Dâng hương tri ân các chiến sĩ cách mạng hy sinh tại Côn Đảo - Ảnh: VGP/Hà Minh Hồng
Người dân Côn Đảo trước đây thường nói trong năm có 4 lễ giỗ không thể bỏ qua, đó là lễ giỗ liệt nữ Võ Thị Sáu, lễ giỗ đồng chí Lê Hồng Phong, lễ giỗ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và lễ giỗ bà hoàng Phi Yến. Nhưng từ năm 2012 đến nay, người dân huyện đảo này có thêm một lễ tâm linh nữa là lễ giỗ và tri ân các chiến sĩ, đồng bào hy sinh ở Côn Đảo, tổ chức vào ngày 20/6 Âm lịch hằng năm.
Cựu tù chính trị, TS. Sử học Bùi Văn Toản, một trong những người dày công tìm hiểu tư liệu cho biết: Dựa trên cơ sở phân tích số liệu về ngày tháng năm mất của hơn 3.200 người tù đã tìm được thông tin, ngày 1/8/1942 (tức ngày 20/6 Âm lịch) có 124 người chết, tháng 8 có 335 người chết, năm 1942 có 1.048 người chết; với sự thống nhất của đông đảo các cựu tù chính trị, Ban Liên lạc cựu tù lấy ngày 20 tháng 6 Âm lịch làm ngày giỗ chung các chiến sĩ và đồng bào yêu nước hy sinh ở Côn Đảo.
Lễ giỗ sát Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hằng năm. Hãng hàng không Vasco những ngày này bay hết công suất 15-20 chuyến/ngày để đưa khách từ khắp các địa phương trong cả nước ra Côn Đảo. Ngoài ra, tàu cao tốc từ nhiều tỉnh, thành phố Nam Bộ đi thẳng ra Côn Đảo chỉ vài tiếng đồng hồ.
Đường từ sân bay Cỏ Ống hay các bến cảng men theo chân đảo về trung tâm huyện Côn Đảo trải nhựa phẳng lỳ, rừng cây mướt xanh, dấu tích nhà tù xưa ẩn hiện dưới những công trình kiến thiết đô thị đang mọc lên ngày càng nhiều.
Ban Liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo phối hợp với Ban Quản lý di tích lịch sử Côn Đảo tổ chức lễ giỗ, có sự tham gia của đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) và một số cơ quan, đơn vị khác. Mỗi năm lại thêm đông người về dự lễ giỗ, trong đó luôn có hàng trăm cựu tù chính trị Côn Đảo cùng thân nhân từ các địa phương trong cả nước.
Hơn 9.000 dân Côn Đảo ngày nay coi lễ giỗ là ngày hội tâm linh để tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã hy sinh trong suốt 113 năm tại các nhà tù Côn Đảo.
Lần này là lần thứ 8, lễ giỗ bắt đầu từ chiều 21/7/2019 với hoạt động dâng hương tri ân 51 chiến sĩ bị thực dân Pháp hành quyết từ 29/10/1947 đến 6/11/1953, trong đó có Võ Thị Sáu bị giặc xử bắn lúc 7h sáng ngày 23/1/1952. Tiếp đó là lễ cúng 31 liệt sĩ hy sinh trong quá trình tái lập lực lượng bảo vệ khí tiết cách mạng trại I-6B Côn Đảo (từ năm 1964 đến 1975) và lễ khánh thành bia vinh danh 15 Anh hùng của lực lượng tù chính trị câu lưu bảo vệ khí tiết cách mạng ở nhà tù Côn Đảo giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (trong đó có 2 người còn sống), được tổ chức tại Trại 6 Phú An. Rồi đến lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước hy sinh trong 113 năm tại Nhà tù Côn Đảo, được tổ chức long trọng tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Sáng ngày 22/7, nghi thức lễ giỗ truyền thống được tổ chức tại Đền thờ Côn Đảo. Trong âm thanh 9 tiếng chuông từ đại hồng chung, lãnh đạo khách mời, lãnh đạo địa phương và đại diện các cơ quan, ban ngành, cùng các cựu tù chính trị, các tầng lớp nhân dân xúc động dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước đang yên nghỉ tại Côn Đảo. Nhiều người được con cháu dìu lên, vào tận gian trong của Đền Thờ, đưa tay chạm tên 2.284 liệt sĩ hiện đã tìm được và vinh danh khắc trên bia đá.
Tháng 3/1862, 50 tù nhân đầu tiên bị đày ra Côn Đảo, một năm sau (1863), số tù nhân Côn Đảo đã tăng lên 500 người. Đến tháng 4/1975, còn 7.448 chiến sĩ và đồng bào yêu nước (trong đó có 4.234 tù chính trị) bị giam cầm trong 8 trại giam của hệ thống nhà tù này. Trong 113 năm, có khoảng 20 vạn người phải sống trong “địa ngục trần gian” ấy. Trong số đó có những chí sĩ yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân…, các lãnh tụ Cộng sản như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Duy Trinh… Có cả 3 nhà sư, một người Hoàng tộc và nhiều người nước ngoài (Lào, Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản…).
