Ông Vũ Sơn Hải - Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quang Bình cho biết, Hà Giang hiện có 273.000 trẻ em từ 0-16 tuổi, chiếm 32% dân số. Quang Bình có 17.925 trẻ em từ 0 đến 16 tuổi, chiếm 26,43% dân số. Năm 2020, Hà Giang phát hiện 33 vụ với 38 trẻ em bị xâm hại.
Các vấn đề liên quan đến trẻ em tại Quang Bình tập trung vào 3 nhóm: Trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn (bố mẹ ly hôn, tiền án tiền sự, bạo lực gia đình…), không được chăm sóc, bị xâm hại về thể chất và tinh thần; Trẻ em dân tộc thiểu số, thiếu sự quan tâm của gia đình và còn tồn tại những hủ tục dễ bị lạm dụng sức lao động, kết hôn sớm…; Các em thiếu kiến thức, kỹ năng về quyền trẻ em và bảo vệ bản thân nên không biết tự bảo vệ bản thân khỏi những đụng chạm xấu, không biết bảo vệ bản thân khi yêu ở độ tuổi thành niên và mang thai, kết hôn sớm…
Ông Hải nêu một câu chuyện tại địa phương. Một nữ học sinh lớp 7 học khá tốt nhưng bỗng dưng nghỉ học 1 tuần mà không có lý do. Giáo viên đã đến tận nhà tìm hiểu và được biết em là chị của 4 em nhỏ. Gia đình em rất khó khăn, bố nghiện rượu, một mình mẹ lam lũ làm việc nuôi cả gia đình, em phải nghỉ học để phụ mẹ làm việc nhà. Bố của em đã nhận tiền và đồng ý gả con gái cho người ta.
Sau khi tìm hiểu và biết hoàn cảnh của em, nhà trường phối hợp chính quyền địa phương đưa bố đi cai nghiện rượu và tạo việc làm. Đồng thời vận động em tiếp tục đến lớp, nhà trường sẽ đồng hành và hỗ trợ em trong khả năng có thể. Sau vài tuần, nữ học sinh đã đi học trở lại.
“Các trường hợp trẻ em gặp khó khăn cần được phát hiện và hỗ trợ kịp thời để phòng ngừa những vấn đề nghiêm trọng hơn. Để làm tốt điều này, nhận thức của người chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ đóng một vai trò quan trọng. Khi người lớn, người có trách nhiệm nhận thức tốt được quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em thì việc giáo dục, trang bị kỹ năng cho trẻ em được thực hiện tốt hơn, gần gũi với trẻ em hơn”, ông Hải nói.
Cũng theo thông tin từ ông Hải, với sự hỗ trợ của tổ chức Good Neigbors International (GNI), địa phương đã thực hiện các dự án như: Trẻ em không phải là cô dâu; Cung cấp các kiến thức và kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh THCS; Truyền thông về phòng chống tảo hôn; Hỗ trợ tram y tế các kiến thức, kỹ năng thám vấn, tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em và người dân về Chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Từ thực tế hoạt động cho thấy, các nhà trường ở Quang Bình thiếu các chương trình giáo dục, bảo vệ trẻ em chính thống, chính thức. Bộ có chủ trương là tích hợp trong các chương trình khác nhưng chưa có chương trình, quy trình một cách rõ ràng. Do đó, các trường tự mò mẫm nội dung và cách triển khai hoạt động nên thiếu tính chuyên môn, sáng tạo. Ngoài ra, giáo viên chưa có đủ kiến thức về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; chưa hiểu hết về tầm quan trọng của việc quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em nên chưa tâm huyết, chưa thu hút được học sinh và hiệu quả giáo dục không cao. Đa số, các hoạt động nhỏ lẻ, chưa thống nhất về nội dung và hình thức thực hiện.
Ông Hải cho rằng, huyện Quang Bình nói riêng và các địa phương miền núi cần được quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn. Bởi hiện các nhà trường thiếu các chương trình giáo dục quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em. Bộ GD&ĐT cần có chủ trương tích hợp trong các chương trình khác nhưng chưa có chương trình và quy trình rõ ràng. Các trường tự mò mẫm nội dung và cách thức triển khai hoạt động nên thiếu tính chuyên môn, sáng tạo. Trong khi đó giáo viên chưa đủ kiến thức về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, chưa hiểu biết về tầm quan trọng của việc gíao dục quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em. Học sinh dân tộc thiểu số, nhận thức hạn chế, kinh tế khó khăn nên việc truyền thông về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em gặp những khó khăn nhất định so với vùng khác.