Tìm kiếm thông tin tại trung tâm giới thiệu việc làm.
“Tôi không muốn nhận những người thụ động”
Đang là sinh viên năm 3 khoa ngoại ngữ trường ĐH KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Trang đã xin làm bán thời gian cho một tờ báo điện tử chuyên về thể thao. Sau hơn 1 năm đảm nhiệm công việc biên dịch các bài viết về bóng đá quốc tế, đến giờ Trang đã thuần thục trong nghề, được lãnh đạo tờ báo ngỏ ý sẵn sàng tiếp nhận làm việc chính thức với mức thu nhập hàng tháng hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, cô đã từ chối, chỉ “xin” được tiếp tục làm bán thời gian để có điều kiện tiếp tục con đường học vấn.
Trang chia sẻ: “Trước đây, tôi rất băn khoăn khi nghĩ với chuyện đi làm sớm khi còn đi học. Bởi lúc ấy, tôi hoàn toàn chưa hiểu gì về công việc của mình, hơn thế, lại còn hình dung ra nhiều khó khăn, rào cản, khi mình chưa hề có dù chỉ là một chút thông tin về những nơi mà mình có thể đến làm việc. Chỉ đến khi va chạm với thực tế công việc thì tôi mới hiểu rằng, mọi thứ không hẳn là quá khó khăn, và tôi có đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu của công việc. Từ đó, tôi tự tin hơn và quyết định dấn thân vào công việc tưởng không mấy phù hợp với phụ nữ, lại đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường lao động”.
Một trường hợp khác, Trần Văn Mạnh, sinh viên một trường đại học chuyên ngành kinh tế ở TP.Hồ Chí Minh, từng kiên quyết từ chối sự “rủ rê” đi làm thêm của một số bán bè để “chuyên tâm” cho việc học. Đến khi tốt nghiệp, anh nộp đơn vào 7 công ty khác nhau và đều bị… từ chối vì không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, thiếu nhiều kỹ năng. Sau hơn nửa năm tìm việc bất thành, anh quyết định… thi cao học. Nhưng ngay cả khi đã cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ, thì chặng đường tìm việc của anh cũng không hề dễ dàng hơn. Được nhận vào thử việc tại 3 công ty, anh đều bị loại do “hạn chế về khả năng thích ứng với môi trường làm việc” - theo nhận xét của cả 3 công ty mà anh đã thử việc.
Lại nhớ, tại một cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với sinh viên một trường đại học, chủ một doanh nghiệp đã từ chối cung cấp thông tin cho một số sinh viên, khi họ ngỏ ý muốn xin thông tin để tìm việc làm thêm. “Các bạn phải có ý thức chủ động khi tìm việc, chứ không thể cái gì cũng đi “xin” như vậy. Tất cả những gì các bạn đề nghị tôi cung cấp đều đã có trên website của công ty từ lâu rồi, ngoài ra còn rất nhiều thông tin khác về công ty có trên mạng. Tôi không muốn nhận những người có tư tưởng thụ động như vậy”, ông giải thích.
Đại diện nhiều doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh cho rằng, sinh viên cần có ý thức cũng như chuyên môn, kinh nghiệm làm việc ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường thì mới dễ dàng có việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều này cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nhân sự thích hợp.
Đi làm sớm để hiểu về công việc tương lai
Tại một buổi giao lưu với sinh viên ở TP.Hồ Chí Minh, ông Trần Anh Quốc Cường, Giám đốc Công ty Nông trại vui vẻ cho rằng, hiện vẫn còn nhiều sinh viên đến năm 4 mới bắt tay vào những công đoạn đầu tiên trong quá trình tìm việc. Như vậy là quá muộn. “Có lẽ các bạn sinh viên còn e ngại về mặt kiến thức cũng như chưa định hướng được nghề nghiệp những năm đầu ngồi ghế giảng đường đại học. Hơn thế, các bạn sinh viên khi còn đang học cũng như mới ra trường không nên câu nệ việc đi làm đúng với chuyên môn mình học. “Học ngành A, đi làm ngành B và thành công ở ngành C là bình thường. Quan trọng là biết dấn thân”, ông Cường nói.