Không thể thống kê có bao nhiêu tù nhân trong 53 đời chúa đảo và trong từng trại Phú Hải, Phú Sơn, Phú Thọ, Phú Tường, Phú Phong, Phú An, Phú Hưng, Khu biệt lập Chuồng bò, Chuồng cọp thời Pháp, Chuồng cọp thời Mỹ. Nhưng có thể ước tính khoảng 1/10 số tù nhân 20 vạn người ấy bị giết hại ở Hàng Keo, Hàng Dương, Chuồng Bò, Cỏ Ống, Hàng Cau và rải rác khắp mọi nơi trên 16 hòn đảo và ngoài biển khơi thuộc quần đảo.
Từ bạn tù xưa cắm cây làm dấu bia, gom sỏi đá lập mộ, đến chính quyền địa phương và con cháu, người thân nay xây mộ, đúc bia, xếp thẳng lối ngay hàng, phân ra khu A-B-C-D, Ban Quản lý di tích nhà tù Côn Đảo cho biết, hiện tại Nghĩa trang Hàng Dương có 4 khu mộ, quy tập 1.922 mộ chí (trong đó có 25 mộ tập thể), nhưng chỉ 714 mộ có đầy đủ tên và địa chỉ liệt sĩ.
Vậy còn bao nhiêu hài cốt nằm lẫn trong diện tích hơn 51,5 cây số vuông của đảo lớn nhất (Côn Đảo) và nhiều đảo khác? Và cả vạn người thoát khỏi “Địa ngục trần gian” với tấm thân tàn phế, mang trong mình bao chứng bệnh nan y, nhiều phụ nữ không còn thiên chức làm mẹ...
Lễ viếng tại Nghĩa trang Hàng Dương chiều 21/7/2019 - Ảnh: VGP/Hà Minh Hồng
Tính ra, địa phương nào trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam ngày nay cũng đều có những người con bị cầm tù và hy sinh ở Côn Đảo. Năm nào cũng có người khắp Bắc-Trung-Nam về dự lễ giỗ - con cháu các Anh hùng liệt sĩ trên cả nước và ở nước ngoài những ngày này đều hướng về nơi cha anh từng đấu tranh bằng ý chí, nghị lực và hy sinh để giữ gìn khí tiết người cách mạng.
Đã thành thông lệ, từ năm 2012 đến nay, lần thứ 8 này, ai về dự cũng đều cảm động và nhận thấy lễ giỗ được tổ chức ngày càng trang trọng và bài bản. Nhiều người cho rằng lễ giỗ chọn ngày Âm lịch là đúng với truyền thống nhưng cũng có ý kiến lễ giỗ được kết hợp đúng với ngày tưởng niệm và tri ân quốc gia 27/7 hằng năm thì nội dung ý nghĩa còn lớn và phong phú hơn nhiều, bởi đạo “Đền ơn đáp nghĩa” và đức “Ăn quả nhớ người trồng cây” chẳng phân biệt âm-dương bao giờ.
Các cựu tù chính trị vẫn từng mong muốn có một “Ngày Côn Đảo” để hằng năm trở thành dấu mốcvề lại Côn Đảo - nơi một thời là “Địa ngục trần gian”, nơi điển hình và khét tiếng về chế độ áp bức, giam cầm, hành hạ, tàn sát các chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước, cũng là nơi giặc hung bạo phải run sợ trước khí phách, khí tiết cách mạng của những người tù yêu nước; là “Trường học cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ cộng sản trên trận tuyến tù đày đấu tranh trực diện với kẻ thù.
Hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo từ năm 1979 đến nay đã trở thành nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối. Những tấm gương kiên trung, sự hy sinh cao cả của nhiều thế hệ cha anh trên mảnh đất thiêng liêng này mãi mãi là ngọn đuốc sáng dẫn đường cho thế hệ trẻ đang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Còn nhớ sau giải phóng, ngày 27/8/1976, đồng chí Lê Duẩn khi trở lại thăm nơi ông từng bị giam cầm năm xưa, đã đánh giá: “Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng. Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại. Côn Đảo là một trường học lớn đối với thế hệ mai sau”.
Hơn 20 năm sau, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng từng đưa ra ý tưởng định kỳ hằng năm có một “ngày Côn Đảo” được tiến hành trong cả nước - đó “là ngày hành hương dành cho thân nhân các gia đình liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây và cũng đánh dấu ngày mở đầu mùa du lịch Côn Đảo”.
Đi qua thời kỳ bi tráng của lịch sử, Côn Đảo đã và đang chuyển thành đảo ngọc - đảo thiên đường xanh, có màu xanh nước biển và màu xanh của những cây bàng di sản; nhưng giá trị trường tồn của Côn Đảo khi trở thành địa chỉ du lịch tâm linh để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, vẫn là đảo thiêng - biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Theo PGS.TS Hà Minh Hồng (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM)/Baochinhphu.vn