Các bị cáo tại tòa sáng 30/12 - Ảnh: Hoàng Điệp |
Ngày 30/12, HĐXX TAND TP.Hồ Chí Minh xét xử vụ án buôn lậu với các bị cáo nguyên là cán bộ công an, nhân viên làm dịch vụ xuất nhập cảnh công an TP.Hồ Chí Minh có hành vi buôn lậu ôtô từ Mỹ về Việt Nam, thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.
Việt kiều được trả từ 1 đến 9000 USD mỗi suất
HĐXX đã đưa ra xét xử các bị cáo Nguyễn Giang Lam (40 tuổi, nguyên cán bộ công an làm việc tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh công an TP.Hồ Chí Minh), Trần Phước Thạnh (48 tuổi), Nguyễn Quang Vinh (33 tuổi), Trần Thái Nguyên (33 tuổi, cả 3 bị cáo này đều làm dịch vụ thủ tục xuất nhập cảnh tại phòng quản lý xuất nhập cảnh công an TP.Hồ Chí Minh).
Đây là vụ buôn lậu nhờ vào việc lợi dụng các quy định tại thông tư của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về việc hướng dẫn nhập khẩu ôtô đang sử dụng theo dạng tài sản di chuyển của người Việt ở nước ngoài đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam.
Vinh và đồng phạm tổ chức buôn lậu ôtô từ Mỹ về Việt Nam bằng hình thức thuê các Việt Kiều hồi hương đứng tên nhập khẩu ôtô, làm giả thủ tục hồ sơ xuất nhập cảnh để mang về Việt Nam tiêu thụ thụ.
Nguyễn Quang Vinh, Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên đã móc nối với Nguyễn Giang Lam thỏa thuận mua tiêu chuẩn nhập khẩu ôtô theo diện Việt kiều hồi hương rồi nhớ các cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ công an đóng dấu xuất nhập cảnh khống, hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu xe.
Có mặt tại tòa trong phần thẩm vấn, một số Việt kiều thừa nhận họ được Nguyễn Giang Lam móc nối và bán lại suất này cho Lam.
Với 54 Việt kiều cho thuê mướn tên nhập khẩu trái pháp luật, hiện có 9 người xuất cảnh, 4 người được mời nhưng không đến làm việc, một số người đã chết. Những Việt kiều thừa nhận số tiền được nhận từ các suất mua bán này là từ 1 đến 9.000 USD. Hiện có 22 Việt kiều đã làm đơn tự nguyện nộp lại tiền để khắc phục hậu quả với tổng số tiền là 915 triệu đồng và 4.300 đôla.
Mỗi hồ sơ xong, cán bộ công an nhận 10.000 USD
Quá trình điều tra xác định từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2012, Nguyễn Quang Vinh cùng đồng phạm đã làm thủ tục nhập khẩu ôtô, môtô đứng tên 64 Việt kiều, trong đó có 50 trường hợp được thuê mướn đứng tên nhập khẩu trái pháp luật.
Cáo trạng xác định hành vi phạm tội của Nguyễn Giang Lam (cán bộ phòng quản lý xuất nhập cảnh công an TP.Hồ Chí Minh) là lợi dụng chức vụ được giao, trực tiếp ký xác nhận tình trạng của Việt kiều hồi hương để họ được nhập hộ khẩu thường trú.
Lam đã trực tiếp giới thiệu Nguyễn Quang Vinh với 36 Việt kiều và đóng dấu khống xuất nhập cảnh của các Việt kiều trên hộ chiếu nhưng thực chất không đi ra nước ngoài. Mỗi người giới thiệu, Lam được trả 10.000 USD, tổng cộng Lam hưởng lợi bất chính 360.000 USD.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Quang Vinh khai đã nhờ Lam đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh khống của cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an vào hộ chiếu cho 19 Việt kiều, trong số này 16 Việt kiều khai đã đóng dấu khống.
Ngoài ra, Vinh còn khai cán bộ công tác tại cục A72 Bộ công an đã giới thiệu Vinh để thuê Việt kiều thực hiện việc buôn lậu.
Kết quả điều tra cũng cho thấy Trần Phước Thạnh đã nhờ Nguyễn Thế Hải (cán bộ phòng quản lý xuất nhập cảnh công an TP.Hồ Chí Minh) đóng dấu khống vào hộ chiếu cho 6 Việt kiều. Điều này đã được Nguyễn Thế Hải và 3 Việt kiều thừa nhận.
Bị cáo Nguyễn Giang Lam không thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cho rằng không vi phạm pháp luật, tuy nhiên căn cứ vào lời khai đối chất với các Việt kiều và các tài liệu chứng cứ, đủ cơ sở xác định Lam là đồng phạm với Vinh trong việc buôn lậu 36 ôtô và Lam thu lợi 360.000 USD.
Tại tòa, Nguyễn Giang Lam phủ nhận toàn bộ nội dung cáo trạng cũng như lời khai của các bị cáo. Tuy nhiên, có mặt tại phiên tòa, những Việt kiều đã từng được Nguyễn Giang Lam mua suất tên đều xác nhận bán lại các suất này trực tiếp cho Lam.
Phiên tòa do thẩm phán Vũ Thanh Lâm làm chủ tọa, có đến 109 người có quyền và nghĩa vụ liên quan được triệu tập, trong đó có nhiều người là cán bộ công an thuộc cục A72.
Theo báo cáo của thư ký, nhiều nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đã không đến tòa. Chủ tọa phiên tòa cho biết trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết thì HĐXX sẽ thực hiện việc áp giải những người này đến tòa để phục vụ cho việc xét xử được công minh và khách quan.
.
Đã kê biên 38 xe Tháng 12/2014, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản đối với 38 ôtô, số còn lại đã được ủy thác cho các tỉnh thành thực hiện kê biên. Thông qua việc nhập lậu 54 ôtô dưới dạng Việt kiều hồi hương, các bị cáo Thạnh, Vinh, Nguyên đã chia nhau hưởng lợi. Đến nay, gia đình Nguyên đã nộp được 850 triệu đồng, Thạnh nộp 556 triệu đồng và Vinh nộp 200 triệu đồng khắc phục hậu quả. |