Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). So với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm nhẹ, tuy nhiên số tử vong tăng 1 trường hợp.
Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2022) và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Các địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai у chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gây đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng bọ gậy.
Ngành Y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống sốt xuất huyết.
Các địa phương tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng chống COVID-19 và các hoạt động khác để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi lăng quăng bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quả tải bệnh viện.
Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch với công tác phòng chống COVID-19, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch...
Đồng thời, bố trí kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ đầu năm đến khoảng giữa tháng 4, Thành phố ghi nhận khoảng 4.500 ca sốt xuất huyết, trong đó 109 ca nặng, 2 ca tử vong. Có thể nói, số trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng năm nay đáng báo động, vì so với năm 2019 - năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca, số ca bệnh nặng chỉ 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của những tháng đầu năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.
Tại các bệnh viện, số ca nhập viện do mắc sốt xuất huyết đang tăng cao, nhiều bệnh nhân nặng. Điển hình như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2022 ghi nhận số bệnh nhân sốt xuất huyết khám và nhập viện tăng gấp 1,5-2 lần cùng kỳ năm 2021.