Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

"Chọn mặt gửi vàng"

(Dân sinh) - Hôm nay 23/5, hơn 69.198.594 cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Dù cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh cả nước đang phải gồng mình đương đầu với đại dịch Covid-19, song không khí hân hoan của ngày bầu cử vẫn lan tỏa trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử, với những dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ và vị thế như hôm nay.

"Chọn mặt gửi vàng" - Ảnh 1.

Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đang cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, cuộc bầu cử càng trở nên có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề vững chắc góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế.

Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND biểu hiện sinh động về dân, là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Lá phiếu cử tri là biểu hiện sinh động cho quyền dân chủ của mỗi công dân

Thông qua cuộc bầu cử, cử tri cả nước sẽ trực tiếp cầm lá phiếu để tự lựa chọn đại biểu của mình tại Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta và tại HĐND các cấp - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Sự lựa chọn của cử tri là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo hành lang pháp lý, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân; thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đóng góp rất lớn vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đảng ta đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ở từng tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chính vì mang ý nghĩa quan trọng như vậy, nên cử tri cần hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm khi đưa ra những quyết định thể hiện trong lá phiếu. Cử tri cần tự mình tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn đại biểu, cơ cấu cần thiết của Quốc hội, HĐND các cấp, số lượng ứng cử viên và số đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử. Ứng cử viên ghi trong phiếu bầu cử là những người đã được lựa chọn qua hội nghị hiệp thương, đều đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi cầm lá phiếu trên tay, cử tri cần cân nhắc, lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu, có kiến thức, năng lực phản ánh được ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân với cơ quan dân cử.

Những ngày qua, thông tin về các ứng viên đã được cung cấp đầy đủ đến từng hộ dân. Lần đầu tiên, mỗi cử tri đều có thể trực tiếp nắm bắt những thông tin quan trọng về các ứng viên thông qua văn bản được cấp phát tận nơi cư trú nhằm giúp mỗi người dân, dù ở tầng lớp nào, địa phương nào, bất kể trình độ nào, làm việc trong mọi lĩnh vực, đều có thể hiểu rõ chương trình hành động cùng những lời hứa của ứng viên, nắm bắt một cách sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ của mình thông qua lá phiếu bầu cử.

Lựa chọn những đại biểu thực sự ưu tú, tài đức, xứng đáng nhất trong số những người ứng cử để bầu và cơ quan dân cử chính là cử tri và nhân dân đã "chọn mặt gửi vàng", do vậy cử tri cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với mỗi lá phiếu của mình.