Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cấm xe máy - Hãy chỉ rõ mục đích!


Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang nhầm lẫn mục đích cấm xe máy
 
Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rất quyết tâm trong việc cấm xe máy. Theo lộ trình, cả hai thành phố sẽ cấm xe máy vào nội đô vào năm 2030. Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội, ông Vũ Văn Viện sốt ruột, muốn cấm xe máy càng sớm càng tốt. Tuyến đường Nguyễn Trãi, hoặc Lê Văn Lương sẽ được chọn làm thí điểm cấm xe máy nay mai.
 
Tuy nhiên, tôi đồ rằng, những người hăng hái cấm xe máy đang không xác định rõ mục đích của việc này. Trên thế giới, nhiều nước cấm xe máy trong những thành phố lớn với mục đích: an toàn hơn, văn minh hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn. Còn ở Việt Nam, cấm xe máy với mục đích giảm bớt ùn tắc giao thông. Mục đích rất tốt đẹp nhưng cấm xe máy không đạt được mục đích này.
 
Vì sao ư? Vì đi lại là nhu cầu hàng ngày của người dân. Họ phải đi đến nơi làm việc, học tập, chữa bệnh… bằng một loại phương tiện giao thông nào đấy chứ! Hiện tại, xe máy là phương tiện phổ biến và tiện lợi nhất. Cấm xe máy thì họ phải đi bằng giao thông công cộng hoặc ô tô. Giao thông công cộng hiện thời còn thiếu và không thuận lợi. Ô tô giá cao, chưa hợp túi tiền. Mà đi ô tô gây tắc đường hơn xe máy. 
 
 1 chiếc xe 4 bánh chở được ít nhất là 1 người, nhiều nhất là 5 người. Nó chiếm đường trung bình bằng 6 xe máy; trong khi đó 6 xe máy chở được ít nhất là 6 người, nhiều nhất là 12 người.
 
                                        
Trong giao thông, cần cân nhắc kỹ các biện pháp. Ảnh: Intrernet

 Trong giao thông, cần cân nhắc kỹ các biện pháp

 
Có vẻ như Hà Nội đang nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương. Thí điểm nghĩa là nếu đạt kết quả tốt, sẽ nhân rộng ra. Nhưng nhìn nhận một cách tỉnh táo, việc thí điểm này khó mà thành công. Hàng chục ngàn người không được sử dụng xe máy đi lại trên đường Lê Văn Lương, vậy họ di chuyển như thế nào? Một số sẽ sử dụng giao thông công cộng, số ít khách sẽ tìm cách mua ô tô, còn phần lớn vẫn sử dụng xe máy và họ đi đường khác. Như vậy, đường Lê Văn Lương có thể thông thoáng nhưng các con đường khác sẽ đông đúc hơn, đồng nghĩa với việc ùn tắc thường xuyên hơn.
 
Làm thí điểm có thể thành công, có thể thất bại. Nếu thất bại, cái giá phải trả cũng không nhỏ. Trong trường hợp thí điểm cấm xe máy ở đường Lê Văn Lương, thất bại có thể nhìn thấy trước. Vậy có nên làm thí điểm hay không?
 
Sẽ đến lúc xe máy không được nhiều người sử dụng nữa (như xe đạp hiện nay) nhưng đấy không phải vì cấm, mà vì người ta tìm được loại phương tiện phù hợp hơn, an toàn hơn, văn minh hơn. Nên ưu tiên các biện pháp theo xu thế này.
 

Nghè Nghệ/GĐTE

Tin liên quan