1.Tôi đến Kom Tum vài ngày đã nghe kể về làng phong Đắk Kia và được nghe kể về tấm gương thầy giáo Nguyễn Công Huệ. Gặp được thầy Nguyễn Công Huệ thật khó, nhưng gặp được thầy, rồi “moi” được những câu chuyện thầy đã làm vì học trò lại còn khó hơn. Điều đó hóa ra lại rất hay, khi tôi được chính những người dân ở Đắk Kia, ở Ya Chim, được chính lũ học trò thầy đã dạy kể lại câu chuyện về thầy một cách chân thực nhất.

Thầy giáo Nguyễn Công Huệ ( trái) và tác giả.
Năm 1982, tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai, thầy giáo Nguyễn Công Huệ được phân công về dạy ở Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh, xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum). Chàng giáo viên trẻ, nhiều hôm tới lớp, nhìn lớp học vắng đi một nửa, hỏi ra mới biết, các em đã bỏ học. Lũ trò bảo thầy: Các bạn nói đi học xa thế mỏi cái chân lắm, đi học ngồi cạnh con đứa hủi, lây thì chết à, ở nhà thôi!
Học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh xã Đoàn Kết đa số là người dân tộc Ba Na, Gia Lai có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Các em cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đi học xa đã ngại, nhưng nỗi e ngại vì sợ học cùng các bạn là con bệnh nhân phong ở Trại phong Đắk Kia bị lây bệnh còn lớn hơn nên rủ nhau bỏ học. Thương nhất trong đám học sinh bỏ học ấy có bé Y Phương. Y Phương ngoan lắm, bụng đói, đến lớp ngồi một xó, cái áo lành cũng không có, vậy mà thi toán nhất thành phố. Chỉ vì ba mẹ là người bệnh phong mà Y Phương bị bạn xa lánh. Tủi thân, Y Phương nghỉ học ở nhà.
Sau nhiều đêm trăm trở “Sao cho lũ trẻ được đi học, sao cho chúng không sợ người bệnh phong?”, thầy giáo Nguyễn Công Huệ quyết định: Phương án thứ nhất - giấu vợ, bớt tiền lương để mua xe đạp, mua gạo tiếp sức cho học trò đến trường, cùng với đó là vận động lũ trò và bà con hiểu về bệnh phong. Phương án hai, nếu bà con và lũ trẻ vẫn sợ người bị bệnh phong thì sẽ làm đơn xin Phòng Giáo dục - Đào tạo cho mở lớp lẻ ngay tại làng phong Đắk Kia, thầy sẽ về dạy ở đó. Nghĩ là làm, 10 chiếc xe đạp chắt chiu từ tiền lương của thầy Huệ, của người vợ tảo tần biết thông cảm với chồng được chuyển đến học trò Y Blieng, Y Jam, đến A Tuynh và anh em A Hưng, những học sinh nghèo ở Đăk Năng, Ya Chim và Đăk Hà đang theo học ở xã Đoàn Kết. Những chiếc xe của thầy giáo Huệ “cõng” bọn trẻ đến lớp rồi, nhưng vẫn còn việc học trò và người dân sợ người bị phong. Vì vậy, thầy Huệ đến nhà đồng bào nói chuyện, tuyên truyền cho bà con hiểu. Bà con thương thầy, gật gật cái đầu, nhưng cái bụng vẫn chưa ưng. Sau đó, thầy Huệ đón luôn A Hà, Y Khải, Y Thu, Y Ngân - con bệnh nhân phong - về nhà mình ở. Thầy rủ các trò đến chơi nhà người phong, xem thầy ăn cơm với họ, xem thầy mặc quần áo của họ, nhìn thầy tắm cho những ông già bị khuẩn Hansen ăn rụn cả tay mà không sợ. Lũ trò về buôn, nói chuyện với người già, với lũ làng: “Bệnh phong đâu có lây, thầy Huệ ăn cơm, mặc quần áo của họ cũng không sao”. Sau hơn một năm, thầy Huệ “3 cùng” trong làng phong như vậy, lớp học đông trở lại, lũ trẻ không còn sợ bạn học là con người bị phong nữa. Vậy là cái phương án hai đổ bể, nhưng đổ bể mà thầy mừng, bởi không còn phải mở trường dạy riêng, học trò không phải học cách ly, không bị bạn bè xa lánh nữa.
