Ở tuổi 29, cầu thủ người Nghệ An sẽ phải nỗ lực rất nhiều để lấy lại những gì đã mất.
Gần 2 năm mới có 1 lần đá chính
Yokohama FC và Công Phượng ký hợp đồng có thời hạn 3 năm vào đầu năm 2023. Sau 1 năm, Yokohama FC xếp chót bảng và phải xuống chơi ở giải hạng Nhì Nhật Bản (J-League 2) trong năm 2024.
Tưởng ở sân chơi này, tiền đạo đội tuyển Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để ra sân nhưng anh tiếp tục ngồi dự bị, thậm chí là không được đăng ký vào danh sách thi đấu.

Công Phượng không có cơ hội cạnh tranh một suất thi đấu tại đội 1 Yokohama FC khi vắng mặt toàn bộ 29 vòng đấu đã qua tại giải J-League 2. Bên cạnh đó, anh cũng không có tên trong danh sách đăng ký ở 2 trận đấu của Yokohama tại giải Emperor Cup.
Tại Nhật Bản, gần 2 năm qua, Công Phượng có vỏn vẹn 1 lần đá chính cho Yokohama FC tại cúp Quốc gia hồi tháng 4, bên cạnh đó là vài lần vào sân từ ghế dự bị. Anh chưa lần nào được thi đấu ở sân chơi J-League 1 và J-League 2. Quyết định chia tay đội bóng Nhật Bản của Công Phượng được cho là phù hợp.
Việc Công Phượng phải “ngồi chơi, xơi nước” ở Nhật Bản khiến anh mất rất nhiều. Không chỉ đóng vai dự bị ở Yokohama, tiền đạo sinh năm 1995 còn khó cạnh tranh ở đội tuyển Việt Nam. Lần gần nhất anh được ra sân cho đội tuyển đã từ tháng 9/2023, ở trận giao hữu gặp Palestine.
Hiện chưa rõ bến đỗ mới của Công Phượng nhưng theo thông báo của Yokohama FC đưa ra về việc chân sút xứ Nghệ sẽ chuyển đến thi đấu ở một CLB nước ngoài thì có thể khẳng định, điểm đến tiếp theo của CP10 không phải là một đội bóng Nhật Bản. Gần như chắc chắn tiền đạo mang áo số 10 sẽ về nước.
Đang có nhiều nguồn tin cho rằng Công Phượng sẽ khoác áo một đội bóng hạng Nhất của Việt Nam. Giải hạng Nhất sẽ khởi tranh vào giữa tháng 10, vì thế sau khi về nước Công Phượng có đủ thời gian để thích nghi với đội bóng mới.
Bóng đá Việt Nam “sạch bóng” cầu thủ ở nước ngoài
Sau khi Công Phượng về nước, bóng đá Việt Nam không còn cầu thủ nào thi đấu ở nước ngoài. Có gì đó đáng tiếc cho Công Phượng bởi anh là cầu thủ xuất ngoại nhiều nhất nhưng tất cả đều thất bại.
Trước khi xác nhận chia tay Yokohama FC, trong sự nghiệp của mình, Công Phượng lần lượt thi đấu tại: Mito Hollyhock (Nhật Bản, 2016), Incheon (Hàn Quốc, 2019), Sint-Truiden STVV (Bỉ, 2019) - một kỷ lục không dễ phá đối với cầu thủ Việt Nam.
Nếu như ở những lần đầu, chân sút trưởng thành từ lò đào tạo HAGL không phải nhận quá nhiều sự kỳ vọng bởi tất cả được coi như bản hợp đồng thương mại nhiều hơn là vì chuyên môn.
Tuy nhiên, ở lần thứ 4 khi chuyển tới Yokohama FC thì khác, Công Phượng được đội bóng Nhật Bản ký hợp đồng tới 3 năm, cùng với đó là sự quyết tâm vô cùng lớn từ chân sút người xứ Nghệ. Nhưng cuối cùng, Công Phượng vẫn bị “bỏ rơi” và thực tế anh cũng chưa đủ trình độ để có thể cạnh tranh ở một nền bóng đá đỉnh cao như Nhật Bản.
Trong quá khứ, nếu thế hệ Huỳnh Đức đến Công Vinh không ghi dấu ấn có thể hiểu được bởi bóng đá Việt Nam khi đó vốn chưa có nhiều người biết đến. Nhưng sau này, những Đặng Văn Lâm, Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… đều sở hữu điều kiện hơn hẳn so với lứa đàn anh, đàn chú, tuy nhiên rốt cuộc vẫn ra đi và trở về trong sự nhạt nhòa.
Quang Minh
Báo Lao động và Xã hội số 112