Tuyên truyền cho học sinh tại Tây Ninh về phòng chống mua bán người. Ảnh CTV
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến hết năm 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người. Qua điều tra, rà soát cho thấy: trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em; trên 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơn và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hơn 70% nạn nhân làm nông nghiệp hoặc không có việc làm; 37,2% không biết chữ và khoảng 6,8% nạn nhân là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên; trên 98% nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, trong đó chủ yếu sang Trung Quốc (trên 90%); đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (gần 80%).
Theo quy định, nhiều chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về thực hiện rất kịp thời và nhân văn tại các cơ sở bảo trợ xã hội và cộng đồng: 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, hỗ trợ pháp lý; trên 50% nạn nhân được trợ cấp khó khăn, học văn hóa - học nghề, vay vốn lãi suất thấp để phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng.
Với các nạn nhân bị mua bán sau khi được tiếp nhận, không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố, trước khi trở về địa phương được bố trí nơi lưu trú, hỗ trợ cần thiết tại Cơ sở hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố và được hỗ trợ tiền tàu xe để trở về nơi cư trú.
Với các nạn nhân bị mua bán sau khi được tiếp nhận, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố, khi trở về đã được ngành LĐTBXH phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu, căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ học nghề để họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng; với nạn nhân là trẻ em, chính quyền địa phương đã hướng dẫn thủ tục làm giấy khai sinh cho các bé.
Việc hỗ trợ cho các nạn nhân đảm bảo quy định về nội dung, định mức chi theo quy định của Nhà nước (Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 25/9/2013 của Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH về việc hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP).
Để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, ngày 12/8/2016, Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định 1057/QĐ-LĐTBXH. Qua đó, đã tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng; đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân, thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trong thực tế, đã nảy sinh những bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều nơi chưa thực sự quan tâm, nhiều chính sách thực hiện chưa đồng bộ; mức hỗ trợ tiền ăn, khám bệnh trong thời gian tạm trú ở cơ sở bảo trợ xã hội còn thấp; thủ tục hỗ trợ khó khăn ban đầu, vay vốn còn rườm rà; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở tiếp nhận nạn nhân còn thiếu thốn, hạn chế… Ngoài ra, nhu cầu về việc làm, có thu nhập là một nhu cầu chính đáng của người lao động nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ. Một số người có tâm lý không muốn làm nhưng muốn hưởng thụ cuộc sống sung sướng đã trở thành nạn nhân của mua bán người hoặc bất chấp pháp luật trở thành tội phạm trong đường dây mua bán người.
Cuộc thi tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người. Ảnh CTV
Một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới
Tại Hội thảo Rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về (cuối năm 2018), Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp cụ thể để sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân cho phù hợp với tình hình thực tiễn, Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền công dân, quyền con người theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời nghiên cứu, tham khảo quá trình xây dựng chính sách pháp luật của các tổ chức quốc tế.
Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 2546/QĐ-TTg, Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg; Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1057/QĐ-LĐTBXH; Nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật về công tác hỗ trợ nạn nhân, từ đó đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; Triển khai xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng trên phạm vi toàn quốc; Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân trong cơ sở bảo trợ xã hội tại các địa phương; Phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về tình hình nạn nhân bị mua bán; tham mưu, đề xuất với Bộ trình Chính phủ, UBQG tổ chức ký kết hợp tác song phương/đa phương với các nước (trước hết là các quốc gia có chung đường biên giới) nhằm hạn chế những rào cản trong việc xác minh, giải cứu, hồi hương và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng và xử lý các tội phạm liên quan tới tệ nạn xã hội nói chung.
Trong năm 2018, cả nước xảy ra 211 vụ mua bán người với 276 đối tượng, 386 nạn nhân; lực lượng Công an, Biên phòng khởi tố 200 vụ, 261 bị can về tội MBN, mua bán trẻ em; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 130 vụ, với 233 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 116 vụ, với 213 bị cáo.
Mai Anh/TC GĐ&TE