Cái A Hà, Y Khải, Y Thu, Y Ngân coi thầy giáo Huệ như cha đẻ, người dân trại phong coi thầy là ân nhân. Chuyện tưởng vậy là xong, thì rồi một bữa, Y Phương đến nhà thầy ngồi khóc. Nó bảo: “Con đỗ Đại học Y rồi, con Y Thu cũng đỗ Trường Sư phạm, nhưng con không có tiền đi học đâu, ở nhà làm rẫy thôi”. Lo cho Y Phương đi học thì thầy cố được, nhưng mai mốt còn Y Thu, còn em Y Phương, còn A Hà và bao đứa nữa cũng muốn đi học cao đẳng, đại học thì sao? Ai lo cho chúng nó? Khi bố mẹ chúng nó cả mùa trăng chỉ ăn trái bắp độn với củ mài?
Lại bao đêm thầy Huệ không ngủ, nhìn sao trên đỉnh Ngọc Linh mà nghĩ nhiều như nước chảy dưới dòng Đak Bla thì ra cái kế: Nuôi bò đẻ. Bò kéo cày, chở mía, chở cafe, phân bò bón ruộng. Bò mẹ đẻ thì con bê được nhà nuôi thứ nhất giữ, bò mẹ chuyển cho nhà nuôi thứ hai nuôi tiếp, cứ như vậy thì lũ trẻ có tiền học đại học. Kế hay quá, nên thầy Huệ lại “nịnh” vợ cho thầy “hoãn” nộp tiền lương. Rồi thầy Huệ đi hô hào đồng nghiệp, xin các nhà hảo tâm xây dựng mô hình “bò khuyến học”, nhằm hỗ trợ cho những gia đình nghèo có lưng vốn cho con đi học. Hầu hết những gia đình được nuôi “bò khuyến học” của thầy Huệ, con em họ đều được học hết phổ thông, một số đã bước vào cổng trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và đã có việc làm ổn định.

Mô hình “bò khuyến học” giúp đỡ người nghèo.
2.Ngôi nhà thầy Huệ ở Kon Tum từ lâu đã là địa chỉ ăn, ở miễn phí cho bọn trẻ con đi học, cho người trong buôn lên bệnh viện chữa bệnh. Nhà của thầy là mái nhà chung. Nhiều hôm, nồi cơm thổi cho người trong buôn ra ở nhờ khi đi công chuyện, cho lũ trẻ đi học to bằng cả cái chiêng mẹ. Cơm chỉ ăn với rau cải, mà vui quá, ai cũng cười. Tôi nhớ, trong căn phòng giản dị đến tột độ của xơ Y Phương. Căn phòng mười hai mét vuông vừa đủ kê chiếc giường nhỏ, chiếc hòm gỗ vừa làm bàn vừa đựng đồ, trên tường là cây thánh giá và tấm áo nữ tu. Trên chiếc hòm có cuốn “Kinh Thánh” và cuốn vở đã cũ được xếp ngay ngắn, trang vở nay đã ngả màu, trang đầu cuốn vở là dòng chữ thầy Huệ viết cách đây đã hơn 20 năm: “Tặng con để đi học, để thành thầy thuốc chữa bệnh cho bà con, để thành người có ích”. Bao nhiêu đứa trẻ được nhận những tập vở trắng thầy tặng kèm những lời chúc như thế? Tôi không hỏi, nhưng chắc chắn một điều, những gì thầy làm, thầy căn dặn, sẽ theo chúng suốt cả cuộc đời.
Thầy Huệ vẫn đi cái xe máy cũ cà tàng. Thầy mới được điều về điểm trường lẻ ở bản Ya Chim - một trường học ở mãi xa bên con núi nơi mà con chim Phí bay còn mỏi cánh. Đường đi đến trường bụi mờ mịt, đá núi lởm chởm, khiến nhiều hôm thầy té xe, nhưng lúc nào tôi cũng thấy thầy vui. Thầy chẳng kêu gì, bởi có lẽ thầy là người giàu có, sự giàu có không đo bằng tiền bạc, mà đo bằng hạnh phúc, bằng nụ cười từ thành quả của hạt mầm mà thầy đã gieo xuống mảnh đất đầy nắng và gió này.
Nếu bác sỹ Yersin đã từ bỏ Paris hoa lệ để đến Lang Biang sống và làm việc hết mình với những người dân Ba Na, Jak Lay, Ê đê, mở nên trang lịch sử mới mẻ cho mảnh đất Tây Nguyên, thì ngày hôm nay, những người như thầy Huệ, xơ Y Phương đang viết nên những câu chuyện cổ tích có thật ở đây, một câu chuyện cổ tích về tình người.
Trần Quốc Nam/GĐ&TE