Tôn Ngộ Không trong phim Tây Du Ký.
Hình ảnh con khỉ gắn với thói xấu và nỗi buồn
Theo sự tích kể lại khỉ vốn xuất thân từ người. Ngày xưa có nhà phú ông làm cỗ đãi khách, mọi người tập trung ăn uống linh đình. Chỉ có một cô gái không được ăn, vì phải đi gánh nước. Gánh đến gánh thứ mười cô mệt quá, lại tủi thân nên ngồi khóc. Có một ông lão ốm yếu đi tới xin cô nước uống, cô lấy nước cho ông, thấy ông đói cô bảo:
- Họ chỉ cho con miếng cơm cháy, ông ăn tạm đi.
Ăn xong ông lão hỏi:
- Tại sao lúc nãy con khóc?
- Con không được đẹp nên bị mọi người chê bai, hắt hủi. Con muốn mình đẹp hơn!
- Con hãy xuống giếng, thấy bông hoa nào đẹp thì mút lấy, sẽ được như ý!Cô gái xuống giếng, cô mút bông hoa màu trắng, khi lên bờ tự nhiên cô thành trắng trẻo và xinh đẹp. Lúc cô về nhà, mọi người ngạc nhiên hỏi, cô kể lại đầu đuôi. Mọi người bỏ ăn cỗ chạy ra giếng biếu cơm, tặng thịt cho ông lão rồi cũng xuống giếng tìm hoa để mút. Nhưng họ chỉ chọn mút những bông hoa sặc sỡ màu đỏ, khi lên bờ họ không những không trẻ đẹp mà lại già đi, da dẻ nhăn nheo, người mọc đầy lông, đã thế lại có thêm một cái đuôi.
Khi những người này trở về dân làng sợ hãi đuổi đi. Sợ chúng quay lại, họ lấy mắm tôm ném vào người chúng, những người này bỏ lên rừng và thành khỉ.Từ sự tích đó, cùng với tính cách của loài khỉ, trong văn học dân gian, khỉ thường gắn với những điều xấu. Chẳng hạn khi chê ai xấu người ta bảo: “Xấu như khỉ đột”, “Nhăn như mặt khỉ”, chê ai gian dối, lừa lọc thì nói “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”. Còn khi có ai đó bị chê “làm trò khỉ” thì phải hiểu người này đã làm một việc không đứng đắn, sai trái, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng đạo đức.
Trong văn chương, hình ảnh con khỉ cũng thường được gắn với những gì buồn bã. Nói về nơi xa xôi, khó khăn “nơi khỉ ho, cò gáy”, cô gái phải gả chồng xa thì than thân, trách phận: - “Má ơi! Đừng gả con xa. - Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu!”
Người sinh năm con khỉ, cũng không mấy hài lòng: - “Người ta tuổi ngọ, tuổi mùi. - Tôi đây luống những ngậm ngùi tuổi thân” (thân - tuổi con khỉ).
Ngay cả khi chửi cạnh, nói kháy kẻ khác khỉ cũng vẫn phải chịu tiếng xấu - hôi hám: - “Chuột chù chê khỉ rằng hôi. - Khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm”.
Khỉ có tính hiếu động, chả mấy khi ngồi yên, giống ngư người không làm chủ được bản thân nên dễ gặp rủi ro: - “Tuổi thân con khỉ lao xa. - Nhảy qua nhảy lại té ào xuống mương”.
Song Ha Go Seung Do của Jang Seung-eop. Khỉ dâng kinh.
Khỉ là biểu tượng của vẻ đẹp và lòng dũng cảm
Trong văn học hình tượng con khỉ cũng được khắc họa rất sinh động với nhiều phẩm chất đáng quý như dũng cảm, giỏi giang, vui nhộn và nhân từ dù rất ngang tàng, khó bảo.
Trong bộ sử thi nổi tiếng của Ấn Độ - Ramayana có nhân vật Hanuman - một nhân vật trong thần thoại Hindu. Thần khỉ Hanuman trong sử thi đã giúp đỡ người anh hùng Rama để chống lại vua quỷ hung ác Ravana. Chính vì vậy ở Ấn Độ và cả một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Myanmar... rất nhiều đền thờ có tượng thần khỉ Hanuman với vũ khí là quả chùy - biểu tượng cho lòng dũng cảm.
Trong văn học Trung Quốc, nhân vật Tôn Ngộ Không đã trở thành hình ảnh quen thuộc, được biết bao người - nhất là trẻ em, yêu mến. Trong tiểu thuyết “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân, Tôn Ngộ Không là chú khỉ được sinh ra từ hòn đá, đã từng đại náo thiên cung sau theo phò Đường Tăng sang Tây Trúc lấy kinh. Trải qua biết bao hoạn nạn nhưng với võ nghệ cao cường Tôn Ngộ Không đã nhiều lần hàng ma, diệt quỷ, luôn giữ thái độ ngạo nghễ của người anh hùng, một lòng phò trợ sư phụ. Tôn Ngộ Không là nhân vật nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất trong thế giới loài khỉ.
