Theo nhận định của ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), những bất cập trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy hiện nay rất phổ biến từ khâu tiếp nhận, điều trị, cơ sở vật chất, đến kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ chuyên môn...
Cụ thể, tại các cơ sở cai nghiện, giai đoạn tiếp nhận chưa thực hiện đánh giá mức độ rối loạn sức khỏe, hành vi do sử dụng ma túy, chưa lập kế hoạch điều trị cá nhân, toàn diện về sức khỏe, tâm lý, học nghề và tái hòa nhập.
Hoạt động y tế mới chỉ tập trung chủ yếu vào cắt cơn, giải độc và phối hợp xét nghiệm HIV nếu có điều kiện; nhiều cơ sở cai nghiện chưa quan tâm khám sàng lọc bệnh lao, đặc biệt là khám ngay khi tiếp nhận vào; thiếu điều kiện xét nghiệm CD4 cho người nhiễm HIV để có thể được điều trị ARV; việc chuyển gửi học viên đi khám chữa bệnh ở tuyến trên còn hạn chế do thiếu cán bộ và chi phí.Hoạt động hướng dẫn, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm về các kỹ năng dự phòng tái nghiện còn sơ lược.
Biện pháp giáo dục chủ yếu là trang bị các kiến thức chung, chưa tập trung vào chương trình đặc thù về trị liệu hành vi cho người cai nghiện ma túy. Việc tái hòa nhập cộng đồng mới chỉ tập trung làm các thủ tục trở về địa phương, thiếu hướng dẫn lập kế hoạch và chuẩn bị hành trang, tâm lý, kiến thức dự phòng tái nghiện khi trở về cộng đồng; việc kết nối với cộng đồng để tiếp quản lý, giúp đỡ,ổn định thu nhập và cuộc sống, nâng cao sức khỏe nhiều nơi chưa làm được hoặc mang tính hình thức.
Nhiều cơ sở cai nghiện đã xây dựng từ lâu hiện đã xuống cấp, bố trí các khu vực bất hợp lý, không được tu bổ, các trang thiết bị thiếu thốn, chỗ ở chật chội không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.Với người cai nghiện tại cộng đồng còn rất nhiều hạn chế về chăm sóc sức khỏe do cơ chế, chính sách.
Cơ sở vật chất xuống cấp là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghiện
Theo ông Lê Đức Hiền, để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe có nhiều việc phải làm. Trước hết các vấn đề cốt lõi cần khắc phục sớm là cán bộ. Hai loại cán bộ trực tiếp liên quan đến chăm sóc sức khỏe học viên là cán bộ y tế và cán bộ điều trị tâm lý, giáo dục, hiện nay, tỷ lệ chỉ chiếm trên dưới 20% so với tổng cán bộ ở cơ sở cai nghiện là quá thấp so với yêu cầu.
Có thể nói, hai loại cán bộ này, không "làm xuể" các công việc chuyên môn theo quy định. Nhiều cơ sở cai nghiện có chỉ tiêu nhưng hàng chục năm không tuyển được bác sỹ do thu nhập thấp so với làm việc ở các cơ quan khác, đã vậy lại vất vả hơn trong môi trường làm việc phức tạp, nhiều rủi ro, xa gia đình, không có điều kiện chăm sóc con cái... Số bác sỹ chuyên khoa tâm thần trong hệ thống cơ sở cai nghiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cán bộ tâm lý, giáo dục đã thiếu nhưng năng lực lại chưa đáng ứng yêu cầu.Cũng phải nói rằng, có một lý do là sự hạn chế trong nhận thức, quan tâm, tạo điều kiện, động viên, khuyến khích của cán bộ lãnh đạo quản lý về chăm sóc sức khỏe cũng như việc đặt ra yêu cầu cao, bắt buộc cho cán bộ để họ nhiệt huyết với công việc, liên tục nghiên cứu, đúc kết thực tiễn, vượt qua gian khổ, bám sát học viên, khắc phục lối làm việc hành chính, mệnh lệnh, qua loa...
Trước mắt và lâu dài, cần có chính sách ưu đãi cho cán bộ y tế và tâm lý giáo dục và đổi mới cơ chế tuyển dụng, cơ cấu lại, tăng tỷ lệ cán bộ y tế và tư vấn trong cơ sở cai nghiện (không dưới 30%); thực hiện chế độ bắt buộc nâng cao trình độ chuyên môn, khuyến khích những cán bộ tâm huyết, có năng lực và kinh nghiệm.
Đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng từ Trung ương đến các cơ sở cai nghiện, trong đó, nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương là đổi mới chính sách, chế độ cho cán bộ và học viên, phác đồ điều trị, huấn luyện, chỉ đạo, giám sát, cung cấp tài liệu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của quốc tế, giữa các địa phương...
Thứ hai là cơ sở vật chất. Không thể triển khai tốt công tác chăm sóc sức khỏe trên nền tảng cơ sở vật chất xuống cấp, chật chội, không đảm bảo những nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt, các trang thiết bị về khám chữa bệnh, tư vấn, thể dục thể thao, giải trí, dạy nghề... người nghiện ma túy không thể mãi kìm nén bức xúc, yên tâm hay "yêu quý" nơi giúp mình bình phục trong một môi trường hoạt động chăm sóc sức khỏe nghèo nàn, thái độ khô cứng của cán bộ và cơ sở xập xệ, xuống cấp.
Mặt khác, theo ông Lê Đức Hiền, không nên so sánh chế độ cho người cai nghiện tại cơ sở cai nghiện cao hơn chế độ cho một số đối tượng bảo trợ xã hội khác để từ đó lưỡng lự trong việc đầu tư CSVC hoàn thiện cơ sở cai nghiện. Bởi vì mục tiêu của cai nghiện là giúp người nghiện phục hồi, hòa nhập cộng đồng. Mà để phục hồi thì cốt lõi là chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tâm thần, nâng cao thể chất, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh lây qua đường tình dục...
Đó là nhiệm vụ hết sức phức tạp và khó khăn như đã nêu. Do đó cơ sở vật chất phải tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tất nhiên, hoàn thiện cơ sở vật chất phải gắn với quản lý, quy hoạch phù hợp với quy trình cai nghiện, sử dụng hết công năng, không để lãng phí.