Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chào 2018!


Niềm vui tuổi trẻ. Ảnh minh họa
 
1. Donald Trump và câu nói “Make American great again” 
 
Có lẽ, đáng nói nhất với thế giới chính là việc ngày 20/1/2017, ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 45. Các nhà quan sát đang chờ đợi nhiều chính sách sẽ đảo lộn một khi ông Trump đã hô hào khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” trong quá trình tranh cử. Nhiều câu hỏi vẫn còn treo lơ lửng: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đi về đâu sau khi Mỹ rút khỏi TPP? Chiến lược tái cân bằng ở Châu Á-Thái Bình Dương được thực hiện dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama sẽ tiếp tục hay bị hủy bỏ? Số phận hàng triệu người nhập cư “lậu” ở Mỹ sẽ ra sao? Mỹ sẽ giải quyết thế nào với làn sóng người di cư đang trở thành gánh nặng cho châu Âu? Tình hình “sói đơn độc” khủng bố liệu sẽ gia tăng nếu những người di cư và người theo Hồi giáo bị Mỹ tẩy chay?

2. Trung Quốc và biển Đông dậy sóng
 
Sau khi Tòa Trọng tài La Haye (Hà Lan) công bố phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc vào ngày 12/7/2016, các nhà quan sát ghi nhận Trung Quốc đã tương đối kiềm chế thực hiện những hành động gây căng thẳng trên biển Đông. Trung Quốc không còn thường xuyên công khai “diễu võ dương oai” về quân sự hay hăm dọa thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Điểm nóng bãi cạn Scarborough đã nguội dần sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xa Mỹ, gần Trung. Với động thái kiên nhẫn chiến lược, Trung Quốc đang cố phát triển mặt trận ngoại giao và bước đầu đã lôi kéo Philippines và Malaysia vào vòng ảnh hưởng. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã tuyên bố sẽ cùng 10 nước ASEAN xây dựng đề cương COC vào giữa năm 2017. 
 
3. Brexit và khủng bố giữa thời bình
 
Ngoài Brexit (chỉ việc nước Anh rời khỏi EU), khủng bố là một trong những vấn đề làm môi trường kinh tế toàn cầu trở nên phức tạp thêm. Trong năm 2016, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phải chịu thất bại quân sự thảm hại.
 
Tại Iraq, từ giữa tháng 10/2016, các lực lượng của chính phủ Iraq cùng dân quân người Kurd và liên quân bán quân sự Hashd al-Sha’bi được liên minh chống IS yểm trợ đã mở chiến dịch tái chiếm TP Mosul, hang ổ cuối cùng của IS ở Iraq.
 
Tại Syria, các lực lượng người Kurd và Ả Rập đã mở chiến dịch tái chiếm của IS ở Raqqa từ đầu tháng 11/2016. Tại Libya, quân đội của chính phủ đoàn kết dân tộc đã dồn các phần tử IS cuối cùng co cụm tại TP Sirte.
 
Từ các chiến trường khốc liệt ở Trung Đông, các phần tử IS có thể sẽ tháo chạy trở về quê hương “nổi lửa khủng bố tại quê nhà”. Châu Âu, Mỹ và Châu Á đều đã chuẩn bị cho “kịch bản” này.
 
Pháp rất lo ngại nguy cơ khủng bố tiếp tục đè nặng trong năm 2017, đặc biệt vào thời điểm Pháp tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội (từ tháng 4 đến 6/2017). Ngày 21/11/2016, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo IS, Al Qaeda và các nhóm liên kết đã lên kế hoạch tấn công khủng bố ở Châu Âu, đặc biệt trong mùa lễ hội. Cảnh báo này có giá trị kéo dài đến ngày 20/2/2017.

Ngày hôm nay, ngày mai mới đáng để tin yêu và hy vọng. Ảnh minh họa

4. Việt Nam đăng cai APEC
 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định trọng tâm chính sách đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 là đăng cai tổ chức thành công Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
 
Năm APEC 2017 thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát triển thịnh vượng. Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Năm APEC sau lần tổ chức thành công vào năm 2006. Năm APEC 2017 khẳng định quyết tâm của Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương, chuẩn bị cho Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020–2021 và nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018.
 
Đó là những câu chuyện lớn lao, những câu chuyện chúng ta nghe nhiều nhưng có khi lại hiểu ít. Bố mẹ tôi, hàng xóm nhà tôi, bạn bè tôi lại quan tâm đến những sự kiện đời thường hơn. Một người vợ chặt đầu chồng, một người bà giết cháu, bố và mẹ kế bạo hành con trong suốt 2 năm, người giúp việc đánh con trẻ dã man khi bố mẹ chúng không có ở nhà. Có người bảo tôi rằng bây giờ đạo đức là thứ xa xỉ, là thứ người ta chấp nhận sống mà không có cũng chẳng sao. Tôi không muốn tin vào những đau đớn ấy, vì tôi cho rằng cuộc sống này có đủ những tuyệt vọng rồi. Quá  ít niềm tin vào cuộc sống, mới đây thôi, một ca sĩ Hàn Quốc tự kết liễu cuộc đời mình khi đang ở đỉnh cao của danh vọng. Chúng ta gọi đó là hệ hụy của thế giới phẳng, khi càng có cơ hội được gần nhau thì lại càng thấy cô đơn. Nhưng tôi cho rằng, thật ra, muốn sống hy vọng, sống lạc quan hay không lại là lựa chọn của mỗi người. Tôi chọn cho mình cách tìm thấy những an yên trong tâm hồn bằng việc mỗi ngày đều xem chương trình Việc Tử Tế. Không cần mơ ước sẽ trở thành một người thành đạt, nhưng hãy gắng sao để làm một người sống tử tế, chắc cũng là đủ. Cứ mỗi ngày dòng chữ “Trao cơ hội đi học, cho cơ hội đổi đời” chạy trên màn hình, một niềm vui nho nhỏ lại được nhân lên. 
 
Những vui buồn của một năm sẽ theo những tờ lịch mẹ tôi đã xé bước về phía sau. 365 ngày mới mẻ đang nằm chờ những hạnh phúc, những thành tựu mới. Mong những ai còn đang dở dang dự định của mình sẽ vững tâm bước tiếp, mong những ai sắp có một khởi đầu sẽ “chân cứng đá mềm”. Những gì đã qua, dù chẳng cho qua, nó cũng đã qua rồi. Ngày hôm nay, ngày mai sau mới đáng để hy vọng, để tin yêu. 
 
Chào 2018!
 
 Những vui buồn của một năm sẽ theo những tờ lịch đã xé bước về phía sau. 365 ngày mới mẻ đang chờ những hạnh phúc, những thành tựu mới. Mong những ai còn đang dở dang dự định của mình sẽ vững tâm bước tiếp, mong những ai sắp có một khởi đầu sẽ “chân cứng đá mềm”…

 

Phạm Hồ Linh Phương/GĐTE

Tin liên quan