Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cảnh giác với biến chứng sốt xuất huyết ở trẻ thừa cân

Do bệnh nhi sốt xuất huyết có cân nặng vượt quá chuẩn thông thường nên điều dưỡng viên gặp khó khăn khi tiếp cận tĩnh mạch, đường truyền, lấy máu xét nghiệm.

Bệnh nhi 5 tháng tuổi mắc sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn trong điều trị.

Bệnh nhi 5 tháng tuổi mắc sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn trong điều trị.

Những biến chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận gần 9.800 ca sốt xuất huyết. Tuần đầu tháng 8, số ca mắc tăng hơn 12% so với trung bình tháng trước. Các bệnh viện đang điều trị nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có những ca nặng, đặc biệt có ca phải thở máy xâm lấn lọc máu. Ngành Y tế dự báo TP.HCM đang vào mùa cao điểm sốt xuất huyết và kéo dài đến hết tháng 10.

Tại Bệnh viện Nhi đồng (TP. HCM), bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, thời gian qua Bệnh viện đã tiếp nhận và cứu sống nhiều trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết, gây biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan và suy đa cơ quan. Hiện Bệnh viện đang điều trị cho hơn 20 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng.

Đáng chú ý, có những bệnh nhi sốt xuất huyết có cân nặng vượt quá chuẩn thông thường nên điều dưỡng viên gặp khó khăn khi tiếp cận tĩnh mạch, đường truyền, lấy máu xét nghiệm.

Gần đây nhất là bé trai V.M.Q. mới 5 tháng tuổi nhưng đã nặng 11kg (thông thường là 7kg) nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Trước đó, bệnh sử ghi nhận bé sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, bé bớt sốt nhưng ói ra dịch lợn cợn nâu, bụng chướng, nổi chấm xuất huyết trên da nên người nhà đưa trẻ đến bệnh viện địa phương. Tại đây, ghi nhận trẻ bứt rứt, quấy khóc, da nổi bông tím, huyết áp không đo được, nổi chấm xuất huyết ở chân tay, bụng... Trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng và được điều trị chống sốc theo phác đồ. Tuy nhiên, nhận thấy cơ địa bệnh nhi thừa cân béo phì, đặc biệt rất khó tiếp cận đường truyền nên các bác sĩ hội chẩn và chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại Bệnh viện, bé được điều trị tích cực nhưng diễn tiến bệnh rất phức tạp. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị với thở áp lực dương liên tục, chống sốc bằng dung dịch cao phân tử và thuốc vận mạch. Đồng thời, điều trị hỗ trợ gan qua điều chỉnh đường huyết, điện giải, kiềm toan, tiêm vitamin K1, điều trị rối loạn đông máu bằng truyền huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh và tiểu cầu đậm đặc.

Đến ngày thứ 7 của bệnh, trẻ có biểu hiện sốt cao, xét nghiệm máu thấy phản ứng viêm tăng cao nên được sử dụng thêm thuốc điều hòa miễn dịch. Qua gần 2 tuần điều trị, tình trạng của bé cải thiện dần, hết sốt, được cai thở ôxy

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, đây là trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng rối loạn đông máu, tổn thương các cơ quan xảy ra ở cơ địa trẻ nhũ nhi dư cân. Điều này gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc ra quyết định điều trị thích hợp.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng đã cấp cứu và điều trị cho hàng chục trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết, thừa cân với những biến chứng như suy đa tạng, hôn mê...

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến lưu ý, cha mẹ cần theo dõi, phát hiện các dấu hiệu sốt xuất huyết sớm để đưa con đến cơ sở y tế kịp thời. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu như quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, chảy máu cam hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ, không chơi, bỏ ăn uống... cần phải đưa trẻ tới bệnh viện ngay.

Nhiều trẻ thừa cân mắc sốt xuất huyết dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nhiều trẻ thừa cân mắc sốt xuất huyết dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vì sao trẻ béo phì bị sốt xuất huyết dễ chuyển nặng?

Các bác sĩ cho biết, có 5 lý do trẻ béo phì rất dễ chuyển biến nặng khi mắc sốt xuất huyết.

Thứ nhất, béo phì làm giảm men AMP-Protein Kinase (AMPK), dẫn đến sự tích tụ lipid trong nội bào, tạo điều kiện cho sự nhân lên của virus.

Thứ hai, việc sản xuất nhiều các adipokines ở trẻ béo phì liên quan đến phản ứng viêm. Hiện có trên 50 adipokines khác nhau được biết đến tiết ra từ mô mỡ, nó có vai trò gây phản ứng viêm, gây rối loạn chức năng nội mô làm tăng tính thấm thành mạch, gây thất thoát huyết tương, dẫn đến tụt huyết áp và sốc. Nó còn làm rối loạn chức năng tiểu cầu gây xuất huyết. Thất thoát huyết tương và rối loạn chức năng tiểu cầu là hai lý do chính làm bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng và tử vong. Phản ứng viêm nặng nhất là gây ra cơn bão cytokine có thể làm tổn thương đa cơ quan như tim, gan, não, thận, phổi...

Thứ ba, béo phì cũng có thể gây rối loạn chức năng nội mô ngoài viêm mãn tính, nó có thể gây tổn thương glycocalyx được tìm thấy trong nội mô. Béo phì gây giảm sút glycocalyx, khiến cho mạch máu dễ tổn thương và làm tăng tính thấm thành mạch, gây thất thoát huyết tương, dẫn đến sốc sốt xuất huyết nặng.

Thứ tư, béo phì có một số tác động đến điều hòa miễn dịch làm giảm chức năng tế bào giết tự nhiên (natural killer cell-NK). NK là một tế bào bạch huyết trong hệ miễn dịch bẩm sinh, có khả năng phản ứng nhanh với các tế bào nhiễm virus và tế bào dị biệt bao gồm các tế bào có khả năng hình thành ung thư. Chức năng của chúng là nhận biết và tiêu diệt các tế bào nhiễm vi rút kể cả các tế bào mới sinh ra. Thiếu tế bào NK, virus sốt xuất huyết dễ phát triển mạnh và gây hại cho cơ thể.

Thứ năm, về vật lý, béo phì còn gây giảm thể tích phổi, tăng sức cản trở đường thở. Người béo phì có khối lượng mỡ ở thành ngực và bụng tăng lên, làm giảm tính đàn hồi của thành ngực và phổi, khiến giảm dung lượng khí cặn cơ năng, giảm thể tích khí dự trữ thở ra, các cơ trơn bao quanh phế quản trở nên ngắn đi, sẽ đẩy nhanh tình trạng suy hô hấp.

Các bác sĩ lưu ý, với trẻ em dưới 1 tuổi, hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, khó có thể chống chọi được sự tấn công rầm rộ của virus gây bệnh. Do đó, trẻ dễ bị sốc, tái sốc và gặp biến chứng nặng, thường gặp là suy đa tạng, suy hô hấp dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó, dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi cũng không rõ ràng, có thể kèm theo triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa, hô hấp như nôn ói, tiêu chảy, hay ho, sổ mũi.... trẻ dễ bị chẩn đoán nhầm bệnh và điều trị sai hướng.
Tin liên quan