1. Mới hơn 20 tuổi đã dính chặt vào cái xe lăn cho tới bây giờ đã trên dưới 50 năm. Anh chàng này khá đẹp trai, đàn hát tốt, ngồi xe lăn chơi bi a mà tôi đủ tay đủ chân còn thua anh.
Năm 1993 khi tôi đến đây viết phóng sự, anh là người đầu tiên tôi làm quen với câu hỏi ất ơ: “Có nhậu được không?” Hoàng trả lời: “Không nhậu thì biết làm gì?”. Lúc đó Hoàng còn độc thân. Chán đời lắm, suốt ngày nhậu nhẹt đá gà ở xóm nhà lá (nơi tập trung toàn thương binh độc thân). Sau Hoàng bén duyên với cô Loan em gái y sĩ Dũng, hai gia đình đều ngăn cản, nhưng họ vẫn quyết đến với nhau.
Giờ cái câu “không nhậu thì biết làm gì” đã khác xưa. Hoàng vẫn nhậu, nhưng bận rộn, vì đã ra ngoài khu dân cư ở, mở quán cà phê bi-a. Sống cũng ổn. Thỉnh thoảng Hoàng lại đích thân chở cô vợ xinh xắn sau chiếc xe ba bánh gắn máy phóng về quê tận Long An. Tình bạn giữa tôi và Hoàng thương binh gắn chặt từ cái thủa ban đầu ấy.
Cái năm anh cưới vợ, bạn bè đến đông vui lắm. Đám cưới toàn thương binh ngồi xe lăn đến dự. Vui chuyện ngà ngà bia rượu, ai cũng bảo: Bọn tôi sống mòn đời ở khu thương binh này mà chả nghĩ ra cái điều mà ông nhà báo này viết: Bữa ăn toàn bàn không có ghế. Là anh em nhắc lại lần đầu tiên tôi phóng xe máy đến đây vào năm 1993, cũng vào tháng 7, tôi được mời dự một đám giỗ. Nghe nói chị vợ anh thương binh ấy cực khổ quá nghĩ quẩn tự vẫn chết. Đám giỗ đã sắp bắt đầu mà tôi thấy chỉ kê mấy cái bàn không có ghế, sau mới thấy hàng chục thương binh lăn xe từ các dãy nhà đến tụ họp quây kín thành từng mâm từng bàn. Lúc ấy chỉ có tôi và anh Châu giám đốc là ngồi ghế. Bây giờ mỗi khi Khu thương binh tiếp khách đến thăm, bao giờ họ cũng chừa trống một nửa hội trường dành cho khu vực xe lăn.
Tác giả (bên phải) với một thương binh
2. Hoàng có người bạn thương binh thân thiết là Xuân Hải, quê Hà Tĩnh. Hải trước cũng ở xóm nhà lá bên cạnh hồ sen thời oanh liệt trước khi có người phụ nữ đem lòng yêu thương dọn ra riêng “góp gạo thổi cơm chung”. Hải là cây văn nghệ với giọng hát khỏe và ấm áp của người miền Trung. Mỗi khi có đoàn khách đến thăm là mọi thương binh nhao lên gọi Hải hát. Hầu như Hải chỉ hát mấy bài tủ: Đó là bài ca nhớ Bác, bài Tấm áo mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh… Nghe anh hát lạc quan và tự tin yêu đời quá, không chỉ các cô gái mà cả những người đàn ông đến thăm cũng đỏ hoe mắt. Không mấy ai nghĩ anh liệt nửa người, trong thân thể nặng nề phần trên ấy đủ thứ bệnh, túi ni lông đựng nước tiểu lủng lẳng bên hông, cả ngày ngồi trên cái ghế xe lăn diện tích chưa đầy mét vuông lăn tới lăn lui trong khu “ra ngõ gặp thương binh” này.
