Đây đều là những cái tên khá quen thuộc với giới đầu tư tài chính. Họ là chủ nhân của những kênh mạng xã hội được biết đến với nội dung “dạy làm giàu” cùng các hoạt động mời gọi đầu tư vào ngoại hối, chứng khoán, tiền ảo…
Số lượng người tham gia đầu tư vào các hoạt động của họ lên đến con số hàng chục nghìn, và cơ quan chức năng cũng xác định khoản tiền mà các nhân vật này lừa đảo lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Theo một số chuyên gia tài chính, thật ra các chiêu thức mà hai nhân vật nói trên sử dụng để lừa đảo không có gì mới, đã từng có những người sử dụng từ trước và bị “bóc phốt”, bị sa lưới pháp luật - không chỉ trong nước mà cả ở nhiều nước khác; cơ quan chức năng và truyền thông cũng đã từng không ít lần cảnh báo.
Thế nhưng, tại sao vẫn có nhiều người tin theo và bị “sập bẫy”?
Qua quan sát và nghiên cứu từ thực tế, người viết nhận thấy hoạt động đầu tư ngoại hối (forex) và đầu tư “chứng khoán quốc tế” cũng như tiền ảo thường được thực hiện bởi một số tổ chức hoặc cá nhân được nhiều người biết đến trên mạng xã hội.
Nếu mà nói về khả năng “phông bạt” thì hẳn số người này phải đứng hàng đầu, vì nhìn vào cách họ xuất hiện trên mạng cũng đồng nghĩa với việc được “chiêm ngưỡng” cuộc sống sang chảnh, thượng lưu, ai cũng phải mơ ước.
Hơn nữa, những “chính sách” mà họ đưa ra, hứa hẹn với các “nhà đầu tư tiềm năng” là thực sự vô cùng hấp dẫn, với cách lập luận đầy sức thuyết phục, khiến cho mọi người dường như… quên mất mọi nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.
Đặc biệt, họ nắm rất chắc tâm lý của các “nhà đầu tư” là mong muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, không phải làm gì mà vẫn có tiền - thậm chí là nhiều tiền, để có thể chi tiêu một cách thoải mái.
Với những người thực sự có năng lực thao túng tâm lý như Mr Pips hay Mr Hunter thì việc khơi gợi lòng tham của “đám đông” là không mấy khó khăn. Chỉ cần sử dụng một vài “chiêu thức” là họ đã có thể “lùa” cơ man nào là… “gà” - như thực tế đã cho thấy.
Không thể phủ nhận một thực tế là thời gian qua, giới làm ăn ở Việt Nam khá thiếu các kênh đầu tư, chứng khoán trồi sụt thất thường, giá vàng “nhảy múa” loạn xạ tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường bất động sản chậm hồi phục sau thời gian “đóng băng”,… trong khi lãi suất ngân hàng về mức rất thấp, nên khi gặp một “cơ hội đầu tư” được bao phủ bởi nhiều mỹ từ và “phông bạt” từ những nhân vật “nổi tiếng”, thì việc nhiều người “xiêu lòng” mang tiền giao cho họ với mong muốn “tiền đẻ ra tiền” cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, cũng cần nhìn nhận một thực tế là hiện nay, có những sàn forex hoạt động bán công khai, núp bóng các lĩnh vực kinh doanh khác nhưng vẫn có thể tổ chức các sự kiện rầm rộ nhằm “câu” các nhà đầu tư mà vẫn “qua mặt” được nhà chức trách, khiến một số người lầm tưởng hoạt động này là hợp pháp nên mất cảnh giác.
Việc cơ quan chức năng bắt giữ hai “chuyên gia dạy làm giàu” nói trên đã khiến hàng chục ngàn người vỡ mộng “ngồi mát ăn bát vàng”, hậu quả để lại là rất nghiêm trọng. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những ai còn ảo tưởng về một “phương thức làm giàu” mang tính đột biến, không phải đầu tư trí tuệ, công sức tương xứng.
Và một lần nữa, cần phải nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà kinh tế Milton Friedman: “Không có bữa trưa miễn phí…”! Không có cách kiếm tiền nào là dễ dàng…
Khánh Nguyễn
Báo Lao động và Xã hội số 150