"Bố mẹ tôi yêu chị gái vì học giỏi, thương em trai do bé nhất nhà, còn tôi dường như không có lý do gì để được yêu thương", Minh Phương, 28 tuổi, quê Can Lộc, Hà Tĩnh nói.
Chị gái học trường chuyên nên từ bé, mọi việc nhà gần như mặc định là Phương phải cáng đáng "để chị có thời gian học". Chị bị điểm thấp, bỏ cơm nằm khóc, bố mẹ vào cưng nựng dỗ dành nhưng khi điểm của Phương không được như ý, cô lập tức bị lôi ra mắng mỏ, chê dốt nát.
Năm 18 tuổi, cô đỗ đại học, rời quê vào TP HCM. Những tưởng từ đó cô được sống cuộc đời của mình. Nhưng khi chị gái vào Đà Nẵng làm việc, sau lại muốn sang Nhật nên yêu cầu bố mẹ vay 200 triệu đồng đóng phí thủ tục.
"Tiền lãi hàng tháng cho khoản vay này, tôi là người cáng đáng", Phương nói. Bố mẹ làm nông thu nhập bấp bênh, chị gái sang Nhật đúng thời điểm Covid-19, việc làm hạn chế còn đóng đủ loại phí năm đầu nên không có tiền gửi về. Sang năm thứ hai, chị lấy chồng, tiền làm ra chỉ vun vén cho gia đình nhỏ.
Sống tại Sài Gòn, thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh nhất năm 2021, Phương mất việc, ở nhà làm online, tháng kiếm ba triệu đồng. Có lần cô ốm nằm bẹp mấy ngày nhưng bố mẹ không ai gọi điện hỏi thăm. Họ chỉ liên lạc khi cần tiền trả lãi hàng tháng. Từ hồi em trai lên đại học, cô còn gánh thêm trách nhiệm lo học phí cho em.
"Lúc nào tôi cũng cảm giác bị bóc lột ngay trong gia đình mình", cô nói.
Vũ Hà, 32 tuổi, ở Hà Nội cũng có chung cảm giác bị hắt hủi như Minh Phương dù nhà chỉ có hai anh em trai. Thời nhỏ, mỗi lần cãi cọ với em trai, bất kể vì lý do gì, ai có lỗi anh luôn bị bố mẹ lôi ra đánh mắng.
Nếu em bị bạn bè bắt nạt, Hà phải chịu đòn roi bởi "không biết bảo vệ em". Đến lượt mình, nếu bị đứa trẻ khác ức hiếp, anh tiếp tục bị bố mẹ mắng là "đáng như vậy" vì không biết phản kháng.
"Trong gia đình tôi, con yêu, con ghét rất rõ ràng", người đàn ông 32 tuổi, quê Thái Bình chia sẻ.
Hồi nhỏ sau bữa ăn, hoa quả được chia thành bốn phần, phần của bố mẹ thường nhường hết cho em trai. Có ngày, em đòi uống sữa chua, mẹ nói với Hà: "Nếu em uống không hết, phần còn lại sẽ là của con". Quả nhiên, khi cậu em chê mẹ mới đưa hộp sữa còn thừa cho Hà.
Lần thứ hai rồi thứ ba, mỗi khi điệp khúc "phần còn lại sẽ là của con" vang lên, Hà chỉ cúi đầu. Tư tưởng "em nhỏ phải nhường nhịn và bảo vệ" của bố mẹ nhồi vào đầu mỗi ngày khiến anh không dám phản kháng. Sau này nhận đồ ăn thừa, Hà đều cho vào thùng rác rồi ngồi khóc.
"Con yêu, con ghét" hay việc một đứa con bị bố mẹ phân biệt đối xử ngay trong gia đình là câu chuyện không hiếm. Khảo sát gần đây của VnExpress với gần 300 độc giả cũng cho thấy, 61% cho biết từng bị bố mẹ đối xử thiên vị, trong đó 29% là thường xuyên và 32% tùy vào trường hợp.
Trong nghiên cứu của Đại học Cornell năm 2020, các nhà khoa học Mỹ đã phỏng vấn 274 bà mẹ 60 đến 74 tuổi cùng với 671 người con của họ. Kết quả, 70% các bà mẹ dễ dàng chọn ra một người con mà họ cảm thấy gần gũi nhất. Trong đó, 15% người con được phỏng vấn chia sẻ, họ từng bị mẹ phân biệt đối xử.
"Về mặt nhận thức, mọi cha mẹ đều biết thiên vị giữa những đứa con là không tốt nhưng họ khó đối xử bình đẳng, thường dành sự quan tâm, tình yêu thương cho một đứa con nhiều hơn những đứa khác", chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương nói. Sự thiên vị này thường không có lý do chính đáng, chủ yếu dựa vào cảm xúc chủ quan của bố mẹ.
