Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chương trình kế hoạch hóa gia đình góp phần xóa đói giảm nghèo

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong công tác kế hoạch hóa gia đình và còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên và vị thành niên.

Đầu tư cho công tác dân số: Chi phí thấp, hiệu quả cao
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, những ưu tiên về công tác dân số là một thách thức lớn nhưng cũng là một trong những hình thức thức đầu tư mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp nhất. 
Tại Việt Nam, chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình Việt Nam những năm qua đã đạt được những kết quả to lớn. Tỷ lệ tăng dân số từ hơn 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn khoảng 1%/năm vào năm 2016. Số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 5,6 con từ đầu thập niên 60 xuống còn 2,09 con vào năm 2006, đạt mức sinh thay thế và duy trì ổn định trong suốt hơn 10 năm qua.

Tỷ lệ các cặp vợ chồng được bảo vệ bằng các biện pháp tránh thai đã tăng nhanh từ 53,7% năm 1993 lên 77,6% năm 2016. Tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản được cải thiện rõ rệt, thể hiện qua tỷ số tử vong mẹ, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em được giảm nhanh. 

Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng chương trình kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và góp phần quan trọng vào thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và các mục tiêu phát triển bền vững (SGDs). 

“Ước tính chương trình kế hoạch hóa gia đình đã giúp Việt Nam tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội và đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm. Với thành tựu nổi bật này, Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc đánh giá cao và trao tặng giải thưởng Dân số Liên Hiệp Quốc năm 1999,” Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nói.

 

Công tác dân số "phủ sóng" ở các tỉnh miền núi đã góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương


Còn những “khoảng trống” về chăm sóc SKSS cho thanh niên, vị thành niên

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Việc đầu tư liên tục đã giúp Việt Nam đảm bảo sự sẵn có của các phương tiện tránh thai, các dịch vụ và các thông tin về kế hoạch hóa gia đình cho người dân trên toàn quốc.  Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức trong công tác kế hoạch hóa gia đình như nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn vẫn đang ở mức cao. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho thanh niên và vị thành niên, bao gồm chương trình giáo dục giới tính toàn diện và có chất lượng.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho hay, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai Kế hoạch hành động của Bộ Y tế, Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác Dân số trong tình hình mới. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội và sự phối hợp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tổ chức triển khai toàn diện và thành công các ưu tiên quốc gia về Dân số và kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam.

 “Việt Nam sẽ ưu tiên giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình của các nhóm yếu thế để đảm bảo không ai bị bỏ ở phía sau”- Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết.