Tìm hiểu kỹ thông tin điểm đến
Tùy vào độ tuổi của trẻ, cha mẹ nên cân nhắc điểm đến du lịch và phương tiện phù hợp. Ví dụ: Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không nên di chuyển quá nhiều trong một thời gian ngắn hoặc chọn điểm đến có yếu tố khám phá, mạo hiểm. Trẻ lớn hơn 2 tuổi, cha mẹ cần tìm hiểu thông tin về nơi đến càng nhiều càng tốt để trao đổi và hướng dẫn trẻ kỹ năng xử lý khi có phát sinh những tình huống bất ngờ.
Chuẩn bị hành lý
Cha mẹ hãy dạy con cần liệt kê tất cả những thứ cần thiết cho gia đình và bản thân khi du lịch để tránh thiếu những thứ quan trọng. Nếu con dưới 2 tuổi, cha mẹ nên dành riêng một túi nhỏ ngoài hành lý ký gửi bao gồm những thứ cần thiết để bé dùng mọi lúc như bánh ăn dặm, sữa, nước uống, khăn giấy, quần áo, xe đẩy, mũ, bỉm... Nếu trẻ lớn hơn 2 tuổi, có thể chuẩn bị một ba lô riêng để con tự quản lý, trong đó có những vật dụng tối thiểu cho hành trình như nước uống, đồ ăn nhẹ. Điều này sẽ giúp con biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân.
Chuẩn bị đầy đủ thông tin về con
Trước khi lên đường, hãy chụp lại ảnh toàn thân của con, trong trường hợp con đi lạc, cha mẹ có thể gửi bức ảnh đó cho những người trợ giúp (cách này hiệu quả hơn so với việc mô tả bằng lời hình dáng, mặt mũi ra sao...). Làm sẵn thẻ thông tin đeo vào cổ, gắn vào ba lô hoặc cài vào áo của con: tên, tuổi, chiều cao, cân nặng, nhóm máu, tiền sử bệnh, thuốc đang dùng và thuốc bị dị ứng (nếu có) và số điện thoại liên lạc. Nếu có tình huống bất ngờ phát sinh, những thông tin này sẽ thúc đẩy quá trình giúp đỡ trẻ nhanh chóng hơn, nhất là khi trẻ lạc đường hoặc cần trợ giúp y tế.
Dạy con về lòng can đảm
Trong các chuyến đi du lịch, con sẽ gặp rất nhiều người lạ, được khám phá rất nhiều điều mới, được tham gia trải nghiệm những cảm giác mà ở ngôi nhà quen thuộc con không có được. Vì vậy, cha mẹ nên hướng dẫn và tư vấn con cách vượt qua những điều đó mà không cảm thấy lo sợ.
Phòng tránh trẻ đi lạc
Khi cho con đi du lịch, do trẻ thường hiếu động, thích khám phá nên chỉ cần cha mẹ lơ là một chút là trẻ đã rời khỏi tầm mắt. Do đó, hãy nhớ quan sát và giữ trẻ trong tầm kiểm soát hoặc trang bị thêm vòng tay dắt trẻ, đồng hồ định vị GPS... Trẻ cũng cần được hướng dẫn sử dụng cũng như được biết tầm quan trọng của thiết bị này để tránh hoảng loạn trong trường hợp không may đi lạc. Cha mẹ cũng cần dặn dò con phải tự bảo vệ bản thân, không đi theo người lạ; dạy trẻ học thuộc số điện thoại của cha mẹ và địa chỉ khách sạn. Ngoài ra, cha mẹ nên ghi mảnh giấy có đầy đủ thông tin bao gồm tên tuổi của trẻ, địa chỉ khách sạn, tên và số điện thoại của cha mẹ để vào túi của trẻ.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Khi đi du lịch, vấn đề an toàn thực phẩm cần được cha mẹ lưu tâm. Cùng một bữa ăn với nguồn thực phẩm như nhau, nhưng người lớn có thể không sao, trẻ nhỏ lại bị tiêu chảy do sức đề kháng kém. Do đó, cần lựa chọn những địa điểm bán hàng ăn tin cậy cũng như lưu ý khi cho con thưởng thức món đặc sản nơi mình đến. Món đặc sản dù rất phổ biến ở địa phương nhưng có thể gây kích ứng cho những người ăn lần đầu, nhất là trẻ em. Trong trường hợp con có dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn (đau bụng, nôn, tiêu chảy…) cần nhanh chóng đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Nhận diện nguy cơ tai nạn thương tích Khi đi du lịch, dù là núi hay biển, ngoài việc cùng con chia sẻ những hình ảnh con người, phong cảnh thú vị, cha mẹ nên hướng dẫn con nhận diện một số nguy cơ có thể xảy ra tai nạn thương tích ở điểm đến như các vật sắc nhọn, các hố sụt trên cát, dòng chảy xa bờ, xoáy nước; nguy cơ bị các loại côn trùng, sâu bọ, động vật tấn công...
Phòng tránh đuối nước
Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước liên tục xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Do đó, khi du lịch đến những khu vực ao, hồ, sông, biển, cha mẹ cần hết sức lưu ý bởi nguy cơ đuối nước ở trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu thiếu sự quan tâm, giám sát. Để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc, cha mẹ cần cho con mặc áo phao và khởi động 5 phút trước khi xuống nước. Đảm bảo trẻ chỉ được bơi lội trong vùng cha mẹ cho phép, hoặc khu vực có người trông giữ, cứu hộ.
Phòng cháy nắng, say nắng
Mùa hè với ánh nắng chói chang thường có tia cực tím, gây bệnh ung thư da cho cả người lớn và trẻ em. Để an toàn, trẻ cần được thoa kem chống nắng, đồng thời luôn đội mũ rộng vành và đeo kính râm lúc ở trên bờ biển. Không nên cho trẻ tắm nắng vào giữa trưa, không tắm quá lâu để tránh bị cháy nắng và say nắng.
Nguy cơ mắc Covid-19
Trẻ em là đối tượng sức đề kháng kém nên cũng có nguy cơ lây nhiễm các bệnh do virus khi tập trung đông người như cảm cúm, sốt… Đặc biệt, thời gian gần đây, khi số ca mắc Covid-19 đang tăng trở lại, cha mẹ cần cảnh giác và không lơ là việc thực hiện biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ lây nhiễm.