Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cảnh sát cơ động: Lá chắn thép vì bình yên cuộc sống

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Có những chuyến công tác đầy ấn tượng nhưng có chuyến lại mở ra cho tôi một chân trời mới, sự hiểu biết mới, như lần được tiếp xúc với lực lượng cảnh sát cơ động.

Khi luyện rèn và thực thi nhiệm vụ, thường trực trong họ, sâu tâm khảm là sự hết lòng, sự nhập cuộc, sẵn sàng đối mặt gian khó, hy sinh.

“Để chiến trường bớt đổ máu, thao trường phải đổ mồ hôi”

Cảnh sát cơ động: Lá chắn thép vì bình yên cuộc sống - 1
Bài tập đu dây qua các tòa nhà. Ảnh: Nam Vy

Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung Bộ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) đóng quân ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), xung quanh là những lùm phi lao thấp kiên cường trổ xanh.

Dù nắng chói chang, các chiến sĩ cảnh sát cơ động vẫn luôn hăng say luyện rèn, trở thành những người “mình đồng da sắt”. Nơi nào có bạo động, biểu tình trái phép, điểm nóng an ninh, phức tạp về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội… thì ở đó có sự hiện diện của “lá chắn thép”.

Đại tá Đỗ Ngọc Anh, Trung đoàn trưởng Cảnh sát cơ động Trung Bộ chia sẻ: “Dù điều kiện khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ phải duy trì luyện tập hằng ngày, vừa rèn bản lĩnh chính trị vững vàng, kỹ năng thực hành quân sự và võ thuật, sẵn sàng cơ động chiến đấu góp phần bảo vệ an ninh, trật tự”. 

Mỗi buổi huấn luyện, các chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung Bộ chia thành nhiều tổ nhằm tăng cường kỹ năng thực nhiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ… như: Tổ bắn tỉa, Tổ rà phá bom mìn, Tổ chiến đấu trên địa hình phức tạp, Tổ kỹ năng bơi.

Trong đó, Tổ bắn tỉa là lực lượng đặc biệt quan trọng, thiện xạ. Khi tác chiến, lực lượng này được bố trí ở nóc nhà, cửa sổ các ngôi nhà quanh khu vực tác chiến. Họ được trang bị súng chuyên dùng có kính ngắm quang học với độ chính xác cao, quan sát theo dõi mục tiêu ở một vị trí cố định để tiêu diệt mục tiêu di động hoặc cố định. 

Theo Đại tá Đỗ Ngọc Anh, để trở thành xạ thủ bắn tỉa giỏi, kỹ năng bắt buộc với chiến sĩ là phải kiểm soát nhịp thở và bóp cò đúng thời điểm. Vì vậy bên cạnh các bài tập cơ bản, đội bắn tỉa thường phải luyện tập những bài mang tính đặc thù chuyên sâu như vừa chống đẩy, vừa nín thở trong chậu nước. Những đợt cao điểm, các chiến sĩ huấn luyện bắn súng cả ban đêm để thực nghiệm sát với thực tế trong các tình huống khó.

Ngoài ra, họ phải giỏi võ thuật và nắm kỹ chiến thuật để đánh bắt và tiêu diệt đối tượng, tước đoạt vũ khí của chúng. Với bài “xuống dây kỹ thuật”, người tập sẽ học cách đu dây xuôi, ngược từ tòa nhà cao 4 đến 8 tầng. Bài tập này được áp dụng trong tình huống con tin bị giam giữ ở tòa nhà cao tầng. Thực tế khi chiến đấu, cảnh sát cơ động phải tụt dây từ trực thăng xuống.

Chung nhiệm vụ, những chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) đóng quân tại Hòa Vang (Đà Nẵng) cũng phải tập luyện màn “đu dây tử thần”. Nghỉ giữa buổi tập, tim còn thình thịch đập, chiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Như - “bông hồng thép” của Tiểu đoàn chia sẻ:

“Khi huấn luyện đu dây, chúng tôi phải chính xác từng động tác vì bài tập này không có dây bảo hiểm mà chỉ có đai liên kết. Phải dựa vào bản lĩnh, ý chí và lòng yêu ngành mới giúp chiến sĩ vượt qua được những bài huấn luyện nguy hiểm, gay cấn”.

Ngọc Như cho biết thêm, ban đầu đồng đội nữ của cô có chút e ngại khi tập luyện những tình huống phức tạp. Nhưng vì yêu nghề nên tất cả đã cố gắng với tinh thần “Để chiến trường bớt đổ máu, thao trường phải đổ mồ hôi”.

