
4 trẻ em bị tai nạn do học cách chế tạo pháo nổ trên mạng đang được điều trị tại Bệnh viện C Thái Nguyên. Ảnh baothainguyen.vn
Ngày 2/1, Bệnh viên C Thái Nguyên tiếp nhận bệnh nhân Đan Hoàng V. (sinh năm 2008, trú tại tổ 1, phường Phố Cò, T.P Sông Công) nhập viện trong tình trạng bàn tay bị bỏng nặng với nhiều vết thương phức tạp. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị bỏng nhiệt mức độ 3, phải phẫu thuật để xử lý vết thương. Theo lời kể của cháu V, trước đó, cháu xem mạng xã hội Tiktok thấy có video hướng dẫn chế tạo pháo từ diêm nên bắt chước. Sau khi mua diêm về và làm theo hướng dẫn thì xảy ra tai nạn.
Một ngày sau, Bệnh viện lại tiếp nhận bệnh nhân Dương Văn H. (sinh năm 2008, trú tại xóm Thống Thượng, xã Minh Đức, TX Phổ Yên) nhập viện trong tình trạng toàn bộ phần mặt và cổ bị “cháy xém” với nhiều vết bỏng sâu. Người nhà cháu H. cho biết, cháu đã sử dụng điện thoại vào mạng Internet xem các video hướng dẫn chế tạo pháo nổ rồi làm theo dẫn tới tai nạn đáng tiếc.
Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng mới điều trị cho bé trai là Nguyễn H.L (14 tuổi trú tại thị trấn Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) bị bỏng vùng đầu, mặt, cổ, bàn tay trái, chân trái, vùng bỏng đau rát, khó thở nhẹ, 2 mí mắt sưng nề do bị tai nạn khi tự chế pháo nổ.

Bệnh nhi ở Quảng Ninh bị chấn thương vùng tay do tự chế pháo nổ. Ảnh BV Việt Nam - Thụy Điển
Thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (tỉnh Quảng Ninh) cũng cho biết, Bệnh viện đã tiếp nhận, cấp cứu 1 thiếu niên bị tai nạn do tự chế pháo nổ. Ngày 31/12/2021, bệnh nhi T.Đ.A. (15 tuổi trú tại Thanh Sơn, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện với vết thương vùng bàn tay trái và hai mắt. Theo gia đình, trước vào viện khoảng 30 phút, cháu T.Đ.A. có tự chế pháo tại nhà và không may phát nổ.
Cũng dịp cuối năm 2021, các bác sĩ Khoa Chấn thương II, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật bảo tồn, giữ lại thành công bàn tay trái cho bé trai bị thương nặng do nổ pháo tự chế. Bệnh nhân Nguyễn Tuấn T. (14 tuổi, trú tại Trạm Thảm, Phù Ninh, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng tỉnh, khó thở nhẹ, có vết thương phức tạp bàn tay trái, dập nát, xẻ đôi bàn tay từ vùng sát cổ tay đến bàn ngón tay, loét loang lổ, lộ gân xương, chảy nhiều máu. Theo lời kể của mẹ bệnh nhân, do không biết sự nguy hiểm và những hậu quả khi pháo tự chế phát nổ nên T. đã mua bột về tự chế tạo pháo. Trong quá trình chế tạo, bất ngờ pháo tự chế phát nổ.

Các điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ thay băng cho bệnh nhi bị dập nát tay do tự chế pháo. Ảnh BVĐKPT
Hằng năm, càng đến gần Tết Nguyên đán, số trẻ em bị thương tích liên quan đến pháo nổ ngày càng gia tăng. Tai nạn do pháo nổ đặc biệt nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả vị trí trên cơ thể, pháo nổ còn gây bỏng nặng do tỏa ra nhiệt lượng lớn, tổn thương mô mềm rất nhiều. Rất nhiều trường hợp gặp tai nạn đáng tiếc trong quá trình trẻ em bắt chước, học "chế" pháo theo các video trên mạng xã hội trong khi chưa hiểu rõ về các chất hóa học có trong thuốc và chủ quan trước những nguy hiểm khi sử dụng pháo nổ…
Chỉ cần lướt các trang mạng Internet, chúng ta thấy xuất hiện tràn lan những bài viết, video hướng dẫn cách tự chế tạo pháo nổ. Trước thực trạng này, để không xảy những vụ tai nạn đáng tiếc từ việc chế tạo và sử dụng pháo nổ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, đặc biệt là trẻ em về những nguy hại của việc chế tạo và sử dụng pháo nổ.
Các bậc cha mẹ cần quản lý, giám sát chặt chẽ con em khi trẻ sử dụng các thiết bị kết nối Internet để các em không bị tiêm nhiễm thông tin độc hại trên mạng, không bắt chước theo những bài viết, clip hướng dẫn cách làm pháo nổ, bởi rất dễ dẫn tới những tai nạn đáng tiếc.