
Lễ hội độc nhất vô nhị
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Chử Đức Bách (SN 1952), thủ từ miếu Trò Trám cho biết, miếu Trò hay còn gọi là miếu Đụ Đị, ở thôn Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) có từ lâu đời. Ngày trước chỉ là ngôi miếu nhỏ, mái được lợp bằng lá, sau này được tu sửa lại khang trang hơn, mái lợp ngói.
Lễ hội độc nhất vô nhị “trò Trám” hay còn gọi là lễ hội “linh tinh tình phộc” được tổ chức thường niên vào đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng hàng năm.
Tại lễ hội này, điểm hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của du khách thập phương, đó là “trò Trám” và “lễ Mật” tại miếu. Đây là lễ hội tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, được người dân ở đây trân trọng gìn giữ.
Các nhà văn hóa cũng đánh giá đây là “lễ hội đáng quý”, mang đậm tính dân tộc, may mắn được khôi phục lại từ năm 1993.

Theo ông Bách, lễ “trò Trám” là tiết mục mang lại tiếng cười nhất bởi những câu hò đối đáp mang đậm tín ngưỡng phồn thực. Còn với “lễ Mật”, đúng 12 giờ đêm ngày 11 tháng Giêng, người dân được chứng kiến tận mắt cảnh giao hợp trong “lễ Mật” - tâm điểm và cũng là linh hồn của lễ hội “trò Trám” diễn ra vào thời khắc giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu.
Lúc này, cụ thủ từ miếu Trò thắp hương làm lễ tế và rước “Nõ, Nường” - vật tượng trưng cho giới tính nam và nữ, được làm bằng gỗ mít và sơn màu đỏ, là vật để tế và cầu cho nòi giống sinh sôi.
Trước tiên, cụ thủ từ tung đồng tiền xu để cầu xin thần thánh, cũng là lúc linh vật được đưa ra từ nơi cất giấu linh thiêng trong miếu và trao cho đôi nam nữ được chọn từ trước. Người dân Tứ Xã quan niệm, khi các thần linh chứng giám thì lúc đó linh vật mới thiêng.
“Năm nay, vợ chồng anh Chử Đức Chiến (SN 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (SN 1990) vẫn được người dân trong làng tín nhiệm giao nhiệm vụ thực hiện nghi thức “linh tinh tình phộc”. Anh Chiến và chị Huyền là cặp vợ chồng sống hòa thuận. Đây là lần thứ 9, anh chị thực hiện nghi thức thiêng liêng này”, ông Bách nói.
Theo ông Bách, thời khắc giao thời được cho là giờ lành, là thời điểm giao hòa giữa trời và đất. Thủ từ cất tiếng ca kêu gọi đôi nam nữ ra ngoài. Sau đó, đèn, nến trong và ngoài miếu đều được tắt hết, cụ thủ từ hô “linh tinh tình phộc”, lập tức người nam cởi trần đóng khố cầm Nõ, nữ mặc váy đeo yếm đào cầm Nường làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao trong khoảng thời gian 15 - 20 phút.

Theo tương truyền, cả 3 lần đâm trúng là mùa màng tươi tốt, bội thu; 2 lần là được mùa; 1 lần là làm ăn kém... Trong đêm tối, thủ từ nghe tiếng “cạch” đủ 3 tiếng là đèn lại sáng.
Giây phút ấy, thủ từ miếu sẽ vái lạy thần linh, đánh chiêng trống để báo mừng “lễ Mật” thành công. Thủ từ sẽ hô to “tháo khoán” để bắt đầu cho thời khắc nam nữ thanh niên trong làng được tự do vui chơi bên ngoài rừng trám.
Ông Bách cho biết, vì sự linh thiêng của lễ hội nên tiêu chuẩn chọn người tham gia “lễ Mật” phải là cặp vợ chồng hội tụ các yếu tố như: Gia đình nền nếp, gia giáo, chấp hành tốt mọi quy định, chính sách của địa phương, ngoại hình ưa nhìn, kinh tế gia đình ổn định, con cái chăm ngoan, học giỏi…
Cảm thấy vinh dự, tự hào
Dưới tiết trời se lạnh những ngày tháng Giêng, chia sẻ về việc thực hiện nghi thức “lễ Mật” linh thiêng, anh Chiến kể, vợ chồng anh đều là người thôn Trám, xã Tứ Xã, làm kinh doanh tự do. Năm nay là năm thứ 9 vợ chồng được giao thực hiện nghi lễ “linh tinh tình phộc” tại miếu Đụ Đị.
“Năm 2015, khi ấy vợ tôi sinh cháu thứ 2 được 14 tháng, được sự tín nhiệm của UBND xã cũng như bà con tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện nghi lễ linh thiêng tại miếu.
Nói thực, chúng tôi băn khoăn lắm, cảm giác rối bời, vừa lo lắng, áp lực, vừa ngại ngùng, e thẹn, vì đứng trước đông người, trong khi đèn thì tắt, không biết mình có đảm đương được trọng trách mà dân làng tin tưởng không”, anh nói.

