Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân khiến chúng ta bị sốc nhiệt

Ngọc Bích
Ngọc Bích

(Dân sinh) - Nắng nóng gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt. Hiện tượng sốc nhiệt thường xảy ra với tất cả mọi người, tuy nhiên có nguy cơ cao ở những đối tượng như người già, trẻ em và phụ nữ.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay (3/6), khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C.

Trong 2 ngày 3-4/6, khu vực Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.  

Untitled image.jpeg
Nắng nóng gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt (Ảnh: CC). 

Theo các chuyên gia y tế, nắng nóng gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt. Hiện tượng sốc nhiệt thường xảy ra với tất cả mọi người, tuy nhiên có nguy cơ cao ở những đối tượng như người già, trẻ em, phụ nữ khi tiếp xúc với thời tiết đột ngột và không uống đủ nước.

Sốc nhiệt có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời

Sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao đến mức gây tổn thương đến hệ thống thần kinh trung ương và các mô khác, đặc biệt khi nhiệt độ cơ thể đạt mức 40 độ C hoặc cao hơn. 

Thêm vào đó, nếu phải hoạt động dưới thời tiết nắng nóng, cơ thể chúng ta vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động, vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường nên nguy cơ tăng thân nhiệt do ở lâu trong môi trường nắng nóng là rất cao.

Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, cơ thể sẽ thực hiện các cơ chế để điều tiết giữ thân nhiệt như thở nhanh, dãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt trong cơ thể... gây ra mất nước càng làm rối loạn nước điện giải dễ gây tăng thân nhiệt làm tổn thương hệ thống thần kinh trung ương.

Vì vậy, trong những ngày nắng nóng như hiện nay, người dân cần đề phòng hiện tượng sốc nhiệt vì có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Sốc nhiệt thường có biểu hiện: đau đầu; chóng mặt và choáng váng; da đỏ, nóng và khô; yếu cơ hoặc chuột rút; buồn nôn và ói mửa; nhịp tim nhanh; thở nhanh, thở nông.

Nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê…

Đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi nhất là khoảng 25 độ C. Trong khoảng 20-30 độ C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Trung tâm này có chức năng giúp chúng ta thích nghi được với bất kì nhiệt độ nào nhưng đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng hoạt động của trung tâm này.

Khả năng điều chỉnh với sự thay đổi nhiệt độ cũng kém ở trẻ nhỏ (nhỏ hơn 4 tuổi) hoặc người già (lớn hơn 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm...

Làm gì để phòng tránh sốc nhiệt?

Vào những ngày nắng nóng như hiện nay, để tránh tình trạng bị sốc nhiệt, người dân cần hạn chế ra ngoài trong những ngày nắng nóng, đặc biệt là khung giờ 10-16h.

Những người đang trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ phòng điều hòa, ngồi nghỉ ngơi trong bóng mát ngoài trời trước.

Ngoài ra, cần mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm hút mồ hôi.

Cùng với đó là duy trì chế độ ăn uống hợp lý, cụ thể tăng cường ăn các loại rau xanh và trái cây, uống tối thiểu 1,5-2 lít nước một ngày, uống làm nhiều lần, không uống quá nhiều trong 1 lần.

Người dân cũng nên thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức đề kháng và sức chống chọi của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.

Trường hợp nếu bắt buộc phải làm việc ngoài trời nắng, người dân cần lưu ý: Bố trí thời gian làm việc vào những lúc mát hơn như buổi sáng, chiều muộn, nghỉ ngơi sau 45-60 phút đi bộ, làm việc ngoài trời nắng, hạn chế diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng gáy.

Ngoài ra cần sử dụng mũ nón, kính hoặc kem chống nắng. Đặc biệt, nên có sẵn các thức uống chứa khoáng chất, muối như Oresol. Nếu bạn toát nhiều mồ hôi khi gắng sức, nên uống nước này đúng hàm lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.