Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

'Đại án' đường sắt: Cựu Chủ nhiệm dự án lĩnh 12 năm tù

Sáng nay (27/10), phiên xét xử "đại án" đường sắt khá căng thẳng với phần tranh luận. Công tố viên bảo lưu quan điểm truy tố, trong khi các luật sư yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại. Tòa tuyên bị cáo Phạm Hải Bằng lĩnh án cao nhất - 12 năm tù giam.

 

Các bị cáo trong phiên xử. Ảnh: Bảo Thắng

 

Bảo lưu truy tố

Liên quan đến nội dung có hay không nguyên đơn dân sự, kiểm sát viên cho rằng, trong vụ án ngay từ đầu đã không xác định nhà thầu JTC Nhật Bản là nguyên đơn dân sự. Việc khởi tố và xét xử vụ án xuất phát từ đề nghị từ phía chính quyền Nhật Bản.

Trước đó, nhìn nhận về sự vụ, chính quyền Nhật Bản cùng các cơ quan hữu quan của quốc gia này đã tỏ ra hết sức quan ngại nếu vụ việc được báo chí phản ánh là đúng. Nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách ODA từ Nhật Bản về Việt Nam. Ngay sau đó, Bộ Giao thông  vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, đề xuất phương án điều tra vụ án.

Liên quan đến hành vi nhận tiền “hỗ trợ” từ phía nhà thầu JTC của các bị cáo, đại diện cơ quan truy tố khẳng định, việc nhận tiền như vậy là trái công vụ, hưởng lợi cá nhân.

Kiểm sát viên đã đối đáp lần lượt 6 vấn đề các luật sư đưa ra, như vấn đề nguyên đơn dân sự trong vụ án; hoặc các bị cáo có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Công chức hay không?; các bị cáo có cấu kết không?. Thậm chí, có luật sư còn đề nghị tòa tuyên thân chủ của mình không phạm tội.

Đối đáp, kiểm sát viên khẳng định, đối chiếu với các quy định của hệ thống pháp luật, các bị cáo hoàn toàn thoả mãn. Liên quan đến yếu tố tổ chức, kiểm sát viên phân tích, trong vụ án, các bị cáo thể hiện tích cực phạm tội, thực hiện hành vi phạm tội rất quyết liệt...

 Luật sư không nhất trí

Luât sư Hoàng Huy Được (bào chữa cho bị cáo Phạm Hải Bằng) cho rằng, Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định kiểm sát viên phải đối đáp từng nội dung mà luật sư đưa ra. Trước hết, quyết định thành lập RPMU là một pháp nhân, là đơn vị sự nghiệp có thu. Tuy nhiên, trên thực tế, RPMU không hề là đơn vị có thu. Trong khi đó, đối chiếu với Điều 4 của Luật Công chức cùng các văn bản khác là không đúng.

Theo luật sư Được, tại Điều 13 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã chỉ rõ, 6 bị cáo không thoả mãn các quy định của doanh nghiệp Nhà nước. “Như vậy, làm sao thoả mãn các quy định về luật tham nhũng hay công chức được” – ông Được nói.

Quay lại chuyện nguyên đơn dân sự, luật sư Được phân tích, không thể coi khoản tiền từ JTC là tiền của chính quyền Nhật Bản. Bên cạnh đó, việc nguyên đơn dân sự phải chứng minh thiệt hại và có đơn yêu cầu. Tuy nhiên, trong vụ án này, phía JTC không tham gia vụ án.

Bổ sung ý kiến của luật sư Được, luật sư Kỳ (bào chữa cho bị cáo Bằng) đề nghị kiểm sát viên phải làm rõ thế nào là cán bộ, thế nào là công chức.

