Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chính thức bỏ Giấy khen và danh hiệu “Học sinh tiên tiến”

(Dân sinh) - Việc khen thưởng danh hiệu “Học sinh tiên tiến” từ trước đến nay sẽ không còn tồn tại theo quy định mới về đánh giá học sinh THCS và THPT của Bộ GD&ĐT, áp dụng từ lớp 6 năm nay và với các khối lớp khác ở những năm tới. Như vậy, chỉ còn giấy khen cho danh hiệu Học sinh xuất sắc và Học sinh giỏi.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT.

Với thông tư mới, các trường không xét công nhận học sinh giỏi hay tiên tiến mà khen thưởng danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc dựa trên kết quả học tập, rèn luyện.

Chính thức bỏ Giấy khen và danh hiệu “Học sinh tiên tiến” - Ảnh 1.

Giấy khen học sinh tiên tiến gắn liền với bao thế hệ học trò sẽ chính thức bị xóa bỏ từ ngày 5/9/2021, bắt đầu với học sinh lớp 6.

Bên cạnh đó, hình thức đánh giá cũng thay đổi. Một số môn giáo viên đánh giá bằng nhận xét, một số môn kết hợp nhận xét và điểm số.

Điểm trung bình tất cả môn học cũng bị bỏ. Thay vào đó, giáo viên nhìn vào thực chất từng môn học, không phân biệt môn chính, môn phụ để đánh giá học lực của học sinh.

Cụ thể, kết quả học tập ở những môn này được đánh giá theo một trong 4 mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Học sinh sẽ được xếp mức Tốt nếu tất cả môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt; tất cả môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 8 trở lên.

Học sinh xếp mức Khá khi tất cả môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt; tất cả môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 6,5 trở lên.

Học sinh được xếp mức Đạt khi có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức Chưa đạt; ít nhất 6 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số từ 5 trở lên, không có môn nào dưới 3,5 điểm. Các trường hợp còn lại xếp mức Chưa đạt.

Trong khen thưởng, học sinh cũng nhận danh hiệu học sinh xuất sắc khi ngoài kết quả học tập, rèn luyện chung cần có ít nhất 6 môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn từ 9 trở lên.

Như vậy, nếu so với các thông tư trước đây, việc khen thưởng danh hiệu "Học sinh tiên tiến" không còn tồn tại. Vấn đề này đã được ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Trước đây, chúng ta có khen thưởng danh hiệu "Học sinh tiên tiến" và "Học sinh giỏi" thì nay đưa ra các mức khen thưởng "Học sinh giỏi" và "Học sinh xuất sắc", về cơ bản chỉ là cách gọi các mức khen thưởng. Khái niệm "tiên tiến" trước đây liên quan đánh giá hạnh kiểm từ loại Khá trở lên, còn danh hiệu "Học sinh xuất sắc" và "Học sinh giỏi" giờ đây đánh giá mức đạt được yêu cầu phẩm chất và năng lực học sinh. Ngoài ra, khi chúng ta để mức "Học sinh tiên tiến" như trước thì số lượng học sinh đạt danh hiệu này sẽ quá nhiều, mà khi danh hiệu nhiều dẫn đến không còn giá trị, động lực phấn đấu cho học sinh".

Thông tư 22 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021, tuy nhiên, việc đánh giá học sinh theo Thông tư này được thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2021 - 2022, áp dụng với học sinh lớp 6. Từ năm học 2022 - 2023, áp dụng với học sinh lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023 - 2024, áp dụng với học sinh lớp 8 và lớp 11. Từ năm học 2024 - 2025, áp dụng với học sinh lớp 9 và lớp 12.