Bìa sách “Không gia đình” có hình chú khỉ Giôlicơ.
Nhưng có lẽ nhân vật khỉ đẹp đẽ nhất đáng yêu nhất đã từng lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu của trẻ em trên thế giới đó là chú khỉ Giôlicơ trong tiểu thuyết “Không gia đình” của nhà văn Pháp - Hector Malo.
Rêmi là một đứa trẻ bị bỏ rơi, chú bị bán và gia nhập gánh xiếc rong của cụ Vitali, gồm chó Capi, Décbinô, Đônxơ và chú khỉ Giôlicơ. Đó là một chú khỉ rất tinh nghịch, khó bảo nhưng lại rất tình cảm và đáng thương. Trong gánh xiếc Giôlicơ đóng vai một vị tướng xuất thân từ gia đình quý tộc, còn Rêmi vào vai anh người hầu ngốc ngếch. Giôlicơ luôn tạo ra tiếng cười bằng vẻ ngoài trịnh trọng, kênh kiệu nhưng sau đó lại là những hành vi thô kệch như xỉa răng lia lịa, ăn uống nhồm nhoàm... Có lần cụ Vitali bị giam ở đồn cảnh sát, Rêmi chỉ đạo buổi diễn, khi thấy viên cảnh sát khệnh khạng đi đến, Giôlicơ đã cố tình bắt chước làm viên cảnh sát rất tức tối xông vào đánh Rêmi vì tưởng chú chỉ đạo con khỉ chế nhạo hắn.
Nhưng thật đáng thương, trong một đêm bão tuyết, mọi người phải ngủ ngoài trời, chó sói đã bắt mất Đônxơ và Décbinô còn “ngài” Giôlicơ bị cảm lạnh vì đã nhảy lên ngọn cây do sợ hãi. Giôlicơ bị sốt rất cao, bị ho nên phải nằm trong chăn, nhưng tính nghịch ngợm và sự ngây thơ của chú khiến người đọc không cầm được nước mắt. Giôlicơ luôn thò cánh tay nhỏ xíu ra khỏi chăn - ý nó muốn mọi người mời thầy thuốc đến chích máu. Và khi thầy thuốc không chịu chữa bệnh cho khỉ, chú đã kiên trì thò tay ra hơn chục lần khiến ông ta cảm động phải thay đổi ý định. Thương Giôlicơ nên mỗi lần thấy chú ho Rêmi lại cho chú một viên kẹo mật ong và thế là Giôlicơ bỗng ho liên tục để được ăn kẹo.
Tranh Khỉ ăn trộm đào.
Vì phải kiếm tiền sinh sống và chữa bệnh cho Giôlicơ, cụ Vatali quyết định vẫn tổ chức biểu diễn xiếc, dù đoàn chỉ còn ông chủ, Rêmi và chú chó Capi. Vậy nhưng dù rất mệt, nghe tiếng trống, Giôlicơ vẫn ngồi dậy đòi được mặc bộ quân phục cấp tướng trên áo có cài lon vàng, quần viền vàng, mũ đại lễ đính chùm lông trắng để biểu diễn. Mọi người không đồng ý, giận dỗi không được, Giôlicơ đã chảy nước mắt làm ai cũng mủi lòng. Khi cụ Vitali hỏi:
- Con muốn đóng trò à?
- “Vâng, vâng” - Toàn thân nó đáp.
Nhưng yêu cầu của nó không được chấp nhận - Giôlicơ đã kiệt sức. Kết thúc buổi diễn, Rêmi trở về thì thấy Giôlicơ trong trang phục cấp tướng nằm dài trên chăn. Chú đã từ giã thế giới với tinh thần của một người lính đã làm tròn bổn phận của mình.
Trong tiểu thuyết “Không gia đình” có lẽ những đoạn xúc động nhất, ngoài viết về Bácbơranh thì là để dành cho chú khỉ - “ngài” Giôlicơ.
Năm 2016, năm Bính Thân, bàn về chuyện con khỉ trong văn học để hiểu thêm những tính cách đáng yêu của khỉ - một con vật được gọi là “hầu nhân” rất gần gũi với con người. Con khỉ trong văn học là một hình tượng đẹp, nhưng không phải không có những thói xấu, tật hư. Đó chẳng phải là cái chung cho tất cả sao - không có gì là toàn bích, là hoàn thiện.