Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Câu chuyện đầy nước mắt về người phụ nữ đánh đổi cả thanh xuân cuối cùng không nghề nghiệp, tiền bạc, nhận lại cuộc hôn nhân đổ vỡ

(Dân sinh) - Tôi hối tiếc những ngày tháng hết lòng vì gia đình vừa đi làm, vừa chăm con. Hiện tại, tôi 45 tuổi, dành cả thanh xuân để lo cho gia đình, không nghề nghiệp, tiền bạc trong tay nhưng cuối cùng nhận lại cuộc hôn nhân đổ vỡ. Tôi hy sinh tất cả, nhưng cuối cùng không còn lại gì ngoài con cái và thực sự hối hận khi lập gia đình với người đàn ông đó.

Chị M.L với 19 năm hôn nhân cùng chồng chua xót kể những ngày tháng đánh đổi thanh xuân cho người chồng phụ bạc.

Trong chương trình Người thứ ba, chị M.L (tên nhân vật đã thay đổi) quen chồng từ lúc 24 tuổi. Ngày đó, xe chị đi làm bị hư, anh là chàng trai tốt bụng ngồi trong tiệm sửa xe, nằng nặc đòi chở chị đi làm cho kịp giờ.

Chị L khi đó làm điều dưỡng ở bệnh viện Trưng Vương. Anh tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được công việc phù hợp nên đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Một lần, trên đường đến thăm đơn vị bạn trai đóng quân, chị gặp được ba mẹ anh cũng đến thăm anh. Hai bác tỏ lòng quý mến chị. Chuyện tình đẹp của anh bộ đội và cô y tá “cập bến” bằng một đám cưới sau 3 năm yêu nhau. Gia đình hai bên ở gần nhau, khiến chị tin tưởng vào tình yêu này.

Sau kết hôn, chị sinh 2 bé gái. Một lần, con gái 7 tuổi nhìn thấy tin nhắn một cô gái gửi đến cho ba để hẹn gặp nhau. Cô bé liền chụp màn hình và gửi cho chị vì cảm giác ba có người khác. Liên kết lại sự việc, chị nhớ ra chồng có cô bạn học chung lớp 12, chơi chung nhóm. Họ gọi nhau bằng cái tên thân thiết như “Anh Ba và bé Út”, chị từng gặp ngày tiễn anh đi quân ngũ.

Câu chuyện đầy nước mắt về người phụ nữ đánh đổi cả thanh xuân cuối cùng không nghề nghiệp, tiền bạc, nhận lại cuộc hôn nhân đổ vỡ - Ảnh 1.

Hiện tại, tôi 45 tuổi, dành cả thanh xuân để lo cho gia đình, không nghề nghiệp, tiền bạc trong tay nhưng cuối cùng nhận lại cuộc hôn nhân đổ vỡ

“Tôi lấy số điện thoại của anh và gọi cho cô bạn đó. Tôi hỏi cô ấy có biết anh là đàn ông đã có vợ con không? Tôi hỏi tại sao hai người không gặp ở nhà, phải hẹn nhau lén lút ngoài quán cà phê. Cô ấy khẳng định họ là bạn, cô liên hệ với anh để làm hợp đồng điện lực, tuyên bố nếu tôi không thích, cô ấy sẽ bỏ luôn hộp đồng đó”, chị kể.

Chồng chị biết câu chuyện, cho rằng chị làm mất hợp đồng của anh ấy. Kể từ đó, chị nghi ngờ nhưng không dám làm “căng” vì sợ anh bỏ theo người phụ nữ đó. Sau 5 năm, chị mang thai bé trai. Quãng thời gian đó, chị một thân một mình đi khám thai, chích ngừa, sinh mổ. Anh không ngó ngàng và lạnh nhạt, thường tranh cãi về tiền bạc trong nhà. Tối anh thường đi nhậu, khi về nhà đều hăm doạ giết, vu khống gia đình lấy hết của cải, xúc phạm ba mẹ chị. Anh chê trách chị không lo cơm nước, không ủi quần áo, nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng.

“Tôi luôn bênh anh ấy nhưng anh bị người ngoài tác động nhiều. Tôi sợ hãi không nuôi nổi 3 con nếu anh ấy bỏ đi. Dần dần, hai vợ chồng ly thân, phòng ai nấy ở, anh ấy không ăn cơm nhà, dù tôi nhiều lần níu kéo”, chị khóc kể lại.

Đến một ngày, chị có dịp đi Đà Nẵng hơn 1 tháng. Con gái lớn kể với mẹ thấy ba tiếp tục nhắn tin với người phụ nữ đó. Khi trở về, chị nhờ người bạn thân theo dõi, thì thấy anh hay chở một cô gái. Một lần khác, chị tận mắt nhìn thấy anh cùng cô “bạn thân” chạy xe song song, khi anh đưa cô ấy về tận nhà. Chị hẹn cô ấy ra nói chuyện, khẳng định đã biết mối quan hệ của hai người, quyết sẽ “thôi chồng”, tặng anh cho cô ấy.

Câu chuyện đầy nước mắt về người phụ nữ đánh đổi cả thanh xuân cuối cùng không nghề nghiệp, tiền bạc, nhận lại cuộc hôn nhân đổ vỡ - Ảnh 2.

tiến sĩ Tô Nhi A thổ lộ: Việc trách cứ bản thân có thể là một sai lầm kế tiếp, đó là chị không yêu thương chính mình. Chồng chị không yêu thương gia đình, nhưng xin chị hãy yêu lấy bản thân.

Chị trách móc người chồng: “Cô gái kia không biết mặt trái, con người xấu xa của anh ấy, tôi không trách cô ấy mà trách chồng nhiều hơn. Tôi hối tiếc những ngày tháng hết lòng vì gia đình vừa đi làm, vừa chăm con. Hiện tại, tôi 45 tuổi, dành cả thanh xuân để lo cho gia đình, không nghề nghiệp, tiền bạc trong tay nhưng cuối cùng nhận lại cuộc hôn nhân đổ vỡ. Tôi hy sinh tất cả, nhưng cuối cùng không còn lại gì ngoài con cái và thực sự hối hận khi lập gia đình với người đàn ông đó. Thời trẻ tôi có nghề nghiệp, được ba mẹ cưng chiều, dù gia đình không khá giả vẫn cảm thấy tốt hơn bản thân hiện tại”.

Sau lần đó, chị làm đơn ly hôn, và không nhận bất cứ tiền hay của cải nào của chồng. Nhưng vì không đủ điều kiện kinh tế, chị vẫn phải sống chung nhà để chăm lo cho 3 con. Anh là người chu cấp cho 3 con. Lý do chị làm vậy, là chị muốn tâm trí chị được bình an, nhẹ nhàng, không ràng buộc.

Lắng nghe câu chuyện, tiến sĩ Tô Nhi A thổ lộ: “Việc trách cứ bản thân có thể là một sai lầm kế tiếp, đó là chị không yêu thương chính mình. Chồng chị không yêu thương gia đình, nhưng xin chị hãy yêu lấy bản thân.  Phụ nữ lo cho ai cũng được nhưng trước tiên phải lo cho bản thân, tự tin thì mới có tiếng nói. Cuối cùng, tôi mong chị ngưng dằn vặt bản thân lại bởi nó đã qua. Chị không thể tiến một bước thật dài, nhưng hãy đi từ những bước chân nhỏ, chị chắc chắn sẽ hạnh phúc. Ly hôn không chỉ là giải thoát khỏi chồng mà cho chính bản thân chúng ta. Mình đảo chiều trong suy nghĩ, nhưng quan trọng sau lần tâm sự, chị sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn”.