Tuy nhiên, anh Chiến cho biết, do nghi thức “tình phộc” trang nghiêm nên vợ chồng anh cũng muốn đóng góp, bảo tồn truyền thống lễ hội cho muôn đời. Cùng với đó, trong gần chục buổi tối, vợ chồng anh được thủ từ dạy cho nghi thức khi làm lễ mật.
“Do vậy, chúng tôi bảo nhau gạt qua mọi ngại ngần để thực hiện nghi thức cho tốt, kẻo ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của dân làng. Thế rồi mọi lo sợ, ngại ngùng qua đi khi năm đầu tiên qua 3 lần “tình phộc” đúng ý thì tâm lý thoải mái hơn. May mắn mọi việc đều diễn ra tốt đẹp”, anh Chiến nhớ lại.
Theo anh Chiến, để đảm bảo thực hiện nghi lễ tốt nhất và trúng cả 3 lần, trước đó, vợ chồng anh phải dành thời gian cầm những đồ tượng trưng tập sao hợp nhịp cho khớp với tiếng hô của thủ từ.
Anh cho hay, đã 9 năm vợ chồng anh thực hiện nghi lễ linh thiêng, những e thẹn, ngại ngùng và áp lực cũng đỡ hơn, nhưng cảm giác hồi hộp, lo sợ thì năm nào cũng có và mỗi năm một cảm xúc khác nhau.
Cho dù đã có thâm niên nhưng vào lúc tắt đèn thì tâm trạng luôn lo sợ, bởi, nếu không làm tròn được nhiệm vụ, năm đó mùa màng không bội thu, sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bà con…
“Sau khi làm nghi lễ, vợ chồng tôi nhận được câu hỏi rằng hai vợ chồng thực hiện nghi thức “tình phộc” có trượt cái nào không? Tôi trả lời: Bảo trúng là trúng. Năm nay các ông đều được mùa. Nghe thế, mọi người cùng cười vui vẻ”, anh Chiến kể.
Để tiếp câu chuyện của chồng, chị Huyền thẹn thùng: “Giờ nghĩ lại những năm đầu tiên thực hiện nghi lễ “tình phộc” mà tôi vẫn thấy run. Bởi, tôi chưa bao giờ mặc váy, yếm, lại đứng trước đông và rất nhiều nam giới. Dù vậy, ngay năm đầu tiên cho tới giờ mọi việc diễn ra rất suôn sẻ. Trong 9 năm, việc thực hiện nghi lễ không bị “trượt” lần nào, có thể nói thành công tới 99%”.
Chia sẻ về những lần thực hiện nghi lễ “tình phộc” trong miếu Trò, chị Huyền cho hay, vì người dân tâm niệm nếu chạm được vào người chị khi vừa làm lễ thiêng xong thì sẽ gặp may mắn nên khi thủ từ hô “tháo khoán”, lập tức mọi người đều muốn vỗ vai, chạm tay vào người chị.
“Thực tế họ không có ý đồ gì ngoài việc muốn có được sự may mắn, nhưng cũng khiến tôi run sợ và khi ấy phải nhờ sự che chở của chồng”, chị Huyền e thẹn nói.
Liếc nhìn vợ, anh Chiến tủm tỉm kể: “Vợ chồng tôi mở cửa hàng ăn nên mọi người hay đùa: “Vợ chồng bay nên chuyển tên quán thành “Linh tinh tình phộc”, đó là đặc trưng riêng của tụi bay chứ không ai có”.
“Với nhiều người, có thể không nhớ tên vợ chồng tôi, nhưng lại nhớ nghi lễ mật. Bởi vậy, nhiều khách đến quán lần đầu nói: “Nhìn ông bà này quen lắm, không biết gặp ở đâu rồi”. Hóa ra là ông bà “linh tinh tình phộc”, anh Chiến hào hứng kể.
Đồng thời cho biết thêm, từ khi vợ chồng anh thực hiện “lễ Mật” tới giờ, nhiều người hay nhờ anh xông đất, xông nhà đầu năm mới, hoặc mượn tuổi làm nhà và một số công việc hệ trọng khác.
Vợ chồng anh Chiến cảm thấy cuộc sống may mắn hơn khi được thực hiện nghi lễ này, đó là gia đình hòa thuận, hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi… Anh chị có 3 con trai và vẫn muốn sinh thêm cô con gái. Trong những năm qua được sự tín nhiệm thực hiện nghi lễ, đã vài lần vợ chồng anh xin không tham gia lễ mật nhưng chưa được ban tổ chức đồng ý.
Về đời sống của bà con trong xã, anh Chiến cho biết, cuộc sống của mọi người ngày càng phát triển, mưa thuận gió hòa, con người, con của được mạnh khỏe, vạn vật được nảy nở, sinh sôi, mọi người đều phấn khởi hân hoan tăng gia sản xuất…
"Khi được giao nhiệm vụ thì mình phải thực hiện và luôn phải cố gắng thực hiện sao cho tốt nhất vì đó là đại diện cho cả dân làng, nếu thực hiện không tốt, trong năm dân làng mùa màng thất bát, bản thân mình cũng cảm thấy không yên", chị Huyền nói rồi cười tươi khi những hạt mưa xuân đang lất phất bay.
Lễ hội trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ- BVHTTDL ngày 21/11/2016. |
Cù Hòa
.