Trước Hải nhậu cũng tới bến lắm. Nhưng giờ già yếu, anh bỏ rượu bia, chăm vào chữa bệnh. Nhưng hát thì vẫn khỏe. Vẫn những tâm tình ấy, vẫn những bài hát ấy. Năm ngoái khi Tạp chí Nghề báo chúng tôi tổ chức đón các thương binh về thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, lần đầu tiên anh được hát Bài ca nhớ Bác ngay tại Bến Nhà Rồng. Tiếng hát người thương binh tàn mà không phế theo lời Bác dạy ấy đã khiến chị Hoa Xinh giám đốc Bảo tàng bật khóc và bao người khác rưng rưng cảm động.
3. Xóm nhà lá trước kia cũng có một thương binh mà tôi muốn nhắc tới ở đây. Đó là thương binh Vũ Văn Hấn, quê Thái Bình. Anh là lính xe tăng, bị thương ở chiến trường Tây Nam. Anh ngồi xe lăn nhưng thỉnh thoảng vẫn cố gượng đi vài bước cho bàn chân có cảm giác được chạm vào đất cho dù có lúc té lăn quay. Anh ở xóm nhà lá khá lâu cùng các thương binh độc thân.
Rồi một chương trình giao lưu kết bạn trên sóng phát thanh đã kéo anh ra khỏi khu nhà lá, biến anh thành môt người đàn ông may mắn, hạnh phúc. Qua chương trình này anh đã viết thư kết bạn với môt cô giáo ở Trị An, Đồng Nai. Ngày anh nhận được thư hồi âm của cô ấy là ngày anh đã bắt đầu rời xe lăn ra tựa cửa trông chờ.
Và không phải cô giáo ấy mà chính anh đi xe lăn, giấu đơn vị, đón xe đò vượt hàng trăm cây số đến với nơi hẹn ở một thị trấn đất đỏ miền Đông. Đến nơi anh choáng người không thấy cô ấy đâu, khi anh bắt đầu thất vọng đau đớn thì cô giáo ấy từ chỗ trốn trong bến xe chạy ùa ra ôm anh và khóc. “Anh ấy đây rồi. Giữa đám đông chỉ có anh ngồi xe lăn nên không nhầm vào đâu được. Anh ấy hiền hơn cả hình dung của em qua thư từ và điện thoại. Em chạy ra cuống cuồng trong mưa, bùn lầy trơn trợt quá, em bỏ cả guốc mà chạy ra với anh ấy, sợ anh ấy biến mất.” Sau này cô giáo ấy kể lại. Hiện nay cô làm giáo viên ở Long Hải, ngoài giờ nhận dạy kèm trẻ tại ngôi nhà bao giờ cũng có những chiếc xe lăn trong sân này.
Khu điều dưỡng thương binh Long Hải thường nhộn nhịp khi vào dịp 27/7
4. Ở trung tâm khu thương binh là một cái hồ sen lớn. Nơi khu nhà lá bao quanh hồ sen này. Mỗi thương binh ở một nhà, có phòng trong phòng ngoài, có bếp và nhà cầu thiết kế riêng cho thương binh. Nhiều lúc đến đây tôi có cảm giác như không có người ở. Vắng và buồn. Nhiều thương binh chỉ nằm trong nhà. Họ xem tivi nghe đài, nuôi gà, nuôi heo, có mấy chú chó làm bạn. Một số thương binh có người ở quê đến nuôi dưỡng. Một số anh có những người phụ nữ của mình, sớm hôm chia sẻ mọi vui buồn cũng ấm áp cửa nhà.
Anh thương binh tên Phòng, quê Hải Phòng là một người như thế. Tôi đến thăm anh lần nào anh cũng níu kéo lôi mấy hũ rượu ngâm ra đãi. Và lần nào anh cũng ngượng ngịu thú nhận rượu anh ngâm chưa kịp ngấm thuốc đã hết nên thêm nước mới liên tục. Tôi hay ngồi với anh, thấm cái đau xót anh kể về chú chó cưng vừa bị người ta bắt mất khiến anh ngẩn ngơ cả tháng trời. Anh Phòng mê bóng đá, trên tường dán đầy lịch bóng đá, mùa World cup nào anh cũng thức thâu đêm, anh dành tiền mua báo thể thao, nghe đài, và tất nhiên có bắt độ chút chút cho thêm hào hứng.
