Đó là sự chuẩn bị có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi trong những ngày gần đây, mặc dù sau đỉnh điểm với 125 ca nhiễm trong ngày 10/5, số ca nhiễm có chiều hướng giảm trong 2 ngày tiếp theo. Nhưng diễn biến dịch ở nhiều địa phương vẫn rất phức tạp, chưa thể dự báo trước thời điểm đợt bùng phát kết thúc.
Là địa phương luôn phải đối diện nhiều nguy cơ nhưng đến giờ, TP. Hồ Chí Minh đang làm khá tốt các giải pháp phòng, chống dịch. Đó là nhờ thành phố đã có sự chủ động trong việc truy vết, khoanh vùng sớm một bước. Ngay trong ngày lễ 30/4, TP. Hồ Chí Minh đã mở rộng lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên tại những nơi có nguy cơ cao như: Bệnh viện, khu du lịch, chợ, sân bay, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ vận chuyển, khu chế xuất... Một số địa phương khác cũng áp dụng các "chiến thuật" như: "Đánh chặn", "xét nghiệm song song"... cho thấy công tác phòng chống dịch đang dần chuyển sang thế "chủ động tấn công".
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, muốn chuyển tâm thế chống dịch sang "chủ động tấn công" phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh. Như vậy, xét nghiệm cần được coi là trọng tâm chống dịch. Theo các chuyên gia, biến chủng mới của vi rút lần này ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn nên việc xét nghiệm phải thần tốc hơn nữa.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để phòng, chống dịch thành công là chất lượng nguồn nhân lực. Những lần dịch bùng phát trước đây đều đã được "xử lý" một cách "gọn gàng" chính là nhờ lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch không chỉ có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm mà còn làm việc một cách đầy tâm huyết, trách nhiệm, không quản ngại hy sinh, gian khổ. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là ở một số nơi - ngay cả tại Thủ đô Hà Nội, hiện mức chi cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch còn thấp. Đáng chú ý, công tác hậu cần đáp ứng chống dịch gặp nhiều khó khăn về thủ tục, quy trình mua sắm. Sở Y tế Hà Nội đã từng kiến nghị thành phố "xem xét cơ chế đặc thù" trong điều kiện phục vụ công tác phòng, chống dịch... ngay từ những ngày đầu nhưng đến giờ vẫn chưa được tháo gỡ.
Khá nhiều hình ảnh về điều kiện sinh hoạt của những "chiến sĩ chống dịch" đã gây xúc động mạnh trong dư luận: Những nhân viên y tế đứng ăn vội tô cơm bên hành lang bệnh viện; phải nằm ngủ trên nền đất; nhiều người trong suốt thời gian dài không được về với gia đình vì cường độ công việc quá nặng, căng thẳng... Họ đã chấp nhận lao vào vùng nguy hiểm, sẵn sàng cống hiến hết mình thì cũng xứng đáng được nhận lại sự đãi ngộ tốt hơn - như những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng hay có những chỗ nghỉ ngơi êm ấm hơn, mức thù lao "khấm khá" hơn... Có vậy, họ mới yên tâm làm tốt trọng trách của mình."Không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn. Không một người Việt Nam nào an toàn khi cả nước chưa an toàn. Mỗi người phải có trách nhiệm trước hết với mình và người thân của mình, sau đó là với đất nước, với cộng đồng", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắn nhủ. Công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 còn lâu dài và gian khổ nên rất cần sự quan tâm đúng mức đến những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.