Học sinh Trường tiểu học Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) trong một giờ học về giới tính. Ảnh: B. Thanh
Tr. là một cô bé xinh xắn, học giỏi, tư chất nổi trội, nhưng vì quá còi cọc, hiền lành, nên em thường bị bạn bè khác giới, vì “thích” một cách thái quá mà có những ứng xử không bình thường. Khi “thích thái quá” một bạn gái nào đó, thường con trai sẽ “tấn công” bằng những trò trêu ghẹo kiểu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Nhưng trong câu chuyện của Tr., vì thiếu hiểu biết nữa nên đám trẻ quê đã tấn công cô bé bằng những hành động mà ngày nay sẽ được gọi là bắt nạt, tấn công, quấy rối.
Đó là vào một buổi chiều muộn, Tr. đợi bạn gái cùng xóm học trên một lớp để cùng về nhà. Hai cô bé không ngờ đám bạn trai cá biệt phục sẵn bên ngoài, chờ hai cô bé ra để tấn công. Tất nhiên chúng chỉ tấn công vào Tr.
Đầu tiên là những chiếc cặp sách khá nặng đập tới tấp vào lưng Tr. khiến cô bé khóc òa lên. Sau đó liên tục là những cú xô ngã, cứ đứa nọ đẩy đứa kia lao ầm vào người Tr., bất kể cô bé có thể ngã lăn ra đường hoặc ngã nhào xuống ruộng, chúng ào đến đè được lên người cô thì chúng càng hả hê. Khi đó là cuối năm nên các chân ruộng ven đường đi học đều khô. Tr. bị xô ngã xuống ruộng, cô bé bò lên đường lại bị xô xuống tiếp cho đến khi cô phải vừa khóc vừa chạy dưới ruộng nhằm thoát thân. Nhưng khủng khiếp hơn cả sự xô ngã, đập cặp vào lưng, là bọn chúng hò nhau đấm đạp vào các vùng nhạy cảm của Tr. và cười hô hố với nhau trong khi Tr. đau đớn khóc và hoàn toàn không có ai cứu giúp, sức của Tr. thì không thể chạy thoát khỏi sức chạy của bảy, tám đứa ngỗ ngược đang lên cơn “hung hãn” tập thể.
Đoạn đường từ trường về nhà chừng một cây số thì đến nửa cây số Tr. bị bọn chúng bao vây. Khi em khóc lóc về được đến nhà thì trời đã nhá nhem tối. Bên mâm cơm dọn sẵn, bố mẹ chờ con gái về ăn cùng, nhưng em cứ khóc nấc lên không dứt. Cô bạn cùng xóm phải chạy sang kể lại sự tình.
Tất nhiên là mẹ của Tr. bỏ mâm cơm đó và chạy thẳng đến nhà “lũ mất dạy”. Trong cơn giận bừng bừng, mẹ Tr. đã khiến bố mẹ của “lũ mất dạy” đó ngay lập tức nọc chúng ra đánh một trận tơi bời và bắt chúng quỳ xuống xin lỗi. Ở quê ngày đó, cứ con hư là sẽ bị bố mẹ đánh. Nhưng chưa hết, ngay sáng hôm sau, mẹ của Tr. tức tốc đến trường, xông thẳng vào phòng hiệu trưởng. Sau đó thì một cuộc kiểm điểm giữa bố mẹ của tám đứa “mất dạy”, hiệu trưởng, cô chủ nhiệm cùng mẹ của Tr. đã diễn ra. Tám đứa bị đình chỉ học một tuần. Còn Tr. cũng sợ hãi không dám đến trường hơn một tuần.
Chuyện bắt nạt Tr. tạm lắng xuống được một thời gian. Nhưng dù vậy Tr. vẫn là mục tiêu săn đuổi của đám cá biệt. Tr. làm lớp trưởng, ngồi bàn cuối, ngày nào chúng cũng thừa cơ vắng thầy cô giáo, xấn xổ ngồi vào ghế của Tr. và dồn nhau ép Tr. vào góc tường, đến nỗi Tr. phải chui xuống gầm bàn chúng mới tha. Chúng ép Tr. đưa cho chúng đồ dùng học tập, ép Tr. không được ghi chúng vào sổ theo dõi sao đỏ và không được mách thầy cô, nếu không, “trận hôm trước” sẽ lặp lại. Thỉnh thoảng, vào giờ ra chơi, chúng dùng súng cao su bắn lén vào người Tr., lấy quả ké đầu ngựa xoa vào tóc Tr. rối đến mức gỡ ra được thì cũng phải khóc hết nước mắt. Cứ thế, suốt thời tiểu học, chúng bắt nạt Tr. chỉ vì Tr. xinh xắn, học giỏi và quá lành. Cho đến khi lên cấp 2, lúc đó đã bớt trẻ con, chúng biết ngượng và dần thôi cái trò bắt nạt đó, Tr. mới được yên thân.
