Nhiều người lao tâm, khổ tứ, mày mò đi tìm nguyên nhân “nổi giận” của Thủy Tinh. Họ vỗ ngực tự hào, nếu công trình nghiên cứu của họ công bố phải được phong cỡ giáo sư, viện sĩ, không khéo còn ẵm giải Nobel. Nhưng họ đành ngậm ngùi, lắc đầu xếp công trình vào xó tủ, bởi còn đó nhiều rắc rối, ví như:
Các nhà đầu tư, bất chấp luật lệ, bất chấp giấy phép đã được các cơ quan có thẩm quyền ký duyệt, họ vẫn thực hiện theo ý đồ tính sẵn, để thu lợi được nhiều nhất. Thế là nhiều hạng mục được thu gọn lại, ví như cống thoát nước chẳng hạn, đường kính đáng ra 1 mét, họ chỉ làm 80 phân; diện tích đất chỉ xây được 3 đơn nguyên, họ xây 4;... Chính sự tiết kiệm ấy đã làm cho đất trở nên nặng nề, ngột ngạt, bởi tứ phía đều bị "khủng bố".
Đơn vị thi công, mặc dù có đội ngũ kỹ sư và nhiều người có trình độ trên cả kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, đọc và hiểu các bản thiết kế dễ như trở bàn tay, nhưng họ vẫn cố tìm mọi cách để ăn bớt công trình. Thêm một lần nữa công trình bị méo mó, nhiều công trình khi hoàn thành vô tình tạo nên những con đập sừng sững đố nước nào chui lọt. Nhà trở thành đê chắn nước.
Cảnh tượng dễ gặp ở TPHồ Chí Minh mỗi lần mưa lớn. (Nguồn ảnh: Internet)
Các nhà quy hoạch, những nhà chiến lược ở tầm vĩ mô, luôn đưa ra cái câu, quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thoạt nghe đã toát lên sự uyên bác và sang trọng. Nhưng thực tiễn những quy hoạch ấy có giá trị, có sức sống như thế nào lại chưa được tính đến một cách thấu đáo và khoa học. Vậy nên mạnh ai nấy làm. Nhưng người thực hiện khi được lợi thì người ta vin vào quy hoạch, còn bất lợi lại đánh bài lờ.
Hiện nay, hình như chính quyền nhiều địa phương không kham nổi và chưa làm đúng, làm tròn chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định về quản lý nhà nước và xã hội. Buông lỏng quản lý, thanh tra, kiểm tra không đến nơi, đến chốn, xử lý không nghiêm minh,... là bài ca muôn thuở hầu như hội nghị nào, diễn đàn nào bàn về quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng cũng nói. Nhưng cuối cùng lại phải buông cái câu cửa miệng của cụ Cố, nhân vật của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
Rất nhiều nơi trên đất nước ta, cứ mưa lớn là ngập úng. Bởi khi bàn về tính thượng tôn pháp luật, còn đó những người nói và nói rất hay, nhưng lúc làm lại chưa làm được bao nhiêu, thậm chí để mưu lợi cá nhân, nhưng kẻ nói như rồng bay, phượng múa trên, còn tìm cách lách luật. Một số nơi không chỉ người chấp hành ngang nhiên cho “luật ngập”, mà ngay cả những người thi hành công vụ bảo vệ pháp luật cũng vô cảm khi thấy luật pháp bị xâm hại, đồng lõa với những hành vi phạm pháp.
Các bài toán trên chưa giải được, việc mưa lớn úng ngập vẫn là câu chuyện dài...dài.