
Thanh niên Hà Nội tìm hiểu về mất cân bằng giới tính khi sinh và công tác bình đẳng giới. Ảnh: KT
Một số thuận lợi và khó khăn trong thực hiện BĐG ở Hà Nội
Công tác BĐG ở Hà Nội, được triển khai thuận lợi trong bối cảnh hành lang pháp lý về BĐG ngày càng được hoàn thiện. Luật BĐG có hiệu lực từ ngày 01/7/2007, ngày 15/10/2007 Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm đưa vấn đề BĐG vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô. UBND các cấp, lãnh đạo các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tổ chức các hoạt động BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ. 30/30 quận, huyện, thị xã đã bố trí cán bộ làm công tác BĐG. Công tác thu thập các chỉ tiêu số liệu về giới trên các lĩnh vực đã được quan tâm. Hầu hết các chỉ tiêu chính về cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, về giáo dục đào tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ và tham gia bộ máy quản lý lãnh đạo đã có chuyển biến tích cực.
Đạt kết quả trên, là do có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự chuyển biến nhận thức ngày càng rõ hơn về trách nhiệm trong thực hiện Luật BĐG của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã về sự cần thiết phải tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, phát huy tiềm năng của giới nữ đóng góp vào sự phát triển chung của TP.
Tuy nhiên, công tác BĐG còn gặp không ít những khó khăn như: Kết quả thực hiện BĐG giữa các vùng chưa đồng đều. Sự chênh lệch về nhận thức, trình độ văn hóa, mức sống, phong tục tập quán giữa các vùng, miền đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công tác BĐG. Tình trạng bất BĐG vẫn tồn tại đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tư tưởng trọng nam, coi thường nữ vẫn còn, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao... Tỷ lệ phụ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của lực lượng lao động nữ. Tỷ lệ lao động nhập cư ngày càng tăng cao trong đó có lao động nữ. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không có xu hướng giảm và diễn biến ngày càng phức tạp.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm, Hà Nội và hoạt động giúp đỡ phụ nữ nhập cư, thực hiện bình đẳng giới. Ảnh: KT
Đẩy mạnh tuyên truyền về BĐG
Ngay sau khi Luật BĐG được ban hành, 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật tới toàn thể cán bộ, hội viên và nhân dân thông qua các hội nghị, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB), trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh xã, phường. Trong 10 năm, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố (PBGDPLTP) đã tổ chức 1.650 hội nghị tuyên truyền về Luật BĐG và Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/6/2008, với sự tham tham của 198.000 lượt cán bộ chủ chốt cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và gần 200.000 lượt phụ nữ.
Hội đồng PBGDPLTP đã xây dựng Trang điện tử tuyên truyền pháp luật và đi vào hoạt động từ tháng 12/2014, với nhiều chuyên mục tuyên truyền như: Giải đáp pháp luật, giải đáp pháp luật trực tuyến; trang Điện tử đã có 1.463 bài giải đáp pháp luật tuyên truyền về BĐG, hôn nhân và gia đình; Hội Liên hiệp Phụ nữ TP đã tổ chức 52 lớp tập huấn, phổ biến pháp luật “lưu động” về BĐG cho 32.915 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên, hội viên nòng cốt... Riêng Sở LĐTBXH Hà Nội, đã biên soạn và phát hành 24.000 cuốn sổ tay “Hỏi - Đáp về Giới và Luật BĐG”, in và phát hành 4.600 cuốn tài liệu, 30.000 tờ gấp trong đó có nội dung tuyên truyền về Luật BĐG. Công tác tuyên truyền Luật BĐG, còn được thông qua việc xây dựng các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật, xây dựng tủ sách phụ nữ... Đến nay, đã có 16 CLB điểm “Phụ nữ với pháp luật” và 15 CLB điểm “Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”;…
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TP đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức về giới và BĐG tại 18 quận, huyện, thị xã với số lượng trên 30.000 bài. Trong 10 năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tổ chức 1.051 cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, BĐG và vấn đề về gia đình, 5.870 cuộc hội thảo, tọa đàm, giao lưu thúc đẩy BĐG...
Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái, các sở, ban, ngành đã phối hợp tham gia giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái như: phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, kết hôn mang tính chất lừa đảo, vụ lợi…
Hàng năm, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, từ TP tới các quận, huyện, phường, xã đã tổ chức căng treo khẩu hiệu trên các tuyến phố, phát thanh tuyên truyền trên hệ thông loa truyền thanh phường, xã với chủ đề liên quan tới phụ nữ và BĐG. Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động gặp mặt, tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi nấu ăn…
Nhờ những hoạt động hiệu quả, năm 2016, năm đầu tiên tổ chức “Tháng Hành động vì BĐG, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới”, Hà Nội đã vinh dự được Bộ LĐTBXH lựa chọn là đơn vị phối hợp tổ chức Lễ phát động cấp quốc gia tại Nhà hát Lớn với sự tham gia của gần 2.000 người.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật BĐG trên địa bàn Hà Nội, đã góp phần từng bước làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và BĐG.
Thu Lan/GĐ&TE