Sách dạy về giới tính rất nhiều, cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn các em đọc để nâng cao nhận thức về giới tính. Ảnh: TT
Tr. vẫn lặng lẽ, hiền lành và học giỏi, nhưng cô bé luôn buồn bã và ác cảm với đám bạn trai cùng học. Lên cấp 3, cô bé vào học trong thành phố. Nhìn đám bạn thành phố, trai gái chơi với nhau chan hòa, cô càng “căm ghét bọn nhà quê” mỗi khi nhớ lại việc chúng đã hành hạ mình. Và từ đó cho đến khi trưởng thành, mặc cho “bọn nhà quê” đó tỏ ra ăn năn muốn kết thân, Tr. không thèm nhìn mặt chúng.
Có thể hiểu hành động của đám học trò cho dù là cá biệt đó, chỉ là những trò ma mãnh thiếu hiểu biết của trẻ con, nhưng với cô bé Tr., mới 9 tuổi đầu, làm sao có thể không tổn thương khi tâm hồn còn quá trong sáng, non nớt phải chịu sự hành hạ như vậy. Cô bé đã lớn lên mà mang theo trong lòng nỗi ác cảm với các bạn trai cùng trang lứa. Ai đó cất lời trêu chọc sàm sỡ, cô lập tức coi họ như kẻ vô đạo. Cô trở thành người luôn e dè, yếu đuối, đôi khi sợ hãi trong các mối quan hệ xã hội. Điều này làm hạn chế khả năng hòa nhập và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sự nghiệp cá nhân.
Khi kể lại câu chuyện của mình, Tr. lúc này đã là một người phụ nữ trưởng thành, có thành công trong cuộc sống. Cô cũng hiểu rằng, chuyện cô bị các bạn tấn công khi xưa cũng có thể được tha thứ. Nhưng khi cô mới 9 tuổi đầu phải chịu đựng sự bắt nạt, tấn công, hành hạ đó, thì hậu quả dẫn đến là cô phải gánh chịu nỗi đau, những ám ảnh và không tránh khỏi việc có những định kiến.
Điều cô muốn nói tới trong câu chuyện của mình, là ở đây thiếu một sự giáo dục nhân cách và giới tính cần thiết để những đứa trẻ đã phạm lỗi một cách ngu xuẩn, đáng tiếc nhất, trong khi đáng ra chúng đã được sống một tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên nhất.
Ngày nay, các em ở lứa tuổi tiểu học có thể không bị bạn khác giới tấn công như vậy, nhưng ở tuổi cấp 2 rồi cấp 3, những chuyện thậm chí khốc liệt hơn như thế này vẫn thường xuyên xảy ra. Xã hội, cộng đồng đã phải đau lòng chứng kiến việc nhiều em gái bị đánh đến thương tích, bị lột đồ, sỉ nhục giữa đám đông, quay clip tung lên mạng xã hội, làm tổn thương danh dự, nhân phẩm, thậm chí có vụ việc đẩy nạn nhân đến cái chết.
Câu chuyện của Tr. được kể lại, không ngoài mong muốn trẻ em được quan tâm giáo dục về giới tính, về lối sống nhân văn, được bồi đắp hành động đẹp ngay từ nhỏ. Trong một xã hội ít nhiều còn rơi rớt lại quan niệm trọng nam khinh nữ, hãy dạy các bé trai về lòng tôn trọng dành cho bạn gái; hãy dạy về những lằn ranh giới tính không thể xâm phạm, để các em cùng nhau lớn lên trong tình bạn, để các bé gái không phải chịu sự tổn thương từ những bạn trai thiếu hiểu biết và lệch chuẩn về nhân cách.
Trang Thanh/TC GĐ&TE