Là một trong những giảng viên tham gia Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành Logistics với giáo dục nghề nghiệp”, thuộc khuôn khổ Chương trình Aus4Skills, cô Trần Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Kinh tế - Du lịch Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên chia sẻ, với hoạt động về nâng cao năng lực của chương trình Aus4Skills, đội ngũ giáo viên nhà trường có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên môn từ chuyên gia Australia.
Điều này không chỉ mang lại sự đổi mới trong giảng dạy mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, điển hình như việc ứng dụng phương pháp đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện (CBTA).
Hiệu quả của phương pháp đào tạo CBTA
CBTA đã giúp điều chỉnh các môn thực hành phù hợp hơn với kỹ năng cần đạt, nhờ đó, sinh viên có điều kiện rèn luyện kỹ năng nghề tốt hơn mà không bị áp lực bởi điểm số. Các thầy cô còn chủ động áp dụng những kiến thức mới vào việc điều chỉnh chương trình đào tạo, trong đó mỗi môn học được nêu rõ các năng lực cần đạt. Ngoài ra, trường còn xây dựng phòng thực hành với trang thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên.
Đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện (CBTA) là hướng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, trong đó nhấn mạnh tới việc người học sẽ làm được gì sau quá trình đào tạo, chứ không thuần túy là chỉ biết được gì. Phương pháp CBTA chú trọng vào việc đào tạo và đánh giá thực tế dựa trên các tiêu chuẩn nghề nghiệp đặc trưng của ngành và đảm bảo rằng các chương trình giáo dục nghề nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp. Phương pháp CBTA đảo bảo cho người học thực hiện được kỹ năng như ở môi trường làm việc thực tế.
Theo cô Trần Thị Thanh Thủy, nhờ được đào tạo, tập huấn phương pháp CBTA, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của trường được nâng cao hơn và có nhiều thay đổi tích cực trong phương pháp giảng dạy. Các giảng viên chia sẻ những kiến thức và kỹ năng lĩnh hội được về phương pháp CBTA đến các đồng nghiệp để cùng áp dụng vào thực tiễn giảng dạy.
Với sự tận tâm, kỹ năng sư phạm vững vàng và khả năng áp dụng thực tiễn linh hoạt, các thầy cô đã mang đến những bài giảng sinh động, dễ tiếp cận, giúp học sinh, sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn khơi gợi niềm đam mê học hỏi, tạo động lực bền bỉ cho các em trong suốt hành trình học tập. Một trong những điểm nổi bật trong các bài giảng là phương pháp dạy học đổi mới, khả năng kết nối lý thuyết với thực tiễn và sự tự tin, cuốn hút trong cách truyền đạt.
Trong Hội giảng Nhà giáo Giáo dục Nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, hai giáo viên của trường tham dự đều đạt giải cao nhờ sự đổi mới, sáng tạo về phương pháp giảng dạy thực hành, tích hợp và sử dụng thiết bị tự làm hiệu quả.
Những đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo thể hiện rõ ở kết quả đánh giá cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong năm học 2023-2024, trường đạt 92/100 điểm. Bên cạnh đó, trường được cấp giấy chứng nhận công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Kết quả tuyển sinh của nhà trường liên tục tăng qua các năm là minh chứng rõ nét cho sự đổi mới của hoạt động chuyên môn và chất lượng đào tạo. Năm học 2023 -2024, trường tuyển sinh đạt 95,6% chỉ tiêu UBND tỉnh Điện Biên giao.
Trao cho sinh viên bộ công cụ để kiến tạo tương lai
Năng lực của đội ngũ giảng viên của nhà trường được nâng cao, người được hưởng lợi đầu tiên là các em sinh viên.
Tâm huyết với giáo dục nghề nghiệp, cô Trần Thị Thanh Thủy quan niệm rằng, các thây cô giáo ở trường nghề có nhiệm vụ trao cho các em sinh viên một bộ công cụ để kiến tạo nên tương lai của chính mình. Không chỉ trang bị cho các em những kỹ năng nghề nghiệp thiết thực, các giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên còn giúp sinh viên vùng dân tộc thiểu số tự tin vươn xa, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao, góp phần phát triển nguồn nhân lực bền vững cho đất nước.
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên có tới 98% là học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, hộ nghèo, ở nội trú và nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện kinh tế gia đình hạn hẹp, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của tập tục cũ, dẫn đến tình trạng bỏ học nhiều. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông ở những vùng này còn hạn chế, khiến cho con đường đến trường của các em cũng gặp nhiều trở ngại.
Lãnh đạo trường, các thầy cô giáo đã tìm mọi cách hỗ trợ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các em có thể theo đuổi ngành nghề mình đã chọn. Ngay từ khi các em nhập học, nhà trường đã lên kế hoạch thuê xe, cử giáo viên các khoa đến tận nơi đón các em về trườngvà hỗ trợ đủ 3 bữa ăn mỗi ngày, đảm bảo dinh dưỡng cho các em.
Trường hợp em Huyền, người dân tộc Thái, theo học chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp, không may mắc bệnh nặng phải nằm liệt giường và không thể hoàn thành chương trình bậc phổ thông trung học. Cô Thủy đã cùng đồng nghiệp trong khoa kịp thời động viên, cho em mượn máy tính trong suốt quá trình học tập tại trường. Cô Thủy đã đề nghị Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) trao tặng học bổng “Người bạn đồng hành” cho em trong suốt quá trình học, đồng thời hỗ trợ em tài liệu để học tập, nghiên cứu.
Trong quá trình học tập, tuỳ theo theo từng môn, các thầy cô sẽ hỗ trợ về tài liệu học tập và phương tiện đi tại cho em trong những buổi học thực tế tại doanh nghiệp. Nhờ sự quan tâm, trợ giúp của thầy cô nhà trường, cùng với nghị lực phi thường, sự đam mê nghề nghiệp và vượt lên mọi khó khăn em đã luôn đứng đầu lớp.
Ngoài ra, nhà trường còn kêu gọi sự giúp đỡ từ các tổ chức, doanh nghiệp để có những suất học bổng cho học sinh nỗ lực vượt khó, có thành tích cao trong học tập, khuyến khích các em tiếp tục theo đuổi ước mơ.