Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cụ ông 12 năm chuyên chặn đường... cứu người


Ông Nguyễn Huy Chi hàng ngày đứng canh trên đường ngang dân sinh.
 
Mang bình an đến trong thầm lặng
 
Chúng tôi tìm gặp cựu binh Nguyễn Huy Chi không khó bởi ai trong xóm 6, xã Quỳnh Tân cũng biết đến ông “gác tàu”. Những người dân ở đây nói vui rằng: “Cứ giờ hành chính là ông Chi ở ngoài chiếc chòi gác nhỏ cuối xóm cạnh đường ngang dân sinh. Tối mịt ông Chi mới dò dẫm dắt chiếc xe đạp cà tàng về nhà. Muốn gặp ông thì phải ra ngoài chòi gác”.
 
Gặp ông Chi trong chòi gác chỉ rộng khoảng 2m2. Bao quanh là bốn bức tường cao 1m. Bốn góc tường là bốn trụ bê tông đỡ 8 tấm proxi măng che mưa, nắng, gió. Bên trong chỉ có duy nhất một chiếc “giường” được ghép bằng những tấm gỗ mỏng xin từ nhiều gia đình về đóng thành. Nghe chúng tôi hỏi chuyện gác tàu, ông Chi hướng ánh mắt về phía đường ray, trầm ngâm: "Hiện đã gần 4 giờ chiều mà chưa thấy tàu chạy qua. Chuyến này tôi đang lo tàu gặp sự cố ở đâu rồi chứ bình thường 3 giờ là tàu đã qua đây".
 
Vừa dứt câu chuyện, ông đứng phắt dậy, tay cầm chặt lá cờ hiệu chạy sang bên kia đường ray nhìn ngó xung quanh. Ông bảo: "Tàu sắp chạy qua", rồi đứng thẳng người với chiếc mũ cối sờn màu, chiếc áo nâu sẫm cũ kỹ bay bay trong gió lạnh. Ông đưa tay cầm lá cờ hiệu lên cao để đón tàu.
 
Đoàn tàu lao vụt qua, ông lại vào chòi gác bỏ chiếc mũ cối cũ vào giỏ xe rồi kể: "Đoạn đường này nhiều xe tải cỡ lớn chở đất đá, cũng như người dân đi xe máy chở hàng cồng kềnh qua đây rất nhiều. Khổ nỗi, đoạn đường ngang dân sinh này không có barie để chắn mỗi khi tàu qua nên đã xảy những vụ tai nạn thương tâm lắm. Khi chứng kiến những tai nạn trên cung đường này lòng tôi như thắt lại".
 
Cũng chính vì lý do đó mà ông Chi đã tự nguyện đảm nhận nhiệm vụ canh tàu này từ năm 2005 đến nay. Ông kể tiếp: “Nhiệm vụ này lúc đầu được giao cho Đoàn thanh niên xã Quỳnh Tân nhưng cũng chỉ được một thời gian. Năm 2005, Hội Cựu chiến binh xã mà trực tiếp là tôi và ông Nguyễn Văn Điểm gánh vác công việc này. Nhưng ông Điểm cũng làm được vài năm rồi mất vì tuổi già. Kể từ đó một mình tôi âm thầm canh tàu ở đây. Làm việc này phải chuẩn xác, chứ lơ là là nguy ngay. Cái này là tôi được học trong quân đội đấy".
 
Năm 1964, ông Chi là người lính thuộc đại đội 2, tiểu đoàn 927 chiến đấu tại Lào. Sau một thời gian, đơn vị của ông lại nhập vào binh đoàn Trường Sơn. Năm 1971, sau một trận đánh, ông Chi bị thương. Sau khi vết thương lành lặn, ông xuất ngũ.
 
Nhiều người được cứu
 
Ông Nguyễn Huy Chi trong căn chòi gác nhỏ khoảng 2m2. ẢNH: V.ĐỒNG
Ông Nguyễn Huy Chi trong căn chòi gác nhỏ khoảng 2m2. ẢNH: V.ĐỒNG
 
Hỏi chúng tôi giờ là mấy giờ, rồi ông lấy chai nước uống một ngụm nói: "Chuyến tàu khách vừa rồi là chuyến cuối trong "ca trực" chiều nay. Còn phải ở đây đến 18 giờ vì đang còn tàu hàng. Đường ngang này người xe qua lại không ngớt. Tôi không nhắc nhở, cảnh báo là không thể yên tâm được".
 
Thấy chúng tôi thắc mắc khi trong chòi trống trơ, không có lịch giờ tàu, không có điện thoại, đồng hồ…chỉ có chiếc cờ hiệu sạm màu mưa nắng, làm sao ông có thể canh tàu được an toàn?. Ông xoa xoa hai bàn tay gầy guộc, cười xòa: “Do trực thường xuyên nên tôi nhớ hết lịch tàu khách chạy qua đây rồi. Sáng đến trưa có chuyến 7h, 10h30, 11h. Chiều thì 2h, 3h. Còn tàu hàng thì không cố định nhưng nghe tiếng còi tàu là tôi biết tàu đang cách chỗ này khoảng bao nhiêu kilomet để chạy ra cầm cờ “canh tàu” cảnh báo cho người dân, không được lơ là dù chỉ một giây”.
 
Nhớ về những lần cảnh báo cho người dân tránh tai nạn, ông Chi nhớ lại: “Cách đây 3 năm, có người phụ nữ đi xe máy chở muối qua đường ngang, vì va phải đá lổn nhổn mà cả xe và người ngã trên đường ray. Biết tàu sắp chạy qua tôi liền chạy lại đỡ chị vào phía trong. May quá, khi đỡ chị ta vừa xong thì thì tàu chạy qua. Thành tàu húc văng chiếc xe chở muối”.
 
Ngoài lần cứu người phụ nữ đó, ông Chi còn nhiều lần ra đứng chắn trước đường ray không cho xe tải, xe con cũng như những thanh niên chủ quan lao xe qua đường tàu khi chuẩn bị có tàu chạy qua. “Họ cứ nghĩ tôi bị hâm nên cứ bấm còi đòi qua. Có người còn dọa đánh tôi nhưng chỉ tích tắc họ thấy tàu chạy qua thì xuống xe xin lỗi tôi rối rít”- ông Chi kể.
 
Trong khi kể chuyện người cựu binh vẫn cầm chặt chiếc cờ hiệu trong tay. Ông bảo, cầm cờ hiệu mãi nên quen rồi, ít khi rời nó lắm. Ngoài chiếc cờ hiệu cũ sờn đã gắn bó với ông suốt 12 năm thì ông còn được Cung trưởng Cung đường Quỳnh Văn trang bị cho “mìn” cảnh báo (mìn nổ như tiếng pháo, khi xảy ra sự cố trên đường ray, ông phải chạy cách 800m cài dưới đường ray để tàu đang đi tới thì “mìn” cảnh báo sẽ phát nổ, giúp đoàn tàu biết sự cố để dừng lại). Còn chiếc còi thì ông Chi cũng đề xuất mãi mới được trang bị.
 
Hỏi về thù lao khi ông làm công việc này thì người cựu binh già cười xòa: “Ngoài tiền chế độ thương binh của tôi được “3 con 8” (888.000 đồng) do Nhà nước chi trả thì việc canh tàu này tôi được Công ty đường sắt Thanh Hóa hỗ trợ gần 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, không có thêm một khoản nào cả. Số tiền này cũng chỉ đủ chi tiêu cho hai vợ chồng già thôi”.
 

Theo Vũ Đồng/GiadinhNet

Tin liên quan