Trước đó, trong phần bào chữa, một số luật sư cho rằng, vụ án này không có thiệt hại, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm không phạm tội tham ô tài sản, thông tư 02 của NHNN là vi hiến.
Trong phần đối đáp, đại diện VKS khẳng định: Căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo thể hiện số tiền 1.576 tỷ đồng chi ra từ 3 nguồn. Số tiền trên bị hạch toán trái quy định và chỉ ghi chung là tạm ứng hoạt động nghiệp vụ.
Theo VKS, trong lĩnh vực ngân hàng, không cho phép hạch toán bừa bãi, hạch toán sai. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định.
Đặc biệt, số tiền 1.576 tỷ đồng thuộc Oceanbank, đồng nghĩa thuộc về cả cổ đông góp vốn. Theo luật Doanh nghiệp, cổ đông có quyền, nghĩa vụ theo tỷ lệ vốn góp. Việc các bị cáo làm trái thông tư 02, gây thiệt hại cho các cổ đông, trong đó có PVN.
Đại diện VKS. Ảnh Minh Quang
Xác định trong 1.576 tỷ đồng có 246 tỷ đồng chi cho Nguyễn Xuân Sơn là chi lãi ngoài. Trong đó có 49 tỷ bị cáo Sơn chiếm đoạt của PVN. PVN là doanh nghiệp nhà nước, sử dụng vốn nhà nước trong hoạt động kinh doanh nên 49 tỷ đồng thuộc sở hữu nhà nước.
Bị cáo Sơn là người đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbannk, đã lợi dụng chức vụ là đại diện phần vốn góp của PVN là cổ đông có khả năng chi phối Oceanbank để chiếm đoạt 49 tỷ đồng.
Tranh luận với các luật sư về quan điểm thông tư 02 là trái luật, đại diện VKS cho rằng: Thông tư 02 do Thống đốc NHNN căn cứ vào luật Các tổ chức tín dụng. Thực tiễn triển khai thông tư 02 cho thấy, đây là công cụ hữu hiệu, ngăn được tình trạng huy động vốn vượt trần. Việc ban hành không trái quy đinh bộ luật Dân sự.
Lấy "bầu Kiên" làm ví dụ
Nhiều luật sư cho rằng, có nhiều ngân hàng khác chi lãi vượt trần, chỉ Oceanbank bị xử lý hình sự. Về quan điểm này, VKS đưa ra ví dụ về những đối tượng từng bị xử lý hình sự về việc này như Nguyễn Đức Kiên (cho vay liên ngân hàng nhưng núp bóng, bị xử lý tội cố ý làm trái), hay như vụ Phạm Công Danh. Việc xử lý hình sự đối với Thắm và đồng phạm liên quan đến Oceanbank không phải là duy nhất, cá biệt.
Nhiều ngân hàng chi lãi vượt trần được phát hiện được xử lý hành chính chứ không bị xử lý hình sự, theo VKS, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như quy mô, tính chất, hành vi vi phạm có tiêu cực, tham nhũng hay không.
"Một số ngân hàng việc thanh tra không phát hiện được việc chi lãi ngoài, chúng tôi đã kiến nghị Thống đốc NHNN xử lý cá nhân liên quan đến thanh tra giám sát", lời đại diện VKS.
Về nội dung các luật sư và bị cáo cho là việc chi lãi ngoài đem lại lợi ích cho Oceanbank, giúp việc kinh doanh tại ngân hàng này có hiệu quả, có lãi, VKS đối đáp: Khi thanh tra giai đoạn năm 2010-2011, nợ xấu Oceanbank chiếm 12% tổng dư nợ, vốn chủ sở hữu giảm 1.500 tỷ đồng do không trích lập dự phòng rủi ro. Kết luận thanh tra số 430 cho thấy, các sai phạm trước đó được nêu ra ngày càng trầm trọng hơn, nợ xấu tiếp tục tăng cao, chủ yếu liên quan đến nhóm vay của Thắm chiếm 79,3%.
Một trong những nguyên nhân chính là việc nới lỏng quy định cho vay, nhất là đối với nhóm vay liên quan đến Hà Văn Thắm.
Nhắc đến thông tin có bị cáo khai, sau 1 năm, Oceanbank lãi 1.000 tỷ đồng, VKS cho rằng: Qua báo cáo kiểm toán của Oceanbank mới thể hiện năm 2015, lợi nhuận lãi 48 tỷ, lỗ lũy kế 15.412 tỷ; năm 2016 lãi 70 tỷ, lỗ lũy kế 15.340 tỷ.
Năm 2015, NHNN đã phải kiểm soát và cho vay đặc biệt đối với Oceanbank. Hiện Ocecanbank chưa hoàn trả khoản vay này cho NHNN. Oceanbank cũng được tăng cường hỗ trợ nhân lực, kinh doanh. Oceanbank mới bắt đầu hồi phục không phải do hoạt động cho vay vốn những năm trước. Con số lãi 1.000 tỷ là không chính xác.
VKS cũng nêu quan điểm, trong việc chi lãi ngoài, tất cả bị cáo đều biết, việc thực hiện nhiều công đoạn, quy định khác nhau nhưng hướng tới mục đích chung là thực hiện trái thông tư 02. Khái niệm về đồng phạm không bắt buộc người khác phải tham gia tất cả công đoạn, chỉ cần tiếp nhận, tiếp nối hành vi là đồng phạm.
Theo đại diện VKS, chắc chắn một điều, trong hợp đồng lao động không bắt buộc phải tuân thủ chỉ đạo cấp trên, nếu đó là sai phạm. Các bị cáo làm trong lĩnh vực ngân hàng đều phải biết việc chi hàng ngàn tỷ đồng không có chứng từ là sai quy định.
Các bị cáo không hưởng lợi nhưng ở mức độ nào đó có lợi ích nhất định từ sự tuân thủ này là có công ăn việc làm, nghề nghiệp ổn định.
Nhắc tới vai trò của giám đốc chi nhánh, VKS cũng khẳng định, khi có sai phạm xảy ra ở đơn vị của mình, giám đốc chi nhánh phải chịu trách nhiệm cao hơn. Một số bị cáo cho rằng, khi nhận chức giám đốc chi nhánh, việc chi lãi ngoài đã, đang xảy ra, nhưng xét từ góc độ là người quản lý, các bị cáo không cản trở, không yêu cầu dừng lại, tiếp tục đồng ý cho việc chi diễn ra bình thường. Đây là hành vi cố ý gián tiếp.