Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cùng con vượt qua trầm cảm

 
 PGS.TS Nguyễn Phương Hoa. Ảnh: T.V
 
Thưa PGS.TS Nguyễn Phương Hoa, trẻ em có bị trầm cảm hay không và có thể bị trầm cảm từ khi nào? 
 
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa: Trẻ em ngay từ rất nhỏ đã có thể bị trầm cảm. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy, khi người mẹ mang thai mà bị trầm cảm, lo âu thì đứa trẻ sinh ra có tỷ lệ cũng khá lớn là sẽ bị trầm cảm, lo âu. Biểu hiện thường thấy của đứa bé là: Khi mới ra đời, một số bé dễ nuôi, một số khác khó nuôi. Chúng có thể khóc ngằn ngặt suốt 3 tháng, thậm chí 9 tháng. Chúng có thể lo âu đến mức là chỉ cần rời xa tay mẹ, không cảm nhận được hơi ấm của mẹ là chúng đã khóc ngằn ngặt. Tuy nhiên, không phải tất cả các em bé có những biểu hiện như vậy đều bị trầm cảm. 
 
Bà có thể đánh giá về tình trạng trầm cảm của học sinh, sinh viên hiện nay?
 
Năm 1999-2000, chúng tôi có làm một nghiên cứu về tình trạng rối nhiễu tâm lý của học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ 3 em thì có 1 em có đấu hiệu rối nhiễu tâm lý, trong đó, 10% trẻ em cần được quan tâm thăm khám, chữa trị. Lúc chúng tôi bảo vệ đề tài nghiên cứu thì chỉ được loại khá,  vì có ý kiến cho rằng, số liệu này quá cao, cần xem xét lại. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại thì con số thống kê còn cao hơn nhiều nữa. 
 
Tỷ lệ trẻ em gặp khó khăn, không chỉ trầm cảm mà còn có dấu hiệu lưỡng cực, rối loạn hành vi, nhân cách thì rất đáng ngại. Chúng tôi đang rất quan tâm về vấn đề này để có những nghiên cứu sâu sắc hơn và có những dự báo chính xác hơn.
 
Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ em?
 
Trầm cảm có rất nhiều nguyên nhân, có thể là do những trục trặc của não bộ, và nó chỉ chực có cơ hội bùng phát, không hẳn chỉ là do áp lực học hành, thi cử. Nhưng các em thường phát bệnh ở trước các kỳ thi, phát bệnh ở trước các “mốc lớn” của cuộc sống. Đó là do các em có thể đã được sinh ra với một hệ thần kinh trục trặc và cần được chăm sóc. Cộng thêm sự không chia sẻ của xã hội; nhà trường, gia đình, không quan tâm đúng mức tới các em cũng tạo điều kiện phát triển bệnh và gây khó khăn trong điều trị.
 
Khi bị trầm cảm, 90% các em sẽ bị rối loạn giấc ngủ (Ngủ rất ít, thiếu ngủ hoặc ngủ rất nhiều nhưng gặp ác mộng và tỉnh dậy rất mệt mỏi); Rối loạn về ăn uống, ăn rất nhiều hoặc chán ăn; Các em cũng sợ xã hội, rút luôn khỏi các mối quan hệ xã hội. 
 
Điều đặc biệt là trẻ em trầm cảm rất dễ tổn thương, có khi chỉ là một ánh mắt nhìn thôi cũng làm các em lo sợ. Tâm trạng xung quanh cực kỳ dễ ảnh hưởng đến các em. Các em thường có những đánh giá bản thân rất kém, cảm thấy tự ti, thấy mình vô tích sự và thường xuyên có suy nghĩ là bản thân không nên sinh ra trên đời. Từ đó dẫn đến các hành vi cực đoan như tự tử. 
 
Mỗi phút mà chúng ta ngồi đây thì trên thế giới có hơn một người làm những hành vi cực đoan ấy, và nếu chúng ta chỉ giúp được một người thôi cũng là rất quý rồi.

 
Trẻ em trầm cảm rất dễ tổn thương. Ảnh minh họa
 
Bố mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua trầm cảm, thưa bà?
 
Trước hết, cha mẹ cần đưa con đi khám và bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác là con bị bệnh gì, nếu có thì phải dùng thuốc hay không, nếu cần thì phải dùng như thế nào. 
 
Thứ hai là kiên trì bên cạnh con, đồng hành cùng con. Điều vô cùng quan trọng là cha mẹ cần phải chăm sóc chính bản thân mình. Trước mắt, các bậc cha mẹ có con đau ốm về tinh thần là một quãng đường dài và vất vả. Tôi cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị về tinh thần, chúng ta cũng có thể sẽ gục ngã trên đoạn đường ấy, mà rất có thể là ngay trước vạch đích cũng nên! Bố mẹ không khỏe thì không thể chăm sóc con được. Bố mẹ phải đủ bản lĩnh, vững vàng để con có thể bám vào, vì trẻ bị trầm cảm phải nỗ lực gấp 100 người bình thường, nên em ấy phải cực kỳ bản lĩnh. Chính vì thế, bố mẹ của bạn ấy phải rất dũng cảm, rất bản lĩnh mới có thể cùng con vượt qua.
 
Khi con em chúng ta nói rằng chúng có vấn đề, nghĩa là trẻ thực sự đau khổ, thực sự cần chúng ta giúp đỡ. Thậm chí, nếu trẻ không nói ra được, mà đóng kín cửa, khóa trái mình trong phòng, khóc lóc không ngừng, lên án cha mẹ, hay ngược lại tự lên án bản thân, hay đòi tự tử… thì chẳng phải trẻ “làm màu” gì đâu, mà trẻ đang kêu cứu! Những căng thẳng, tiếng kêu cứu hoặc phản ứng của trẻ có thể hơi quá, nhưng cha mẹ cần chịu khó lắng nghe, để hiểu, để chia sẻ. Khi lắng nghe con thì bản thân cha mẹ cũng phải tự mình vượt qua khó khăn của mình. “Hãy uống thêm vitamin mỗi ngày, hãy luyện tập một môn thể thao nào đó, dù là thiền, bơi lội, cầu lông, tenis, bóng bàn... Cha mẹ hãy ngủ đủ và giữ cân bằng cho bộ não của chính mình trước đã nhé! Và hãy chia sẻ, đừng xấu hổ nếu bạn có một đứa con bị ốm. Đó không phải là nghiệp chướng của bạn, cũng chẳng phải lỗi lầm do các hành vi xấu xa hay do kiếp trước mang lại”.
 
Tôi nghĩ rằng, bố mẹ cũng là những người cần được chăm sóc, mặc dù dịch vụ tâm lý ở Việt Nam còn hơi ít. Nhưng nếu trong gia đình có người trầm cảm và bản thân cũng có những cơn trầm cảm nhẹ thì việc điều đầu tiên bạn cần làm ngay lập tức là đến gặp các chuyên gia. Trầm cảm là một căn bệnh, nó không tự khỏi và chúng ta phải được chăm sóc y tế một cách tốt nhất.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Phương Hoa!

Thảo Vân (thực hiện)/TC GĐ&TE

Tin liên quan