Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Theo số liệu của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ gồm 14 tỉnh và 21 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng năm 2005 là 38,72%, trong đó, một số tỉnh có tỷ lệ nghèo trên 50% như Hà Giang (51,05%), Lai Châu (60,57%); có 46/64 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ (chiếm tỷ lệ 71,87% tổng số huyện nghèo cả nước) và 16/29 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hỗ trợ các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a; 1.469/2.139 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, an toàn khu (chiếm 68,67% tổng số xã cả nước); 2.310/3886 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình (chiếm tỷ lệ 54,66% tổng số thôn đặc biệt khó khăn cả nước).

Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng giai đoạn từ 2005-2020, ngân sách trung ương vẫn bố trí cho các tỉnh Miền núi phía Bắc tổng số kinh phí trên 46 nghìn tỷ đồng (chiếm 59,36% tổng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) để thực hiện các dự án thuộc Chương trình. Cùng với nguồn lực đầu tư của trung ương, các địa phương cũng đã chủ động thực hiện huy động nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo của từng tỉnh; đồng thời đã huy động sức mạnh, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo ra nguồn lực to lớn để thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình và chính sách giảm nghèo. Nhiều địa phương đã có những cách làm tốt, có nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình...

 Các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện huy động nhiều nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chính sách và chương trình giảm nghèo, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ nghèo các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc giảm nhanh, từ 38,72% (2005) xuống còn 31,38% (2010); 25,77% (2015) và 15,82% (2018). Tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm, các xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm. Đến hết năm 2018, toàn vùng có 7 huyện thoát nghèo và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 72 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong khu vực đạt chuẩn nông thôn mới.

Một số khó khăn và định hướng thời gian tới

Cũng theo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng đời sống của đồng bào, người nghèo khu vực Trung du miền núi phía Bắc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, có tỉnh 99% hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số như Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu. Tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo tương đối cao, nếu như tỷ lệ hộ tái nghèo so với số hộ thoát nghèo cả nước là 2,37% thì Hà Giang là 5,86%, Sơn La: 8,37%, Hòa Bình: 7,33%; Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh so với số hộ thoát nghèo cả nước là 17,8%, thì Hà Giang là 41,8%, Sơn La: 31,73%, Cao Bằng: 21,54%.

Cần tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế nên hiệu quả tác động chưa cao, như chính sách hỗ trợ nhà ở mức hỗ trợ còn bình quân và thấp, chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho người dân tộc thiểu số, chính sách cử tuyển chưa gắn với sử dụng sau đào tạo. Nguồn lực thực hiện chính sách vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ độ để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo dân tộc thiểu số.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cho toàn vùng giai đoạn 2021-2025, theo ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá sơ kết 3 năm chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số chiều chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho phù hợp, như bổ sung chỉ số việc làm, bảo hiểm xã hội để phản ánh thu nhập và an ninh cuộc sống của người dân trước những rủi ro trong cuộc sống, đồng thời cũng là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo giai đoạn tới để có các giải pháp tác động phù hợp, làm cơ sở để thực hiện nguyên tắc hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện, có thời gian.

Bên cạnh đó, cần thực hiện triệt để nguyên tắc khi ban hành cơ chế chính sách theo hướng giảm hỗ trợ cho không, tăng chính sách cho vay có điều kiện, có hoàn trả, đồng thời cần tăng nguồn lực cho hệ thống chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nhà nước bảo đảm các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, bảo đảm trợ cấp cho người dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh, trợ giúp pháp lý. Tập trung hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, hộ không muốn thoát nghèo kiên quyết đưa ra khỏi hộ nghèo sau thời gian từ 2-3 năm; nghiên cứu chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo về giáo dục, y tế để khuyến khích thoát nghèo bền vững.

Đặc biệt, cần tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho họ làm việc tại các doanh nghiệp, tham gia xuất khẩu lao động, hỗ trợ điều kiện sinh kế tạo việc làm tại chỗ gắn với chuỗi giá trị...

Thuỳ Hương / TC Gia đình & Trẻ em

Tin liên quan