Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chàng trai miền núi trở thành thủ khoa của Đại học Kiến trúc

Mai Châm
Mai Châm

Thanh Lịch (tên thật là Lò Văn Lịch, sinh năm 2000) - thủ khoa đồ án tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội luôn cố gắng vươn lên trong học tập và làm việc, với tâm niệm học thay cho người mẹ không biết chữ.

Với những nỗ lực và tâm huyết trong nghề, sau khi tốt nghiệp đại học không lâu, Thanh Lịch đã gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực thời trang, dù tuổi đời còn rất trẻ.

Thành tích nổi bật của nhà thiết kế (NTK) Thanh Lịch có thể kể đến như: Top 30 thiết kế Quốc phục cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019, đại diện NTK Việt Nam trình diễn tại Bangkok Kids International Fashion Week 2023, một trong 16 NTK trình diễn trang phục truyền thống tại Thái Lan Fashion Week 2022...

IMG_3331.JPG
Thủ khoa đồ án tốt nghiệp Lò Văn Lịch nhận bằng cử nhân (Ảnh: NVCC).

Trở thành Nhà thiết kế thời trang chưa từng đi học vẽ

Sinh ra và lớn lên nơi vùng quê nghèo khó, gia đình lại khó khăn về kinh tế, Lịch chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi học đại học. Trước đây, Lịch có ý định sẽ đi làm công nhân giống các anh chị. Nhưng sau khi học xong lớp 12 được mẹ động viên, Lịch quyết định đăng ký một nguyện vọng vào ngành thiết kế thời trang Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Chia sẻ về hoàn cảnh sống của mình, Lịch nói: “Nơi mình sống là ở một vùng quê, mình không biết về nghệ thuật hay thời trang, nhiều khi từ nhỏ quần áo còn không có để mặc chứ đừng nói đến việc mặc đẹp. Nhưng khi lớn lên, mình bắt đầu thích những cái đẹp, thích được nhìn thấy mọi người mặc quần áo đẹp, nên mình đã nghĩ nếu được đi học mình sẽ học về thiết kế thời trang.

Từ bé đến giờ mình chưa bao giờ đi học vẽ, chỉ là ngày xưa học môn mỹ thuật mình thấy rất hứng thú. Mình thường tự vẽ ở nhà, vẽ chân dung tặng thầy cô hay tham gia vẽ báo tường trên trường.

Việc vẽ tranh đối với mình đơn giản chỉ là năng khiếu và sở thích, mình cũng mong rằng sau này sẽ trở thành một người sáng tạo ra những thứ đẹp đẽ nên khi có cơ hội đi học đại học, mình chỉ mua đúng một tờ giấy đăng ký và đăng ký một nguyện vọng duy nhất là ngành thiết kế thời trang”. 

IMG_2207.JPG
Dù là thủ khoa đồ án tốt nghiệp ngành thời trang nhưng Lịch cho biết anh chưa từng đi học vẽ (Ảnh: NVCC).

Lần đầu tiên xuống Hà Nội để thi cuộc thi năng khiếu vào trường Đại học Kiến trúc, Lịch thậm chí còn không biết mình phải thi những gì, anh phải hỏi cô bán họa cụ ở gần trường cần chuẩn bị những gì nhờ cô sắp xếp giúp để sáng hôm sau đi thi. May mắn là điểm thi vẽ của anh vừa đủ để đỗ vào trường.

Được nhiều hoa hậu, nghệ sĩ "chọn mặt gửi vàng"

Chia sẻ về cơ duyên khi có nhiều người nổi tiếng mặc trang phục mình thiết kế, Thanh Lịch nói: “Khi mình bảo vệ đồ án thành công, mình có đăng một vài hình ảnh lên mạng xã hội thì may mắn được nhiều anh chị làm trong ngành thời trang quan tâm. 

Trùng hợp vào dịp đó có chương trình kỷ niệm 120 năm du lịch Sapa, ekip của Hoa hậu Du lịch Việt Nam Lương Kỳ Duyên liên hệ với mình để tài trợ trang phục trình diễn tham gia chương trình đó.

Ngoài ra, thời điểm đó, ca sĩ Sèn Hoàng Mỹ Lam chuẩn bị ra mắt MV, chị cảm thấy những thiết kế của mình phù hợp với MV của chị nên chị đã quyết định liên hệ với mình. Đó cũng là một cơ hội để trang phục của mình được mọi người biết đến nhiều hơn”.

IMG_3652.JPG
Thanh Lịch chụp ảnh cùng những người đẹp diện trang phục do anh thiết kế (Ảnh: NVCC).

Học thay cho người mẹ không biết chữ

Khắc sâu trong tiềm thức tuổi thơ của Lịch là hình ảnh người mẹ nuôi tằm dệt vải, anh tâm sự: “Mẹ cặm cụi dệt vải để nuôi mình ăn học, tạo nguồn sống cho gia đình. Vải cũng chính là ước mơ của mình: Ước mơ được đi học, được sống với thời trang.

Mẹ mình là người không biết chữ nên chỉ cần mình học tốt đã là phấn đấu thay phần của mẹ.

Dù là một người không được học hành nhưng mẹ đã dành hết tâm huyết, dành hết hy vọng, dành hết cơ hội, dành hết niềm đam mê để cho mình đi học. Vì cuộc sống mưu sinh, nên mẹ đã gấp gọn lại niềm đam mê với vải.

Hiện tại mẹ mình đang đi làm thuê ở thành phố. Mình cũng thủ thỉ với mẹ bây giờ con kiếm được tiền rồi mẹ không cần đi làm nữa, nhưng mẹ vẫn muốn làm. Từ nhỏ đến giờ mình chưa bao giờ thấy mẹ muốn nghỉ ngơi, mẹ lúc nào cũng tần tảo để cho mình một cuộc sống tốt đẹp nhất”.

Chính sự hy sinh của mẹ đã cho anh nguồn cảm hứng đưa hình ảnh người phụ nữ vào đề án tốt nghiệp mang tên “Dệt ước mơ trên cao nguyên đá”.

Người trong giới thời trang thường gọi anh với cái tên “người vẽ ước mơ trên cao nguyên đá”, vì đó là quê hương của anh, anh luôn tự hào về xuất phát điểm của mình, về nơi mình sinh ra và lớn lên. Đó cũng chính là nơi mà anh đã đưa mình đi tìm cảm hứng.

Ảnh bìa.jpeg
 Thanh Lịch đang theo đuổi con đường trở thành nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp (Ảnh: NVCC).

Hồi nhỏ anh thường bị bạn bè trêu chọc: “Nhà thì nghèo, mẹ thì không biết chữ mà vẫn đi học à?”, nhưng anh chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, hoàn cảnh của mình càng khó khăn thì mình càng phải đi học, càng phải cố gắng nhiều hơn. 

Trong suốt 5 năm học tại Đại học Kiến trúc, đã nhiều lần Lịch muốn bỏ cuộc, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của nhà trường và thầy cô, sự động viên của gia đình, anh đã cố gắng đi học để lấy tấm bằng đại học.

Nhiều người hay có định kiến với những người sinh ra và lớn lên ở vùng quê là không có phong cách thời trang. Còn các bạn ở thành phố, từ nhỏ được tiếp xúc với thời trang sẽ có một phong cách hiện đại hơn. Điều đó khiến anh suy nghĩ suy nghĩ rất nhiều.

Thanh Lịch cho rằng: “Vậy những người có xuất phát điểm khó khăn hơn thì không có phong cách thời trang hay sao?  Những người được mặc đẹp từ nhỏ mới có phong cách còn những người từ nhỏ không có gì mặc thì phong cách thời trang không đẹp sao?  

Chính vì những định kiến đó nên mình luôn cố gắng để chứng minh điều đấy là sai, vì mình biết rằng điểm xuất phát cũng chỉ là xuất phát điểm, quan trọng nhất vẫn là cả một hành trình mình cố gắng”, Lịch nói.

Trong tương lai, Thanh Lịch mong muốn sẽ có một thương hiệu riêng, sáng tạo ra thật nhiều trang phục có giá trị.

Lê Nga