Lý giải điều này, bà Hương cho hay, thường xảy ra trong những gia đình mang tư tưởng gia trưởng, con trai thường được yêu quý hơn con gái hoặc cha mẹ thích con đầu lòng khi mọi cảm xúc đều mới mẻ, hoặc con út vì bé bỏng nhất nhà, con giữa ít được chú ý hơn. Thậm chí sau khi trẻ trưởng thành, cha mẹ có thể thích những đứa con sống gần mình hơn.
Tính cách và hành vi của trẻ cũng ảnh hưởng đến cách mà cha mẹ đối xử với chúng. Người lớn thường nghiêm khắc với những đứa trẻ nghịch ngợm và nhẹ nhàng hơn với trẻ biết cảm thông. Ngoài ra còn một số lý do cá nhân, chẳng hạn như đứa trẻ đó rất giống ngoại hình hay tính cách của bố hoặc mẹ. "Cha mẹ có xu hướng ưu tiên đứa trẻ giống họ nhất nhằm nhắc nhở về bản thân hoặc đại diện cho những gì được coi là cách nuôi dạy con cái thành công", bà Hương nói.
Sự thiên vị này ảnh hưởng lâu dài đến ý thức và giá trị bản thân của trẻ. Theo chuyên gia, trẻ lớn lên trong những gia đình bị đối xử bất công có thể phát triển cảm giác tự ti sâu sắc, thậm chí có thể nuôi trong mình sự giận dữ và có nhận thức tiêu cực đến mối quan hệ gia đình sau khi trưởng thành.
Như Minh Phương, sau này khi vào TP HCM làm việc và sinh sống, vài năm cô mới về nhà một lần. Phương nói, sợ phải nghe những lời càm ràm của bố mẹ về trách nhiệm của con cái với gia đình. Gần 30 tuổi nhưng cô vẫn độc thân bởi không tin vào tình yêu. "Đến người sinh ra tôi còn đối xử như vậy nữa là người ngoài", Phương đúc kết.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tâm lý, chuyên gia Trịnh Trung Hòa khẳng định tình yêu của cha mẹ với những đứa con không được phép thiên lệch. Trẻ nhỏ cần được đối xử bình đẳng để không nảy sinh tâm lý một bên là "nạn nhân", bên kia là kẻ "bắt nạt".
Trước tiên bố mẹ phải áp dụng nguyên tắc "được - cấm - phải", cái gì được làm, cái gì cấm làm và cái gì phải làm, yêu cầu trẻ tuân theo. Khi các con vi phạm, thái độ của bố mẹ là bình đẳng, khi chia quyền lợi cũng phải công bằng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, trong mắt trẻ nhỏ "công bằng" có nghĩa là "giống hệt nhau". Bởi vậy cha mẹ nên giúp con cái hiểu, đối xử không giống nhau không phải là bất công mà dựa trên sự khác biệt. Ví dụ, cho một đứa trẻ tham gia lớp học nghệ thuật và để đứa kia chơi bóng đá, điều này dựa trên khả năng và sở thích khác nhau, chứ không phải là thiên vị.
"Vai trò của cha mẹ là yêu thương mọi đứa trẻ. Tình yêu là bình đẳng, nhưng nội dung và hình thức có thể khác nhau", ông Hòa nói.
Đặc biệt cần kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của con, chẳng hạn trẻ sẽ hỏi "Sao mẹ lại đối xử tốt với anh trai như vậy"; "Mẹ có thể cho anh trai học trượt patin, tại sao con lại không?". Những câu hỏi nghi vấn thậm chí phàn nàn là cơ hội tốt để tăng sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.
Với những đứa con bị đối xử không công bằng, ông Hòa khuyên nên chọn cách tha thứ để giải quyết mọi mâu thuẫn. Đôi khi cha mẹ không hiểu được hành vi của họ đã làm tổn thương con cái. Những đứa con có thể đặt lên bàn cân so sánh về những điều khiến họ bị tổn thương và những gì phải biết ơn cha mẹ để mở lòng mình hơn. Trong quan hệ với anh chị em, cũng không nên mang tâm lý đổ lỗi sẽ khiến mọi việc thêm căng thẳng.
Từ trải nghiệm của bản thân nên khi trở thành cha của hai đứa trẻ, Vũ Hà vẫn luôn cố gắng để không thiên vị, tránh tổn thương tâm lý các con. "Tôi không ủng hộ quan điểm làm anh là phải nhường em, hay bố mẹ phải bảo vệ đứa nhỏ hơn khi xảy ra tranh cãi, điều này sẽ nuôi dưỡng sự thiên vị", người bố 32 tuổi nói.