Liên quan đến người bị hại, luật sư cho rằng, nếu căn cứ văn bản từ phía Nhật Bản là chưa thoả đáng. “Việc xác định cấu thành tội phạm phải cấu thành 4 yếu tố trong luật Hình sự, trong đó phải thoả mãn các dấu hiệu khách quan, chủ quan, khách thể, chủ thể. Vậy ở đây, khách thể bị xâm phạm ở đây là gì? Người bị hại là ai? Không thể coi người bị hại trong một cuộc họp, người bị hại trong một văn bản nào đó” – ông Kỳ lập luận.

Cũng theo ông Kỳ, nói đến hậu quả, không thể nói chung chung. Phải cụ thể bằng những tài liệu, chứng cứ, con số, chứ không thể bằng kết quả một cuộc họp.

Liên quan đến nội dung căn cứ khởi tố vụ án, một luật sư lên tiếng, không thể dựa vào một lời đề nghị của đối tác để khởi tố. Cũng không nên nâng quan điểm câu chuyện này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ bang giao giữa hai quốc gia. “Đây chỉ là một vụ án nhỏ, trong hàng trăm, hàng nghìn dự án ODA khác” – một luật sư có ý kiến. Qua đó, luật sư đề nghị trả hồ sơ vụ án.

Bào chữa cho bị cáo Trần Văn Lục (cựu Giám đốc RPMU), luật sư Hằng Nga khẳng định không thoả mãn các dấu hiệu của tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo bà Nga, quá trình diễn biến vụ án, ông Lục không có bất cứ tài nào thể hiện “gợi ý”, hay đề xuất phía đối tác Nhật Bản phải “bôi trơn” số tiền như cáo buộc. “Mọi việc do phía JTC tự nguyện hỗ trợ. Ông Lục không hề biết gì về số tiền nói trên” – luật sư Nga phân tích.

Đối đáp lại, phía công tố viên tiếp tục bảo lưu quan điểm truy tố và mức án đề nghị đến các bị cáo.

Mong muốn xin giảm nhẹ hình phạt

Trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo nói lời sau cùng:

 1.Trần Văn Lục: Sau 30 năm làm nghề, bị cáo luôn tâm huyết với ngành đường sắt, không ngờ lại có kết cục như này. Mong HĐXX cân nhắc, minh oan cho bị cáo.

2.Phạm Hải Bằng: Trong nước mắt, bị cáo Bằng cho rằng, sau bao nhiêu cố gắng, chỉ vấp một lần thôi sẽ bị xoá sạch toàn bộ. “Xuất phát từ mục đích cùng Tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ, vì mục đích chung, nhưng nếu bị kết tội, bị cáo cũng xin chịu. Cúi xin HĐXX xem xét, bị cáo xin hết”.

3.Phạm Quang Duy: Cũng như lời sau cùng của bị cáo Bằng, Duy cho rằng, đó là xuất phát từ mục đích chung. Nhằm giảm nhẹ hành vi phạm tội, Duy nêu ra gia cảnh của gia đình, với truyền thống cách mạng, ăn năn hối cải, hiểu biết pháp luật hạn chế.

4.Trần Quốc Đông: Mong HĐXX cân nhắc đến đóng góp trong quá trình công tác, để có quyết định có lợi cho bị cáo.

5.Nguyễn Nam Thái: Đã nhận ra sai phạm. Thấy hối tiếc khi không dành thời gian để tìm hiểu các quy định của pháp luật.

6.Nguyễn Văn Hiếu: Nhận được trách nhiệm là người đứng đầu đơn vị. Đã có nhiều năm công tác, có thành tích, mong HĐXX xem xét, giảm án.

Đến 11h50, HĐXX bắt đầu công bố bản án. Theo đó, bị cáo Phạm Hải Bằng (cựu Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, Chủ nhiệm dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1, Tổng Cty đường sắt Việt Nam) bị tuyên án cao nhất - 12 năm tù.

Bị cáo Trần Văn Lục 5 năm 6 tháng tù; Phạm Quang Duy 8 năm 6 tháng tù; Trần Quốc Đông 7 năm 6 tháng tù; Nguyễn Nam Thái 11 năm; Nguyễn Văn Hiếu 7 năm, 6 tháng tù.