Các học viên đang tham gia lao động sản xuất tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng
Theo đó, tính đến ngày 15/03/2017, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 477 người đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng (Trung tâm GD-DN 05-06 cũ), trong đó có 30 người cai nghiện tự nguyện, 35 người ngoại tỉnh; 308 người tham gia điều trị Methadone, 21 người cai nghiện tại gia đình- cộng đồng và 590 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú.
Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, chỉ tính riêng trong quý I năm 2017, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tiếp nhận và đưa vào cắt cơn cai nghiện ma túy cho 179 người (14 người cai nghiện tự nguyện), trong đó 115 người mới nghiện và 64 người tái nghiện. Chia sẻ về tình hình thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn, nhiều địa phương bày tỏ, quá trình triển khai công tác vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hùng Hiệp và Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Lê Minh Hùng trực tiếp lắng nghe những khó khăn, vướng mắc tại các địa phương.
Theo cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, việc quản lý người sau cai nghiện nếu căn cứ vào lời kê khai của đối tượng là bất hợp lý. Bởi trên thực tế việc quản lý đối tượng này tại địa phương lâu nay đã không dễ, nên nếu đối tượng được chuyển về nơi có hộ khẩu thường trú sẽ thuận lợi hơn trong công tác quản lý đối tượng. Cũng về vấn đề này, cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội phường Bình Thuận chia sẻ, ngay cả đối tượng có hộ khẩu thường trú tại địa phương vẫn rất khó để quản lý bởi hầu hết các đối tượng này thường xuyên không có mặt tại nơi cư trú.
Về công tác cai nghiện tại gia đình- cộng đồng, nhiều xã, phường bày tỏ sự lo ngại về quá trình cắt cơn, giải độc tại các trung tâm y tế có thực sự đảm bảo và hiệu quả?. Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, trong quý I/ 2017, thành phố có 21 người cai nghiện tại gia đình- cộng đồng. Hầu hết các địa phương đều tổ chức tốt công tác lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc và phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn. Không thể phủ nhận, một số Trung tâm Y tế quận, huyện chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc men, đội ngũ cán bộ y tế lại chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên chất lượng, hiệu quả cai nghiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, trong quá trình tổ chức cai nghiện tại gia đình- cộng đồng, một số địa phương chưa nhận thức đúng đắn về công tác này, mà việc tổ chức triển khai chỉ là thủ tục để thực hiện việc lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Trong khi đó, bản thân người nghiện và gia đình lại chưa hợp tác với chính quyền địa phương, chưa tự giác đăng ký cai nghiện... Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến công tác cai nghiện tại gia đình- cộng đồng chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.
Về công tác tiếp nhận và điều trị người bị loạn thần (do sử dụng chất gây nghiện) tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cán bộ chuyên trách phường Hải Châu II cho biết, mức đóng để được tiếp nhận và điều trị tại bệnh viện quá cao, 3 triệu đồng/ 1 người/ tuần. Cũng theo cán bộ này, tại địa phương có gia đình cả hai chị em đều bị loạn thần và từng cai nghiện nhiều lần tại Trung tâm GD-DN 05-06. Để được điều trị, trước mắt gia đình phải đóng 6 triệu đồng/ 2 chị em/ 1 tuần, trong khi các gia đình có con em bị nghiện đa số đều rất khó khăn...
Trực tiếp lắng nghe những ý kiến, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội mà các xã, phường đang gặp phải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng Nguyễn Hùng Hiệp cho rằng, “Công tác tổ chức cai nghiện, quản lý người nghiện đều không dễ. Chính vì vậy, vướng mắc đến đâu, chúng ta vừa làm vừa sửa, vừa rút kinh nghiệm để có được kết quả tốt nhất.” Cũng theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, thời gian qua, mặc dù công tác phòng chống tệ nạn xã hội được thực hiện hết sức quyết liệt, thế nhưng tình trạng người nghiện vẫn gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, trước khi có Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND về quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn TP. Đà Nẵng, địa phương có 1.600 đối tượng, nhưng đến nay đã tăng lên hơn 3.000 người.
Về công tác cai nghiện tại gia đình – cộng đồng, ông Hiệp khẳng định, mô hình vẫn đem lại hiệu quả rõ rệt (chỉ có 61/ tổng số hơn 300 đối tượng tái nghiện). “Không phải khi nào đưa đối tượng vào cai nghiện tập trung cũng là tốt nhất và hiệu quả nhất. Nhân tố thành công trong công tác cai nghiện chính là sự hợp tác, quyết tâm từ chính bản thân và gia đình người nghiện. Để làm được điều này, mỗi cán bộ chuyên trách cần có sự tìm hiểu để giúp đỡ, cảm hóa họ hơn là áp dụng các biện pháp hành chính. Đây cũng là cách giảm tải tốt nhất đối với các cơ sở cai nghiện bắt buộc.”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng Nguyễn Hùng Hiệp cho biết.
Dịp này, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng khen thưởng 7 tập thể và 13 cá nhân có thành tích tốt trong công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện và quản lý sau cai năm 2016