Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chữ Hòa

Từ lâu đã trở thành một nếp văn hóa lịch sử, thanh tao, trang trọng, thành kính mỗi độ xuân về, người Hà Nội lại quây quần bên Văn Miếu - Quốc Tử Giám cung kính ngắm nhìn các ông đồ.

“Hoa tay thảo những nét

Như rồng múa phượng bay”

                             (Vũ Đình Liên)

Các chữ Phúc, Đức, Lộc, Tâm, Nghĩa Nhân, Chí, Tín, Nhẫn... mang đậm chất nhân văn cao cả, trí tuệ sâu sắc. Tết Giáp Ngọ này người Hà Nội thanh lịch có một niềm khao khát, sự an lành, yên vui, đầm ấm, hạnh phúc. Chữ Hòa trở thành điều ước nguyện chân thành, gần gũi, gắn bó và thiêng liêng đối với con người.

“Hòa” nét chữ tượng hình của Trung Quốc xuất hiện thời văn hóa lúa nước mang một mơ ước thật giản dị, chữ Hòa gồm hai phần: Nửa bên trái vẽ hình cây lúa biểu tượng một cánh đồng vàng rộm, đang chờ thu hoạch.

Nửa bên phải là chữ khẩu (cái miệng) biểu tượng con người đang trông đợi sự no đủ tràn đầy. Chữ Hòa còn là hình tượng một cây sáo trúc “bên trái” trên miệng người “bên phải” đang tấu lên “khúc hoan ca” hòa âm cùng thiên nhiên đang hào phóng ban tặng phẩm vật nuôi dưỡng loài người.

Tết Ất Mùi, chữ Hòa được treo trong nhà với một tâm nguyện cầu mong cuộc sống gia đình năm nay sẽ đủ đầy sung túc, chan hòa yêu thương trong hạnh phúc gia đình. Trên thuận dưới hòa.

 Bố mẹ hết lòng chăm sóc con cái để có tương lai rạng rỡ. Con cái biết ơn công lao trời bể của bố mẹ sống hiếu thảo, tôn kính. Anh em trong nhà hòa thuận trên bảo dưới nghe.

Nhà nhà hòa hiếu, hòa thuận, phố trên ngõ dưới chan hòa yêu thương đùm bọc bên nhau.Chữ Hòa

Trong công sở chữ Hòa như một lời nhắc nhở bạn bè đồng nghiệp phải hòa hợp trong công việc hàng ngày. Sống vui vẻ chan hòa cùng nhau chung tay góp sức dựng xây cơ quan, xí nghiệp, công ty mình vượt mọi khó khăn trở ngại, vững vàng phát triển thịnh vượng để hòa nhập vào nền kinh tế chung của thế giới.

Người nông dân trên cánh đồng lúa "trông trời, trông đất, trông mây" cầu mong mưa thuận gió hòa để được một mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà, gà lợn đầy chuồng, nhà nhà no đủ. Làng xóm sống trong hòa khí vui tươi, niềm nở.

Một đất nước muốn vững bền phát triển cần có ba yếu tố quan trọng: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bác Hồ muôn vàn kính yêu, Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã vạch ra một con đường rộng mở để đi đến thắng lợi vĩ đại:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.

Thành công, thành công, đại thành công.

Đoàn kết danh từ cũng là một động từ ôm trọn nghĩa rộng lớn của chữ Hòa: Hòa hợp, hòa mục, hòa ước, ôn hòa, hòa dịu, hòa nhã, hòa khí... và cao cả nhất là hòa bình. Hòa bình muôn đời là niềm ước ao khao khát của nhân loại. Nhưng để có một nền hòa bình vững vàng cho từng quốc gia và toàn cầu không hề dễ dàng.

Napoleon thống chế quân đội Pháp từng kéo quân đi xâm lược nhiều nước. Sau một trận thất bại thảm hại đã phải thú nhận một cách chua chát: “Mọi cuộc chiến tranh lớn, nhỏ xảy ra trên thế giới đều xuất phát từ ba nguyên nhân: Nguyên nhân thứ nhất là tiền, nguyên nhân thứ hai cũng là tiền, nguyên nhân thứ ba lại là tiền".

Lòng tham con người là nguồn gốc của mọi cuộc chiến tranh.

Cuộc sống càng văn minh hiện đại, nhu cầu của con người càng lớn vượt quá xa điều kiện sẵn có của thiên nhiên. Con người càng bon chen, mưu mô, giành giật, lừa đảo, bùng nổ những tham vọng xấu xa, thế giới đang nỗ lực chung tay góp sức liên kết cùng nhau ngăn chặn các thế lực tranh giành đất đai, thềm lục địa, khoảng không gian trong lành, nguồn tài nguyên quý báu của thiên nhiên.

Hơn bao giờ hết những hội nghị vì hòa bình ngày càng mở rộng muôn chiều để chống lại những thế lực hắc ám cố tình làm vẩn đục, ô nhiễm sự yên lành, trong sáng của hòa bình.

Chữ Hòa – “Hòa bình” sẽ mang lại sự yên lành cho trái đất. “Từ đây người biết yêu người”, “Từ đây người biết thương người” (lời bài hát của nhạc sĩ Văn Cao). Các quốc gia trên thế giới cùng hội nhập chung tay hiệp lực giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống nhân loại ngày càng no ấm, văn minh, hiện đại.

Mỗi đất nước trên trái đất này phải trở thành một quốc gia “dân giàu nước mạnh”.