Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chia sẻ thông tin tuyến buýt BRT là tiền đề để chuẩn bị cho đường sắt đô thị.
"Buýt nhanh trở thành buýt thường, buýt chậm. Điều chỉnh quy hoạch chung có lĩnh vực giao thông, thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11", ông Tuấn khẳng định.
Trước thông tin trên, chuyên giao giao thông Phan Lê Bình cho rằng hiện nay TP Hà Nội đưa ra đề xuất quy hoạch cực kỳ tham vọng, cho dù với tầm nhìn đến năm 2050, là xây dựng mạng lưới gồm 14 tuyến đường sắt đô thị.
Tuy nhiên, ông Bình phân tích, giả sử có thực hiện 14 tuyến này thì chắc chắn thành phố sẽ ưu tiên xây dựng trước những tuyến nằm trong khu vực chưa có tuyến giao thông công cộng mạnh. Điều đó có nghĩa, việc thay thế tuyến BRT sẽ nằm ở cuối danh sách ưu tiên.
“Do đó khi thay thế BRT thì cũng phải gần năm 2050, thậm chí là nhiều thập kỷ sau năm 2050. Đến khi đó, tuyến BRT cũng đã hoàn thành vòng đời dự án rồi”, ông Bình cho hay.
Đồng thời, vị chuyên gia này chỉ ra ưu điểm của BRT là mức đầu tư thấp hơn nhiều so với đường sắt đô thị. Khi nhu cầu giao thông tăng cao thì mới xem xét việc thay BRT bằng đường sắt đô thị.
Tuy nhiên, ông Phan Lê Bình lưu ý, BRT là biểu hiện rõ ràng nhất của chính quyền thành phố để thực hiện chủ trương ưu tiên giao thông công cộng, giảm giao thông cá nhân. Đặc biệt, bản thân tuyến BRT hiện nay là tuyến có sản lượng cao nhất, tốc độ lưu thông nhanh nhất và ít phải bù lỗ nhất trong các tuyến xe buýt của TP Hà Nội.
Bởi vậy, dựa trên các tiêu chí này thì không có lý do gì phải nghĩ đến chuyện bỏ tuyến này, tại thời điểm hiện nay, ông Bình khẳng định.
Tuyến BRT số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa được đưa vào sử dụng tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng).
Tuyến dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe. Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm, làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng.