Theo suốt chiều dài lịch sử, con đường ấy luôn chất chứa trong mình những câu chuyện đời không dễ mờ phai…
“Đã là người Sài Gòn, nhất định phải biết đến con đường mang tên một “huyền thoại” dân gian nổi tiếng với những câu chuyện cười thâm thúy.

Hơn nữa, nơi đó có một chốn từng mang tên là “xí nghiệp… đẻ” - Bệnh viện Từ Dũ, trung tâm sản khoa lớn nhất miền Nam, nơi phần lớn người Sài Gòn ít nhất phải ghé qua vài ba lần trong đời”, một người bạn nói với tôi bằng giọng hóm hỉnh.
Cổng chính bệnh viện nổi tiếng nhất TPHCM nằm trên đường Cống Quỳnh, ngay góc giao lộ với Nguyễn Thị Minh Khai.
Vì thế, khu vực này lúc nào cũng đông đúc với rất nhiều phận đời tương phản rõ rệt: Người nghèo khó nhiều, người giàu sang cũng không ít. Mặc dù TPHCM hiện có khá nhiều bệnh viện phụ sản quốc tế hay chất lượng cao của tư nhân được mở ra nhưng Từ Dũ vẫn là cái tên được mọi người tin tưởng nhất.
Nói rằng hàng triệu hay hàng chục triệu người đã được sinh ra trên con đường Cống Quỳnh hẳn không sai.

Thời xưa khi mới hình thành, con đường nối vùng Cầu Kho với phần giữa Sài Gòn xưa chưa có tên. Chỉ đến khi người Pháp sang chiếm đóng thì nó mới được mang một cái tên “tây - ta lẫn lộn” - Blancsubé Cầu Kho.
Rồi đến năm 1920, chính quyền thuộc địa Sài Gòn mới cắt đôi con đường cũ, đặt tên là đường D’Arras. La Rue d'Arras là một trong số 12 con đường ở Sài Gòn mang tên các trận đánh thời Đệ nhất thế chiến.
Con đường ấy là nơi chứng kiến những chuyến tàu điện đầu tiên chạy trên đất Sài Gòn.
Theo ghi chép của các học giả, xe điện ở Sài Gòn bắt đầu hoạt động vào đầu thập niên 1880 - tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn. Do thuở ấy Sài Gòn chưa có hệ thống điện công cộng nên xe chạy bằng đầu máy hơi nước, lò đốt bằng than hoặc củi khi chạy vừa bốc khói, vừa thỉnh thoảng phun hơi nước ra nên dân chúng gọi là “xe lửa”.
Xe thường có một hoặc hai toa. Mỗi toa có hai băng ghế dài sát vách, còn lại là khoảng trống cho hành khách đứng, để đồ… Bên hông toa xe thường có một số quảng cáo như: “Thuốc dưỡng thai Nhành Mai”, “Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín”… Hành khách hầu hết là người bình dân, buôn bán. Xe chạy rất chậm, mỗi lần sắp ghé hoặc rời trạm thì có tiếng chuông leng keng.
Con đường ấy còn có nhà riêng của một trong các thị trưởng Sài Gòn - Jules Blancsubé, luật sư theo tư tưởng cải cách, luôn cố gắng bảo vệ nguyên lý bình đẳng của hiến pháp cách mạng Pháp. Dù là người Pháp, ông tự nhận là công dân Sài Gòn.
Trong số câu chuyện đời từng ghi dấu trên con phố có câu chuyện về sự hình thành và phát triển của hệ thống quán cơm xã hội Nụ Cười.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2013, khi ông Nam Đồng (nguyên Tổng biên tập Báo Pháp luật TPHCM) thực hiện dự án được ấp ủ từ lâu: Mở quán cơm từ thiện chỉ cung cấp suất ăn với giá bán tượng trưng, được duy trì và phát triển dựa hoàn toàn vào sự đóng góp của xã hội.
Quán đầu tiên mở tại số 6 Cống Quỳnh. Khi biết tin, nhiều bạn thân của ông cùng góp sức, người thì bao dàn bếp, người góp bàn ghế, chén dĩa, người lo âm thanh ánh sáng, người thì hùn tiền… Dự án Quỹ từ thiện Tình thương và quán Nụ Cười bắt đầu triển khai. Hồi ấy, ông Nam Đồng chỉ ước sao quán phục vụ người nghèo được vài tháng thì cũng vui rồi.
Thực hiện tâm nguyện ấy, quán cơm xã hội 2.000 đồng đã hoạt động với châm ngôn: Ai cũng có quyền ăn và trả một số tiền do quán quy định để người ăn không có cảm giác được bố thí. Người ăn có thể là người bán vé số, công nhân, lao động nghèo và sinh viên.
Số tiền bù lỗ cho suất ăn tùy thuộc vào khả năng của nhà tài trợ. Đây là cách người sáng lập và bạn bè trả nợ ân tình cho Sài Gòn. Người đi trước, giàu có hoặc nghèo nhưng với tấm lòng "lá lành đùm lá rách", "của ít lòng nhiều" sẵn sàng giúp đỡ người đi sau đang gặp cơn khốn khó một cách vô tư và rồi những người đi sau này tiếp tục thực hiện hành động đó.
Đến giờ, hệ thống quán cơm Nụ Cười đã phát triển lên tới 6 cơ sở, nơi mà suất cơm chỉ có giá 2.000 đồng, tô phở chỉ 1.000 đồng. Nơi ấy, thực khách luôn được phục vụ tận tình, chu đáo bởi đội ngũ tình nguyện viên nhiệt tâm, chân thành.
Cứ mỗi trưa, chiều, hàng ngàn người nghèo ở khắp nơi đổ về để mua những phần cơm ngon lành với giá chưa bằng 1/10 đĩa cơm bụi giữa đất Sài Gòn đắt đỏ…
Hoạt động của hệ thống quán cơm ấy đã chạm đến trái tim nhiều người. Mới đây, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân đã ghé quán dùng bữa trưa. Hay trước đó, hồi năm 2015, ca sĩ Chế Linh cùng vợ đã đứng hơn 2 tiếng tự tay trao từng tô bún bò tới hơn 1.000 khách hàng. “Tôi đến đây để được phục vụ cho mọi người”, Chế Linh vui vẻ nói.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa khái quát về con đường này: “Về hình thức, con đường Cống Quỳnh không đẹp nhưng gợi nên nhiều cảm xúc. Trước hết, ở đó có rất nhiều thứ đầu tiên của đất Sài Gòn: Đường tàu điện, bệnh viện phụ sản quy mô lớn, siêu thị đặc sản như Siêu thị Hà Nội, quán cơm xã hội…
Hơn nữa, đằng sau hình hài khá thô ráp, khô khan là những câu chuyện đời được viết lên từng ngày, từng giờ, mang lại nguồn cảm xúc vô tận. Vì lẽ đó, rất nhiều người Sài Gòn yêu con đường này như yêu một con người có cuộc sống, có số phận…”.
Con đường hôm nay vẫn tiếp tục ghi lại những câu chuyện đời cảm động.
Việt Hùng
Báo Lao động và Xã hội số 144