Cảnh sát cơ động: Lá chắn thép vì bình yên cuộc sống - 2
Mỗi chiến sĩ đều nỗ lực rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Luôn hết lòng vì công việc, kể cả hy sinh tuổi trẻ của mình, các nữ cảnh sát đặc nhiệm đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và ngành công an giao phó. Vì vậy, mỗi chị em luôn cố gắng hết mình để xứng đáng là những "bông hoa thép", những bông hoa kiên cường, mạnh mẽ nhất trong rừng hoa của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Các cô gái “chọn nghiệp binh đao” ắt hẳn đã xác định mình không chọn việc nhẹ nhàng. Họ chọn con đường vì sự bình yên cuộc sống và góp phần bảo vệ sự trường tồn của dân tộc.

Trung tá Trần Bảo Chiến, Tiểu đoàn trưởng Cảnh sát đặc nhiệm số 3 cho hay, đơn vị được phân công địa bàn miền Trung - Tây Nguyên với 14 tỉnh, thành phố. Khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nên ngoài các nhiệm vụ được giao, bảo đảm tốt công tác huấn luyện, cán bộ chiến sĩ phải thường xuyên tham gia cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai.

Xứng là “lá chắn thép”

Những năm qua, các đơn vị, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động là nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, gìn giữ trật tự an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc; trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự; tổ chức bảo vệ các mục tiêu, chuyến hàng đặc biệt, hội nghị, sự kiện quan trọng… 

Đại tá, ThS Phạm Hữu Thinh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết: “Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng cảnh sát cơ động, nhất là chỉ đạo cơ quan tham mưu chiến lược làm tốt công tác nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình;

Kịp thời tham mưu triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp công tác, lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, biểu tình, bạo loạn, đấu tranh triệt phá các chuyên án hình sự, ma túy đặc biệt nguy hiểm”.

Cảnh sát cơ động: Lá chắn thép vì bình yên cuộc sống - 3
Chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 luyện võ thuật. Ảnh: Văn Học

Theo lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, trong công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, lực lượng cảnh sát cơ động trực tiếp tham gia, phối hợp với các lực lượng chức năng truy quét các băng, nhóm tội phạm có tổ chức như:

Băng, nhóm Khánh Trắng, Năm Cam; các băng, nhóm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở các tỉnh Tây Bắc (chuyên án ma túy đặc biệt nguy hiểm tại xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La); các vụ án kinh tế, buôn lậu và gian lận thương mại xảy ra ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. 

Trong đấu tranh với tội phạm bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, lực lượng cảnh sát cơ động đã giải cứu con tin thành công các vụ xảy ra ở tỉnh: Vĩnh Phúc, Yên Bái, TPHCM…

Nếu các vụ khủng bố như tại xã Ia Chim, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum hay gần đây nhất là tại Đắk Lắk làm 4 công an xã hy sinh, 2 đồng chí bị thương không được xử lý dứt điểm, kịp thời, truy bắt hết các đối tượng sẽ gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng Nhà nước. 

Nhà văn Nguyễn Hiệp (Hội Nhà văn Việt Nam) chia sẻ: “Qua các câu chuyện, tôi biết nhiều chiến sĩ cảnh sát cơ động đã hy sinh. Họ là những anh hùng bởi biết nguy hiểm, thậm chí có thể phải hy sinh nhưng vẫn dấn thân để giữ cho mỗi sớm mai yên bình”.

Người chiến sĩ cảnh sát cơ động còn phải hy sinh hạnh phúc cá nhân. Trong các dịp lễ, tết, trong lúc người dân sum họp đầm ấm với gia đình cũng chính là thời gian các chiến sĩ phải tập trung cao độ cả về lực lượng và phương tiện phục vụ công tác bảo vệ. Những đêm giao thừa đã trở thành những đêm trắng của lực lượng cảnh sát cơ động.

Trọng trách nặng nề luôn đặt trên vai người lính, những chuyến ra quân đột xuất không có dự lệnh là thường xuyên, liên tục. Bận rộn, nguy hiểm và vất vả nhưng trong ánh mắt các chiến sĩ không nhìn thấy sự mệt mỏi mà thay vào đó là niềm vui được làm việc và cống hiến. 

Ngô Thục Miên

Chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 luyện võ thuật. Ảnh: Văn Học