Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chính phủ thảo luận giải pháp thu hút, giữ chân các tập đoàn lớn thế giới

Thanh Nhung
Thanh Nhung

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích, dự báo tình hình tháng 3 và thời gian tới; những công việc cần làm để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ (như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh)…

1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 (Ảnh: Nhật Bắc)

 

Ngày 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.

Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đồng chí Đinh Văn Ân-Trợ lý Tổng Bí thư.

Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi sẽ phân bổ cho 3 nhóm nhiệm vụ

Phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; những trọng tâm chỉ đạo trong tháng 3 và thời gian tới.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình tháng 2 có gì mới, và khác so với tháng 1, đặc biệt tác động của các cuộc xung đột trên thế giới tới hoạt động logistics trên toàn cầu; những điểm nhấn, điểm nổi bật trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm.

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu phân tích, dự báo tình hình tháng 3 và thời gian tới; những công việc cần tập trung, những nhiệm vụ cần triển khai để năm 2024 tăng tốc thực hiện mục tiêu của cả nhiệm kỳ. 

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến những công việc cần làm để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ (như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính), việc đẩy mạnh triển khai Đề án 06…

Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết phiên họp và phân công công việc cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, tinh thần là có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho những công việc có tính lan tỏa cao, tạo động lực, phản ánh chính sách kịp thời hơn… để hoàn thành mục tiêu năm 2024, góp phần thực hiện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

Thủ tướng cũng cho biết, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 dự kiến sẽ được phân bổ cho 3 nhóm nhiệm vụ (bảo đảm an ninh quốc phòng; đầu tư phát triển; an sinh xã hội).

3.jpg
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành (Ảnh: Nhật Bắc)

 

Tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 4,3 tỷ USD

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về tình hình KT-XH tháng 2 và 2 tháng đầu năm, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, 2 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển biến tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển cả năm. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 3,98% so với cùng kỳ, tính chung 2 tháng tăng 3,67%; Thu ngân sách nhà nước 2 tháng ước đạt 23,5% dự toán, tăng 10,4% so với cùng kỳ.

"Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng 18,6%, 19,2% và 18%; ước xuất siêu 4,72 tỷ USD”, ông Dũng thông tin, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ (vốn đăng ký mới đạt 3,6 tỷ USD, tăng 55,2%).

Vốn thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp FDI vào triển vọng phục hồi tăng trưởng, sự ổn định và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. 

“Đây là cơ hội để nước ta tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, khai thác tối đa thời cơ, thuận lợi để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới, ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

4.jpg
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về tình hình KT-XH tháng 2 và 2 tháng năm 2024 (Ảnh: Nhật Bắc)

 

Hỗ trợ, quà Tết cho 13,9 triệu đối tượng chính sách khoảng 7.762 tỷ đồng

Đặc biệt, theo Bộ trưởng KH&ĐT, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ Tết được triển khai đầy đủ, kịp thời, có đổi mới và thiết thực hơn, với tổng số tiền đạt gần 20.000 tỷ đồng. 

Trong đó đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho 13,9 triệu đối tượng chính sách theo chế độ, với kinh phí khoảng 7.762 tỷ đồng; xuất cấp 12.700 tấn gạo cứu trợ, cứu đói cho gần 850.000 nhân khẩu trong dịp Tết và giáp hạt đầu năm. 

Nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho người lao động, đối tượng chính sách được tổ chức, nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chúng ta triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thúc đẩy việc làm, sinh kế cho người dân. Ngành du lịch đã đón khoảng 10,5 triệu lượt khách nội địa trong thời gian nghỉ Tết, tăng 16,6% so với dịp Tết năm 2023.

Về triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đến ngày 26/2, có 45/48 địa phương đã giao chi tiết 24,37 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đạt 89,5% kế hoạch (bao gồm: 24,22 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 470,602 tỷ đồng vốn nước ngoài). 

“Ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 2 đạt 3,29 nghìn tỷ đồng (15% kế hoạch)”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Thắng không kiêu, bại không nản

Về quan điểm chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, nhất là các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Tinh thần đặt ra là phải chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo điều hành. Theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. 

Thủ tướng yêu cầu: “Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản". 

Bên cạnh đó, nêu cao tinh thần tự giác, chủ động, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. “Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn: đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn; đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực lớn hơn; đã hành động quyết liệt rồi thì phải hành động quyết liệt hơn nữa”, Người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ các nhiệm vụ của tháng 3, Quý I gắn với nhiệm vụ cả năm và cả nhiệm kỳ, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả.

Định hướng điều hành đối với một số lĩnh vực trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (theo đúng Kết luận 64 của Trung ương).

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; phát triển công nghiệp văn hóa; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Giao các nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đề nghị các cơ quan rà soát kỹ, góp ý kiến, gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp để trình ban hành kèm theo Nghị quyết phiên họp.

 

.

 

Tin liên quan