Cứ uống vài ly rượu với khô mực, Phòng lại rơm rớm nước mắt: Thời gian bọn tôi tính từng tuần chứ không phải bằng tháng bằng năm anh ạ. Cứ sống qua tuần nào biết tuần ấy. Trời gọi ai nấy dạ. Vết thương cũ tái phát, biết “đi” lúc nào. Đến với khu thương binh Long Hải 23 năm nay, tôi chứng kiến sự ra đi của nhiều anh chị em thương binh ở đây. Họ đi âm thầm có, đi trong đau đớn có. Hầu hết họ đều bình tĩnh chờ ngày ra đi. Mấy anh trong ban giám đốc kể: Trong hành trang của anh chị em thương binh bao giờ cũng có đủ bộ quân phục, giày và mũ chỉnh tề để chuẩn bị trước. Tôi đã có lần tò mò thốt lên: “Nhiều thương binh cụt hoặc liệt teo chân, họ có dùng giày đâu?” Các anh trả lời: “Nhưng nghi thức khi khâm liệm vẫn trang nghiêm nhà báo ạ... Một thương binh cụt hai chân chỉ nằm gọn trong nửa quan tài, nhưng trên đầu vẫn là mũ gắn sao, hai ống quần kéo thẳng, đôi giày để bên dưới. Như môt thời làm người lính trong quân ngũ.”…
5. Tháng 7 này chúng tôi lại đến với nơi đây. Khu nhà lá thương binh trước kia nay đã được thay thế bằng những dãy nhà khang trang trên thị trấn biển thơ mộng này, đúng như lời nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước kia: “Nơi nào tốt nhất, đẹp nhất hãy dành cho thương binh.” Sau nhiều năm, nhiều thương binh đã có gia đình và dọn ra ngoài ở. Những thương binh mà tôi quen từ 23 năm trước tới nay cũng đã lần lượt khuất xa, riêng năm ngoái nơi đây tiễn biệt 6 người. Có thương binh vừa được đi thăm TP.HCM để “tận mắt thấy hầm vượt sông Sài Gòn thế nào” mấy ngày sau đã mất vì bệnh tái phát. Ngay cả bác sĩ Phó giám đốc Lê Văn Lương, người hết lòng với thương bệnh binh cũng vừa qua đời vì bệnh ung thư.
Và mới đây bác sĩ Tương, trưởng khoa tâm thần vừa gọi điện báo tin vui cho chúng tôi biết: Sau hàng chục năm tìm kiếm qua hệ thống ban ngành lao động thương binh xã hội các cấp, cũng như thông qua cách kênh truyền thông, một thương binh đã tìm thấy gia đình của mình sau bao năm trời mất liên lạc, mất tích. Khu Điều dưỡng thương binh cũng đã đổi mới rất nhiều, từ cái thời “ không nhậu thì biết làm gì” nay khu thương binh đã trở thành một đơn vị đạt nhiều danh hiệu thi đua của Bộ LĐTB và XH, từ chỗ ít ai biết tới dù nằm ngay vùng biển sầm uất thì nay đã nhận được sự quan tâm thăm hỏi và là môt điểm đến của hàng trăm đoàn khách trong và ngoài ngành, cũng là nơi mà các nghệ sĩ mong muốn đến phục vụ các tiết mục đặc sắc nhất của mình.
Tôi muốn kết thúc bài báo này bằng một câu chuyện nhỏ: Tháng 7 năm nào Khu thương binh cũng tổ chức thi báo tường và gửi lên TP HCM nhờ tôi chấm. Tôi nhớ trong một bài báo tường một đứa con trai hỏi tại sao bác thương binh không có tay, thì người cha đã trả lời: “Là vì đôi tay bác thương binh chưa mọc con ạ”. Với tôi, những câu nói ví von ý nghĩa ấy, những câu chuyện vui buồn và đầy lạc quan ấy chỉ có thể có được ở nơi đây, nơi có những con người thương binh quả cảm và đầy khát vọng sống này.