Ở góc độ của một nhà tư vấn, bà Đỗ Nguyễn Hải Yến, marketing Director của CareerBuilder Vietnam (đơn vị tư vấn việc làm) chia sẻ một số “bí quyết” để sinh viên có thể tìm việc làm từ sớm một cách hiệu quả: Thứ nhất, luôn nhớ rằng bạn đi làm vì muốn học hỏi thêm kiến thức và tiếp thu kinh nghiệm chứ không phải mưu sinh. Bởi vì nếu bạn xác định sai mục tiêu, mọi sự tập trung và lĩnh hội của bạn sẽ hoàn toàn khác. Một mục tiêu sai lệch khiến bạn lãng phí thời gian và kết quả không đáp ứng được những gì mà bạn kỳ vọng.
Thứ hai, hãy chọn việc làm thêm gần với ngành học của mình hoặc nghề nghiệp tương lai mà bạn theo đuổi. Việc này có ý nghĩa rằng bạn đang bổ sung kiến thức cho ngành nghề mình lựa chọn, làm sáng tỏ hơn những cách thức mà công việc tương lai sẽ vận hành. Đồng thời, nó lại có giá trị bổ sung một cột mốc vào lịch sử kinh nghiệm làm việc của bạn, để công việc của bạn ngay khi ra trường đã có sẵn một dòng thể hiện kinh nghiệm cho vị trí ứng tuyển.
Thứ ba, cần phải biết cân đối thời gian và sức lực. Sắp xếp thời khóa biểu giữa việc học và đi làm sao cho thật hợp lý. Các bạn trẻ rất dễ rơi vào trường hợp vì quá mê công việc mà thiếu tập trung cho việc học, dẫn đến phải thi lại, kết quả học tập sa sút và tệ hơn nữa là nghỉ học. Không bao giờ được quên rằng nhiệm vụ chính của bạn là học.
Một vấn đề khác cũng được nhiều chủ doanh nghiệp và sinh viên tranh luận sôi nổi, đó là liệu có cần chọn công việc theo đam mê, sở thích của mình hay không? Nhiều sinh viên cho rằng, khi chọn công việc thì nên “lắng nghe trái tim”, vì có được việc làm đúng với sở thích, theo đuổi đam mê thì mới có thể có đủ nhiệt huyết để “bám nghề”. Tuy nhiên, với tư cách là những người có kinh nghiệm cả trong công việc lẫn tuyển dụng, nhiều chủ doanh nghiệp “phản bác” quan điểm trên. “Nếu chỉ chọn công việc theo đam mê thì chưa đủ. Chỉ nên chọn nghề mà bản thân có đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn ngành, nghề khi đã có hiểu biết đầy đủ; không chọn ngành xã hội không có nhu cầu và chọn nghề đáp ứng được những giá trị bản thân, coi trọng và có ý nghĩa”, ông Trần Đình Đạt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quân Đạt - doanh nghiệp chuyên sản xuất nhôm kính hàng đầu ở TP.Hồ Chí Minh cho biết.
“Một khi đã có việc làm từ sớm, khi còn đi học, thì bạn sẽ biết được rằng mình còn thiếu những gì, bạn cần nhanh chóng bổ khuyết, và môi trường học đường là vô cùng thuận lợi để bạn làm được điều đó. Còn nếu không, khi đã ra trường thì bạn sẽ phải rất vất vả để bổ khuyết những yếu kém, hạn chế của mình. Do đó, đi làm sớm là điều nên làm, vì nó không chỉ có lợi cho giai đoạn trước mắt, có có lợi về lâu dài, cho cả tương lai phía trước của bạn”, ông Trần Anh Tuấn đưa ra lời khuyên.