Với việc sử dụng máy tính cá nhân và máy tính bảng ngày một nhiều đã khiến tình trạng cận thị gia tăng nhanh chóng ở các nước châu Á, trong đó có Nhật Bản.
Cận thị là một tình trạng nhãn khoa phổ biến, trong đó bạn có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng các vật ở xa lại bị mờ. Để hỗ trợ cho đôi mắt, bạn có thể lựa chọn đeo kính cận, kính áp tròng hoặc phẫu thuật mắt.
Một công ty Nhật Bản đã tuyên bố giới thiệu phương pháp không xâm lấn mới để đối phó với bệnh cận thị - một cặp "kính thông minh" sẽ giúp điều chỉnh tật khúc xạ gây cận thị.
Công ty này cũng cho biết, nếu đeo thiết bị từ 60 đến 90 phút mỗi ngày, người bị cận thị sẽ có thể khắc phục được tật cận thị. Đồng thời, họ cũng đang tìm hiểu xem người dùng sẽ cần đeo thiết bị này trong bao nhiêu ngày để có thể xóa bỏ tật cận thị vĩnh viễn.
Đó là chiếc kính có tên gọi Kubota Glasses. "Kính thông minh" chiếu hình ảnh từ thấu kính của bộ phận này lên võng mạc của người đeo để điều chỉnh tật khúc xạ gây cận thị. Hiện, tập đoàn dược phẩm Kubota Pharmaceutical vẫn đang thử nghiệm thiết bị này.
Theo một thông cáo báo chí của công ty từ tháng 12/2020, chiếc kính đặc biệt này dựa vào micro-LEDS để chiếu hình ảnh ảo lên tầm nhìn ngoại vi, kích thích võng mạc. Tuy nhiên, chiếc kính này sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của người đeo.
Kubota Pharmaceutical đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng chiếc kính này vào mùa hè năm ngoái. Hiện họ cũng đang tiến hành thử nghiệm trên khoảng 25 người Mỹ để đánh giá hiệu quả của kính thông minh. Công ty cũng lên kế hoạch bắt đầu bán thiết bị này ở châu Á vào nửa cuối năm 2021 và có kế hoạch thâm nhập vào các thị trường khác trong tương lai.
Mặt khác, Kubota Pharmaceutical cũng đang phát triển một thiết bị hiệu chỉnh cận thị kiểu kính áp tròng đem lại hiệu quả tương tự sau kính thông minh.
"Chúng tôi dự định bán nó đầu tiên ở châu Á, nơi có tỷ lệ người cận thị cao", ông Ryo Kubota, người sáng lập Kubota Pharmaceutical cho biết.