“Khi Chính phủ làm Đề án đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chúng tôi lấy số liệu cực khổ. Số liệu về các vùng, ngành kinh tế còn cực khổ hơn nữa”, Phó Thủ tướng bày tỏ và lưu ý, vừa qua Bộ NN&PTNT báo cáo xuất khẩu 200.000 tấn thịt lợn nhưng Bộ Công Thương lại báo cáo xuất được 300.000 tấn.
Chỉ rõ những hạn chế của ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thống kê phải đổi mới, hoàn thiện theo hướng hiện đại bảo đảm 4 chỉ tiêu: Đồng bộ hóa, chuẩn hóa, quy trình hóa và tin học hóa. Tất cả quá trình tổng hợp, phân tích, dự báo, thông tin phải phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhưng lưu ý tới điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam để bảo đảm căn cứ chuẩn xác cho Chính phủ hoạch định chính sách.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu số liệu thống kê phải chuẩn xác, minh bạch
Lấy ví dụ, thống kê lao động Việt Nam khác với cách thống kê lao động của các nước phát triển vì ở các nước này, mất việc là thất nghiệp ngay nhưng ở Việt Nam một người thất nghiệp có thể chuyển sang ngay công việc khác trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu ngành Thống kê thực hiện đa dạng hóa sản phẩm thống kê, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của thông tin thống kê, bảo đảm tính chân thực, khách quan, trung thực, kịp thời, đi kèm với phân tích, dự báo và đánh giá tình hình kinh tế, xã hội. “Cơ quan thống kê quốc gia phải chịu trách nhiệm cuối cùng về con số này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Thống kê rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cơ cấu lại số cán bộ hiện có theo hướng cải cách mạnh mẽ để đáp ứng nhiệm vụ trong thời gian tới. Chính phủ sẽ tạo mọi thuận lợi về cơ chế, điều kiện cho ngành Thống kê thực hiện nhiệm vụ. Đối với việc tính tổng sản phẩm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Tổng cục Thống kê cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại cách tính này.
Lao động ngành dệt-may
“Nên chăng từ năm 2017, việc thực hiện tính GRDP (tổng sản phẩm kinh tế) một vài năm, rồi kiểm soát, đánh giá lại và giao cho các tỉnh làm vì các địa phương vẫn còn vai trò của Cục Thống kê, hoạt động với đầy đủ chức năng, nghiệp vụ. Không thể cắt khúc việc thu thập, quản lý, tính toán và công bố số liệu thống kê”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Về chỉ tiêu kinh tế- xã hội vùng lãnh thổ, vùng kinh tế (cả nước đang có 6 vùng kinh tế-xã hội và 4 vùng kinh tế động lực), Phó Thủ tướng cho việc không có số liệu thông tin thống kê của vùng khiến công tác kiểm tra, giám sát, lập quy hoạch là rất khó khăn. “Không phải là việc thành lập một cấp thống kê vùng mà phải chiết xuất thông tin ra mà làm”, Phó Thủ tướng định hướng.