc, Chính phủ Singapore cấp cho người dân tuổi từ 25 trở lên tính đến ngày 31/12/2020, một thẻ tín dụng kỹ năng tương lai giá trị 500 SGD, khoảng 20.000 khóa học của cổng MySkillsFuture thuộc phạm vi lựa chọn. Thẻ có hiệu lực từ ngày 1/10/2020 và hết hạn vào ngày 31/12/2025.
Tương tự, Chính phủ cũng hỗ trợ tài chính cho DN để thực hiện việc đào tạo liên tục nhằm trang bị cho người lao động có kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc. DN có thể được hỗ trợ tới 70% chi phí đào tạo. Người lao động biết cách khai thác hiệu quả các khóa học để có kỹ năng cần thiết, không bị tụt lại phía sau, biết sử dụng hiệu quả các chương trình hỗ trợ tài chính…
Như vậy, với những quyết sách, cách thức và bước đi rất bài bản, Singapore đã có được một hệ sinh thái kỹ năng mạnh và bền vững tạo nền tảng cho việc chuyển đổi sang một nền kinh tế tiên tiến.